• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
20 Tháng Giêng 2025 9:51:15 CH - Mở cửa
Đẩy nhanh tiêm chủng vaccine, ngành bán lẻ dự báo phục hồi
Nguồn tin: Người đồng hành | 24/09/2021 8:58:54 SA
Chính phủ đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine Covid-19 trên phạm vi cả nước.
Điều này tạo cơ hội nới lỏng giãn cách, các cửa hàng mở cửa trở lại, ngành bán lẻ phục hồi.
Vincom Retail và PNJ gặp khó khăn ngắn hạn nhưng triển vọng dài hạn tươi sáng.
Bách Hóa Xanh, VinMart/VinMart+ cải thiện kết quả kinh doanh dù trong giai đoạn dịch bệnh.
 
Tốc độ tiêm chủng và thẻ xanh Covid là giải pháp phục hồi kinh tế
 
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ đã có những động thái đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm Covid-19 và tiêm vaccine trên phạm vi cả nước nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022. Theo dữ liệu trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, Việt Nam đã tiêm hơn 35 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó hơn 6 triệu người đã tiêm đủ 2 liều.
 
Hà Nội thực hiện chiến dịch tiêm “thần tốc” với lượng vaccine được tiêm trong thời gian 9-16/9 cao gần bằng 6 tháng trước cộng lại. Tính đến nay, thành phố đã tiêm gần 6,5 triệu liều vaccine Covid-19, tỷ lệ tiêm ít nhất 1 mũi/dân số từ 18 tuổi trở lên là gần 113% (theo dữ liệu trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19). Việc tiêm chủng 2 mũi cho người dân từ 18 tuổi trở lên dự kiến hoàn thành trong tháng 11 tới. Về công tác xét nghiệm, thành phố cũng tiến hành xét nghiệm 3 lần/tuần cho tất cả người dân trong vùng phong tỏa. 
 
TP HCM cũng duy trì xét nghiệm thần tốc đến ngày 30/9 để tiếp tục bóc tách ngay nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời. Tỷ lệ tiêm chủng ít nhất 1 mũi đến thời điểm này đã đạt hơn 127%. 
 
Nhiều tỉnh thành phía Nam khác có dịch diễn biến phức tạp với số ca mắc cao như Đồng Tháp, Bình Phước đã ghi nhận tiến độ tiêm chủng vaccine Covid-19 nhanh nhất cả nước. Các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai… cũng đang đạt tỷ lệ tiêm chủng cao với khoảng 100% dân số trên địa bàn được tiêm ít nhất 1 mũi.

 
Nguồn: Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19
 
Tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 đang được đẩy nhanh do đây là yếu tố quyết định tới ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế trong thời gian tới. Tỷ lệ tiêm chủng càng cao thì nền kinh tế càng sớm trở lại bình thường
 
Trong kế hoạch thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhiều địa phương dự kiến triển khai thẻ xanh Covid - một hình thức công nhận cho người đã có miễn dịch với virus nCoV, nhằm mở cửa dần nền kinh tế. 
 
Sáng 22/9, chợ lưu động bình ổn giá tại quận 5, TP HCM đã áp dụng thẻ xanh Covid-19 nhằm cung cấp các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho người dân trong thời điểm giãn cách xã hội. 
 
Người dân tỉnh Bình Dương có thẻ xanh vaccine sau khi tiêm ít nhất 1 mũi vaccine Covid-19 sau 14 ngày đã có thể đi lại trong tỉnh từ 20/9. Tỉnh Đồng Nai dự kiến áp dụng “giấy thông hành vaccine” điện tử cho những người đủ tiêu chuẩn. Đà Nẵng cũng lên phương án sử dụng thẻ xanh, vàng, trắng theo mức độ tiêm vaccine cho phép người dân đảm bảo các điều kiện để tham gia hoạt động theo nhiều mức độ.
 
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cũng đang lên kế hoạch sống chung với dịch, khôi phục kinh tế bằng việc mở cửa dần trên cơ sở an toàn. Hiện Hà Nội đã áp dụng Chỉ thị 15 sau 60 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ngày càng thu hẹp diện phong tỏa, nới lỏng giãn cách. 

