• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.234,70 +6,60/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.234,70   +6,60/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,25   +0,96/+0,43%  |   UPCOM-INDEX   91,82   +0,12/+0,13%  |   VN30   1.291,94   +5,87/+0,46%  |   HNX30   471,74   +3,77/+0,81%
26 Tháng Mười Một 2024 4:05:35 SA - Mở cửa
Doanh nghiệp thủy sản bội thu cuối năm
Nguồn tin: Zing News | 31/01/2022 8:40:00 SA
Các công ty thủy sản ngược dòng lãi lớn cuối năm nhờ nhu cầu phục hồi, giúp sản lượng và giá bán đều tăng đáng kể.
 
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm vừa qua gặp không ít khó khăn nhưng cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ghi nhận đến 8,9 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ.
 
Kết quả này vượt mong đợi khi đại dịch bùng phát mạnh trong quý III/2021 khiến phần lớn nhà máy chế biến thủy sản chỉ duy trì được 30-50% sản xuất. Xuất khẩu quý III thậm chí giảm 25-30% nhưng bất ngờ ngược dòng vào thời điểm cuối năm tại các ngành hàng chủ lực.
 
Doanh nghiệp tôm, cá lãi lớn
 
Sự phục hồi quan trọng trong những tháng cuối năm đã giúp doanh nghiệp thủy sản có kết quả khả quan và ghi nhận một năm tăng trưởng bất chấp đại dịch.
 
Công ty Thực phẩm Sao Ta (Fimex) ghi nhận doanh thu tăng 19% quý cuối năm để vượt mốc 1.400 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó đạt hơn 110 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ.
 
Biên lợi nhuận gộp có sự cải thiện từ 13% lên 14% là yếu tố thúc đẩy lợi nhuận. Công ty lý giải nguyên nhân chủ yếu là nhờ thu hoạch tôm tự nuôi làm hạ giá thành sản phẩm, góp phần tăng lợi nhuận chung.
 
Lũy kế cả năm, doanh nghiệp ở Sóc Trăng ghi nhận doanh thu tăng 18% đạt mức kỷ lục gần 5.200 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế cũng lên mức cao nhất trong lịch sử với 289 tỷ đồng, tăng 22% so với năm liền trước và vượt 16% kế hoạch năm.
 
Nhà sản xuất tôm sinh thái Camimex Group cũng báo cáo doanh thu quý IV gấp đôi cùng kỳ và giúp lợi nhuận tăng 24% lên 24 tỷ đồng. Tính cả năm doanh nghiệp này thu về 2.190 tỷ doanh thu và có lãi gần 83 tỷ đồng, lần lượt tăng 54% và 38% so với năm liền trước.
 
Trong khi đó, Tập đoàn thủy sản Minh Phú - đơn vị đầu ngành tôm - cũng có tín hiệu đáng ghi nhận. Riêng công ty mẹ có doanh thu tăng gần 7% trong quý cuối năm lên 2.930 tỷ đồng và lũy kế tăng 9% lên 10.141 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên việc hụt thu từ cổ tức và chi phí cước tàu lớn đã khiến lợi nhuận quý vừa qua giảm 11% về 123 tỷ đồng và lũy kế cả năm giảm nhẹ 2% xuống 532 tỷ đồng.
 
Đối với nhóm cá tra, đơn vị đầu ngành là Vĩnh Hoàn cho biết sản lượng và giá bán cùng tăng mạnh trong quý cuối năm. Nhờ vậy doanh thu hợp nhất tăng 39% lên 2.693 tỷ đồng và lãi ròng tăng đến 171% đạt 455 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận quý cao nhất kể từ giữa năm 2018 đến nay.
 
Hầu hết thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp đều phục hồi mạnh thời điểm cuối năm, đặc biệt là Mỹ. Doanh thu xuất khẩu sang Mỹ đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ năm trước.
 
Lũy kế cả năm, Vĩnh Hoàn báo cáo doanh thu tăng 29% lên 9.054 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó đạt 1.110 tỷ đồng, tăng hơn 54% so với năm liền trước.
 
