Becamex IDC sở hữu quỹ đất KCN lớn nhất cả nước, có hơn 1.000 ha đất sẵn sàng cho thuê trong bối cảnh giá thuê tăng.
Tổng công ty có lợi nhuận tăng ấn tượng trong nửa đầu năm, hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu cũng đã được cơ cấu, giảm về dưới 1 lần.
Lợi thế quỹ đất lớn sẵn sàng cho thuê
Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng tình hình cho thuê KCN tại miền Bắc và miền Nam vẫn ổn định, giá thuê tăng, theo báo cáo mới nhất của JLL vào tháng 7. Tại miền Bắc, tỷ lệ lấp đầy vẫn duy trì ở mức 75%, nhiều KCN mới tại Hưng Yên được đưa ra thị trường, nâng tổng diện tích toàn miền lên 9.700 ha. Giá thuê đất vẫn giữ ở mức 107 USD/m2, tăng 6% cùng kỳ năm trước.
Còn tại phía Nam, tổng diện tích cho thuê lên tới 25.220 ha với tỷ lệ lấp đầy đạt 85%. JLL ghi nhận nhiều giao dịch thuê đất KCN mới trong lúc đại dịch bùng phát, giá thuê tiếp tục tăng 7% lên 113 USD/m2. Đơn vị này cho rằng thị trường KCN tại 2 miền sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới, giá thuê cũng có thể tăng lên nhờ dòng vốn đầu tư FDI, hạ tầng ngày càng hoàn thiện.
Giá thuê đất và nhà xưởng khu vực phía Bắc (biểu đồ trái) và phía Nam (biểu đồ phải).
Trong khi đó, giá cho thuê đất KCN tại Việt Nam thấp hơn so với một số quốc gia trong khu vực, theo SSI Research nhận định. Cụ thể, giá này thấp hơn khoảng 25 - 30% so với Indonesia và Thái Lan, là các quốc gia hưởng lợi từ dòng vốn FDI. Giá đất khu công nghiệp tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng 7 - 8% tại khu vực phía Nam và 5 - 6% tại khu vực phía Bắc trong năm nay.
Giới chuyên gia cho rằng giá cho thuê KCN tăng, tỷ lệ lấp đầy ổn định là một phần thúc đẩy giá cổ phiếu nhóm ngành này tăng trưởng từ đầu năm đến nay. Đồng thời, những doanh nghiệp sở hữu diện tích cho thuê KCN lớn được kỳ vọng hưởng lợi tích cực, trong đó có
BCM của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC). Theo khảo sát, riêng tháng 8, giá cổ phiếu
BCM của Becamex IDC đã tăng 12% lên mức 46.900 đồng/cp. Trong những ngày đầu giao dịch của tháng 9, giá cổ phiếu này đang ở vùng 49.000 đồng/cp.
Becamex IDC có lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là phát triển KCN, bề dày trên 20 năm kinh nghiệm với gần 32.000 ha KCN đã được đầu tư trên cả nước. Không chỉ dừng lại ở Bình Dương, tổng công ty đã và đang phát triển nhiều dự án tại Bình Định, Long An, Bình Phước, Bình Thuận, tổng quy mô hơn 4.000 ha.
Ngoài ra, Becamex IDC cũng là đối tác chiến lược, sở hữu 49% vốn tại liên doanh VSIP (với nhóm nhà đầu tư Singapore) và 30% vốn tại liên doanh BWID (với Tập đoàn Warburg Pincus), góp phần hình thành những KCN lớn ở nhiều tỉnh thành như Hải Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Ngãi...
Sở hữu quỹ đất KCN lớn nhất Việt Nam, Becamex IDC đang có hơn 1.000 ha KCN có thể sẵn sàng cho thuê ở những vị trí chiến lược như Bàu Bàng, Mỹ Phước (Bình Dương).
Khác với những doanh nghiệp cho thuê KCN truyền thống, Becamex IDC còn cung cấp hệ sinh thái theo mô hình One-Stop Service: khu công nghiệp song hành đô thị, đảm bảo sự kết nối đồng bộ từ công nghiệp đến dịch vụ và thương mại. Tổng công ty đã đầu tư phát triển các khu đô thị, khu dân cư (KDC) có quy hoạch đồng bộ liền kề KCN như KDC Mỹ Phước, KDC Thới Hòa, KDC Bàu Bàng (thị xã Bến Cát) và KCN VietSing (TP Thuận An). Tại TP Thủ Dầu Một, Becamex xây dựng dự án Thành phố mới Bình Dương 1.000 ha, Becamex City Center 6 ha...
SSI Research ước tính năm nay, Becamex IDC sẽ cho thuê 136 ha đất tại KCN Bàu Bàng mở rộng và KCN Cây Trường, tăng 35% cùng kỳ. Ngoài ra, chi phí lãi vay cũng sẽ giảm 29%. Tổng công ty có thể còn được hưởng lợi từ xu thế đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Bắc - Nam hay các cụm cảng... giúp kết nối thuận tiện hơn với các KCN.
Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng. Ảnh: Becamex IDC
Một điểm đáng chú ý khác là trong 8 tháng, Bình Dương đứng 3 trong công tác thu hút đầu tư FDI với 1,7 tỷ USD, bất chấp đại dịch Covid hoành hành, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư. Nhiều người kỳ vọng sau khi đại dịch được khống chế, Becamex IDC là điểm nóng thu hút FDI tại Bình Dương với lợi thế quỹ đất, hệ sinh thái và thương hiệu quốc gia.
Tập trung tái cấu trúc nguồn vốn, lợi nhuận 6 tháng tăng 52%
Trong nửa đầu năm, mặc dù tình hình dịch bệnh kéo dài gây nhiều khó khăn trong việc tiếp xúc, gặp gỡ khách hàng nhưng Becamex IDC cho biết vẫn tiếp tục thực hiện được các hợp đồng đã ký. Công ty cũng ghi nhận khoản lãi trong công ty liên doanh, liên kết gấp đôi cùng kỳ, đạt 627 tỷ đồng. Điều này khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nửa đầu năm có nhiều khởi sắc. Lợi nhuận sau thuế đạt 987,5 tỷ đồng, tăng 52% cùng kỳ. EPS tương ứng 875 đồng.
Kế hoạch tăng trưởng cũng được tổng công ty đặt ra trong cả năm nay. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2.300 tỷ đồng, tăng 5% so với kết quả thực hiện năm trước. Như vậy, nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành 43% kế hoạch.
Từ năm 2018 đến nay, Becamex IDC cũng thực hiện tái cấu trúc nguồn vốn, giảm vay nợ tài chính. Nếu năm 2018, hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu là 1,45 lần thì cuối quý II/2021 là 0,97 lần. Từ nợ ngắn hạn chiếm đa số, tới cuối quý II/2021, doanh nghiệp đã cơ cấu giảm nợ ngắn hạn, tăng nợ dài hạn. Các khoản nợ vay dài hạn chủ yếu là trái phiếu.
Mới đây, tổng công ty cũng đưa ra phương án phát hành riêng lẻ tối đa 2.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp lần 3. Nếu đợt phát hành này thành công, từ đầu năm đến nay, Becamex IDC huy động 5.500 tỷ đồng trái phiếu.