Tỷ lệ tiêm chủng trên số vaccine phân bổ. Nguồn: Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19
 
 
Doanh nghiệp bán lẻ "hồi sinh" nhờ mở cửa trở lại, gia tăng thị phần
 
Với tốc độ tiêm vaccine được đẩy nhanh cùng ứng dụng thẻ xanh Covid, nền kinh tế sẽ dần quay về quỹ đạo và là tiền đề cho ngành bán lẻ "hồi sinh".
 
Cụ thể, các cửa hàng bán lẻ sẽ được mở cửa trở lại. Các doanh nghiệp lớn trong ngành tiêu dùng có kế hoạch mở rộng chuỗi cửa hàng với tốc độ mở mới từ 15-25% trong năm nay, theo Chứng khoán BIDV (BSC). Bên cạnh đó, các chuỗi bán lẻ nổi tiếng cũng tăng thị phần do các cửa hàng nhỏ lẻ phải đóng cửa do nặng gánh ảnh hưởng của dịch.
 
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo kết quả kinh doanh của Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) sẽ cải thiện trong quý IV nhờ giảm dần giãn cách xã hội tại miền Nam, Hà Nội và Đà Nẵng. Đây là khu vực chiếm khoảng 75% tổng số cửa hàng vàng PNJ
 
Với kịch bản làn sóng Covid-19 thứ 4 được kiểm soát vào cuối tháng 9 và toàn dân sẽ được tiêm phòng vào quý II/2022, Chứng khoán MB (MBS) cho rằng sức mua dành cho các mặt hàng không thiết yếu như trang sức sẽ phục hồi.
 
Việc dịch bùng phát có thể khiến PNJ hưởng lợi từ việc tăng thị phần do những cửa hàng nhỏ lẻ phải đóng cửa. Thời gian giãn cách cũng là lúc công ty có cơ hội “F5”, cấu trúc lại mô hình vận hành, hiện đại hóa công nghệ… để chuẩn bị tăng tốc nhanh chóng vào giai đoạn phục hồi sau giãn cách. 
 
PNJ đang tiếp tục chiến lược đa thương hiệu (multi-brand) bằng việc hợp tác cùng thương hiệu Pandora. Điều này góp phần trẻ hóa nhóm đối tượng khách hàng tìm tới PNJ, đồng thời gia tăng tính đa dạng và mới mẻ trong lựa chọn dành cho những tín đồ trang sức.

 
Xét đến Vincom Retail (HoSE: VRE), BSC dự báo triển vọng năm sau của Vincom Retail sẽ lạc quan hơn nhờ đưa vào vận hành thêm Vincom Mega Mall Grand Park (TP HCM) và tỷ lệ miễn dịch cộng đồng dự kiến đạt 70% tại cuối quý I/2022 sẽ giúp nhu cầu mua sắm cũng như kinh tế hồi phục.
 
Trong nửa cuối năm nay, Vincom Retail sẽ vận hành Vincom Mega Mall Smart City (Hà Nội) và hai Vincom Plaza (Bạc Liêu và Mỹ Tho), nâng tổng số diện tích sàn bán lẻ (GFA) thêm hơn 100.000 m2 lên 1,8 triệu m2.
 
Định hướng phát triển các diện tích bán lẻ mới của công ty đến năm 2026 đặt trọng tâm lớn hơn vào loại hình Vincom Mega Mall. Chuỗi trung thâm thương mại quy mô lớn này sẽ tập trung phát triển trong các đại đô thị của Vinhomes, chiếm khoảng 27/49 trung tâm thương mại dự kiến triển khai mới, đóng góp trên 80% diện tích bán lẻ GFA tăng thêm. Tổng GFA tăng thêm dự kiến 3 triệu m2 trong giai đoạn 2021-2026, tương đương tổng số trung tâm thương mại đạt 129. 
 
BSC đánh giá sự thay đổi chiến lược này phù hợp trong bối cảnh hậu dịch bệnh khi sức cầu của dân cư bị ảnh hưởng và sẽ tăng khả năng triển khai kế hoạch mở rộng hàng năm (bình quân 450.000-550.000 m2 GFA/năm đến 2026).

 
Ưu tiên năm nay của Masan Group (HoSE: MSN) cũng là tái mở rộng chuỗi bán lẻ trên toàn quốc, hướng đến phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng vào năm 2025. Trong khi trong năm 2020, VinCommerce (VCM) đã đóng cửa hơn 700 điểm bán hoạt động không hiệu quả để cải thiện biên lợi nhuận.
 