Aquatex Bến Tre báo cáo doanh thu quý cuối năm tăng 69% lên 131 tỷ đồng và lãi ròng gấp gần 10 lần cùng kỳ năm trước đạt xấp xỉ 15 tỷ đồng. Nguyên nhân là nhờ cải tiến trong sản xuất làm cho giá thành sản phẩm giảm và giá bán cũng tăng so với cùng kỳ.
 
Lũy kế cả năm công ty ghi nhận doanh thu tăng 7% đạt mức 342 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng mạnh 133% lên gần 34 tỷ đồng.
 
Doanh nghiệp cá tra khác là Thủy sản Nam Việt cũng ghi nhận quy mô mở rộng khi doanh thu quý IV tăng 13% lên mức 1.058 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí lãi vay và chi phí vận chuyển lớn khiến lãi ròng suy giảm đến 39%.
 
Nhu cầu tăng nhưng chi phí cũng lớn hơn
 
Hoạt động xuất khẩu thủy sản cuối năm lội ngược dòng cán đích 8,9 tỷ USD. Trong đó chủ lực là con tôm khi mang về gần 3,9 tỷ USD, tăng 4%. Xuất khẩu cá tra tăng tốc mạnh 2 tháng cuối năm để giúp kim ngạch cả năm tăng 8,4% lên mức 1,6 tỷ USD. Xuất khẩu các mặt hàng hải sản đạt 3,4 tỷ USD, tăng 7%.
 
Thị trường khởi sắc nhất là Mỹ khi đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản kỷ lục 2 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2020 và chiếm 23% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
 
Ngoài ra xuất khẩu tại nhiều thị trường khác cũng tăng trưởng vượt trội như EU tăng 12% (trong đó đa số các nước thành viên tăng nhập khẩu từ Việt Nam từ 10 -75%); xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 6%, một số nước trong khối hiệp định CPTPP như Australia tăng 16% hay Mexico tăng 49%.
 
Doanh nghiệp trong nước còn hưởng lợi nhờ giá bán trung bình sang các thị trường lớn tăng trung bình 10-30%, nhất là những tháng cuối năm khi đơn hàng tăng và nguồn cung thấp.
 
Ngược lại doanh nghiệp thủy sản cũng gặp bất lợi khi giá cước tàu biển đi các thị trường tăng mạnh 4-10 lần so với trước dịch, kèm theo các khó khăn khâu vận chuyển trong nước nên hàng hóa nhiều địa phương bị ách tắc.
 
Ngoài ra các chi phí đầu vào đều tăng mạnh do dịch Covid-19 như giá nguyên liệu tăng, chi phí phòng chống dịch, chi phí vận chuyển.
 
Đánh giá về thị trường năm 2022, SSI Research cho rằng nhu cầu sẽ tiếp tục tăng mạnh từ việc mở cửa trở lại của các nền kinh tế. Tuy nhiên xuất khẩu thủy sản cũng chịu áp lực chi phí nguyên liệu thô kéo dài và chi phí vận chuyển cao.
 
"Giá cước có thể trở về bình thường sau khi tình trạng tắc nghẽn cảng được giải quyết trong quý II/2022, theo dự báo của McKinsey"
 
Báo cáo của SSI Research.
 
Với cá tra, ngoài thị trường Mỹ ổn định thì nhu cầu tại châu Âu và Trung Quốc được kỳ vọng phục hồi mạnh hơn do 2 năm liên tiếp ở mức thấp, nhờ tác động của Hiệp định EVFTA và nới lỏng hạn chế thủy sản tại các cảng của Trung Quốc.
 
Do đó SSI Research dự báo giá bán bình quân cá tra cũng sẽ tiếp tục xu hướng tăng khi nhu cầu phục hồi. Tuy nhiên tình trạng thiếu hụt nguồn cung sẽ làm tăng thêm chi phí cho cá nguyên liệu, dẫn đến làm giảm biên lợi nhuận trong quý đầu năm và cải thiện dần sau đó.
 
Đối với ngành tôm, SSI Research nhận thấy trong khi Ấn Độ đang vật lộn với sự gián đoạn chuỗi giá trị thì Ecuador nổi lên với thành công tuyệt đối, tiếp theo là Việt Nam và Indonesia. Giá bán bình quân được dự báo sẽ duy trì ổn định trong năm 2022.