Chủ tịch Masan Group cho biết mục tiêu đến cuối năm 2021, số lượng cửa hàng VinMart và VinMart+ ít nhất sẽ tương đương với số lượng điểm bán khi sáp nhập VCM. Nhưng điểm khác biệt là mạng lưới bán lẻ này sẽ có lợi nhuận. 
 
Mới đây, chuỗi VinMart & VinMart+ đã liên tục đăng tin tìm kiếm mặt bằng có diện tích từ 90 m2 trở lên tại TP Đà Nẵng để phát triển kinh doanh. 
 
Tương tự, Bách Hóa Xanh (BXH) của Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) đưa ra thông báo tìm kiếm mặt bằng kinh doanh để mở rộng quy mô. 
 
Kế hoạch mở rộng quy mô của BXH và VinMart+ hoàn toàn có cơ sở trước nhu cầu đồ thiết yếu của người dân tăng cao, đặc biệt là khi các chợ truyền thống và chợ đầu mối đóng cửa do Chỉ thị 16. Ngoài ra, giá thuê mặt bằng trên thị trường giảm 20-30% so với giai đoạn trước dịch và trở thành cơ hội để các đơn vị này đàm phán giá thuê "hời" hơn. 
 
Bên cạnh diễn biến tích cực của nhóm hàng thiết yếu, chuỗi Thế Giới Di Động/ Điện Máy Xanh (TGDĐ/ĐMX) của MWG kém khả quan hơn khi gần 2.000 cửa hàng, chiếm 70% tổng số điểm bán trên toàn quốc phải tạm đóng hoặc hạn chế bán hàng trong nửa cuối tháng 7. 
 
Tuy nhiên, SSI Research nhận định, việc mở cửa trở lại có thể sẽ rơi vào khoảng tháng 11 và các cửa hàng ĐMX/TGDĐ có thể đạt doanh thu ổn định trong mùa cao điểm cuối năm. Đồng thời, quá trình hợp nhất thị trường có thể sẽ tăng tốc trong thời kỳ đại dịch, vì các cửa hàng tư nhân nhỏ hơn sẽ gặp khó khăn để tồn tại. Việc giành được thị phần sẽ giúp MWG đạt được mức tăng trưởng vượt trội sau đại dịch so với các đối thủ cạnh tranh trong năm 2022.
 
Nhiều chuyên gia đến từ các công ty chứng khoán nhận định mô hình ĐMX Supermini sẽ giảm bớt tác động của đại dịch đối với chuỗi TGDD/ĐMX trong ngắn hạn, đồng thời mang lại sự ổn định những năm tới.
 
MWG đã tích cực mở rộng số lượng ĐMX Supermini kể từ quý IV/2020 do đơn vị nhận thấy chuỗi này có thể cải thiện thị phần ở các khu vực thành thị xa trung tâm, mô hình cửa hàng này không bị ảnh hưởng nhiều bởi các chính sách giãn cách xã hội. Tính đến cuối tháng 7, ĐMX Supermini có 589 cửa hàng, được mở mới 287 điểm bán so với đầu năm.

 
Về Masan Group, doanh nghiệp ra mắt mô hình kiosk Phúc Long tại các điểm bán VinMart/VinMart+ kể từ tháng 5. Chiến lược hợp tác này nhằm gia tăng lưu lượng khách cũng như biên lợi nhuận của VinMart+ thêm 4% so với hiện tại. Tính đến cuối tháng 6, Masan Group đã có 50 kiosk đang hoạt động và con số này dự kiến tăng lên 1.100 kiosk đến cuối năm, chiếm 40% số lượng cửa hàng VinMart+.
 
SSI Research dự phóng Masan Group sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh nửa cuối năm nay và sang năm 2022 khi có thể giành thị phần và đạt tăng trưởng cao hơn trung bình ngành. Danh mục sản phẩm như dầu ăn, thực phẩm ăn liền, gia vị… cũng hưởng lợi trong đại dịch.
 
Ban lãnh đạo tập đoàn đặt kế hoạch VCM đạt EBIT (lợi nhuận trước thuế, lãi vay) hòa vốn vào quý III và mảng kinh doanh thịt có lãi ròng vào cuối năm khi tổ hợp chế biến thịt đạt từ 25-30% công suất sử dụng vào quý IV, so với công suất hiện tại là 11%. 

 
Xu hướng chuyển đổi số giúp duy trì đà tăng trưởng nhóm bán lẻ
 
Cùng với việc mở cửa và tăng quy mô, các doanh nghiệp lớn như MWG, Masan Group, PNJ và Vincom Retail... sẽ hưởng lợi khi kênh bán hàng hiện đại (MT) ngày càng tăng tỷ trọng nhờ sự tiện lợi, an toàn vệ sinh và xu hướng chuyển đổi số.
 
Thống kê của Q&ME cho biết kênh truyền thống (GT) vẫn chiếm tỷ lệ lớn 80% thị trường tiêu dụng bán lẻ Việt Nam hiện tại, bao gồm cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống… 20% còn lại là  MT bao gồm siêu thị, mini stores, online… Xu hướng sẽ dần dịch chuyển thành 70% GT - 30% MT vào năm 2025.

 
Bên cạnh đó, xu hướng chuyển đổi số cũng mở ra cơ hội cho các nhà phân phối sản phẩm ICT (công nghệ thông tin truyền thông) như Digiworld (HoSE: DGW), FPT Retail (HoSE: FRT) và MWG.
 
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2020 của Google chỉ ra rằng người tiêu dùng chuyển sang các dịch vụ kỹ thuật số. Trong tổng số người sử dụng dịch vụ kỹ thuật số, người dùng mới chiếm 41% tại Việt Nam (cao hơn so với bình quân khu vực Đông Nam Á). 94% số người dùng mới này định tiếp tục sử dụng các dịch vụ đó kể cả sau đại dịch.
 
Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, người Việt Nam thường dành 3,1 giờ/ngày để truy cập Internet (cho mục đích cá nhân). Trong khoảng thời gian áp dụng giãn cách xã hội trên diện rộng, con số này đã tăng vọt lên 4,2 giờ/ngày và kỳ vọng sẽ duy trì ở mức cao 3,5 giờ ngày/giờ hậu đại dịch.
 
Những thay đổi này trong hành vi của khách hàng sẽ có tác động tích cực đến nhu cầu đối với các sản phẩm ICT, chẳng hạn như máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh và thiết bị gia dụng, theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC).
 
 
 
Với các hợp đồng độc quyền với Xiaomi và Huawei cũng như là 1 trong 4 nhà phân phối ủy quyền của Apple tại Việt Nam, kết quả kinh doanh của Digiworld  (HoSE: DGW) được dự phóng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong hai quý cuối năm khi các nhà bán lẻ mở lại cửa hàng và tích cực dự trữ hàng tồn kho trước mùa tựu trường vào tháng 9.
 
Ngoài ra, với việc iPhone 13 chính hãng sẽ lên kệ ở Việt Nam vào cuối tháng 10, Digiworld dự kiến hưởng lợi nếu như dòng điện thoại Apple này có doanh thu tốt. Nguyên nhân là do iPhone chiếm 16% doanh thu Digiworld trong nửa đầu năm nay và công ty này cũng là top 2 nhà phân phối có thị phần iPhone cao nhất tại Việt Nam.

 
FPT Retail (HoSE: FRT) sẽ hưởng lợi rõ rệt nhất từ doanh thu iPhone do mảng này chiếm khoảng 40% doanh thu chuỗi FPT Shop nửa đầu năm, theo VCSC. Tuy nhiên, trọng tâm tăng trưởng của doanh nghiệp vẫn là chuỗi nhà thuốc Long Châu.
 
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu toàn chuỗi nhà thuốc đạt 1.336 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 15%. Chuỗi này đã ký đủ 150 hợp đồng thuê nhà, mở bán được 68 cửa hàng, nâng số lượng cửa hàng đang hoạt động lên 268 cửa hàng. 
 
Mảng phân phối lẻ laptop của chuỗi FPT Shop cũng có dấu ấn khi vươn lên dẫn đầu thị trường với 31% thị phần trong 5 tháng đầu năm. 
 
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2021, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bạch Điệp cho biết FPT Retail sẽ tiếp tục tập trung khai thác mảng kinh doanh laptop trong năm nay. Kế hoạch doanh thu mảng ICT chiếm khoảng 85% tổng doanh thu hợp nhất 16.400 tỷ đồng. Bà cũng cho biết sẽ tìm kiếm lợi nhuận thông qua mở thêm 70 trung tâm laptop phục vụ thị trường đang có nhu cầu cao này.
 
 

Cổ phiếu liên quan

Công ty
Giá
Tin tức