Ủy ban chuyên gia của Đức chịu trách nhiệm lên kế hoạch để giảm bớt tác động của tình trạng giá khí đốt tiêu dùng tăng vọt đang ủng hộ cơ chế thanh toán một lần trong năm nay và giảm giá từ tháng 3 hoặc tháng 4 năm sau.
Nhân viên kỹ thuật làm việc tại trạm bơm khí đốt tự nhiên ở Sayda, miền Đông Đức. Ảnh tư liệu: AP/TTXVN
Theo dự thảo kế hoạch, ủy ban trên ủng hộ việc chính phủ cho phép các hộ gia đình và doanh nghiệp thanh toán một lần tương đương với hóa đơn khí đốt của 1 tháng trong năm nay. Hiện ủy ban đang tiếp tục thảo luận về cơ chế riêng đối với những khách hàng tiêu thụ khí đốt lớn trong lĩnh vực công nghiệp.
Ở giai đoạn tiếp theo, chính phủ có thể trợ giá 80% lượng khí tốt tiêu thụ dự kiến, 20% còn lại người tiêu dùng phải trả theo giá thị trường. Giá trợ cấp có thể là khoảng 14 cent/kWh. Tuy nhiên, Chính phủ Đức vẫn khuyến nghị người dân nên sử dụng tiết kiệm năng lượng.
Các chuyên gia cho rằng ưu điểm của cơ chế thanh toán một lần là cung cấp hỗ trợ ngay lập tức, nhưng nhược điểm là sẽ không khuyến khích tiết kiệm năng lượng dù ước tính cần giảm ít nhất 20% lượng khí đốt tiêu thụ để tránh nguy cơ thiếu hụt. Trong khi đó, việc giảm giá khí đốt mất nhiều thời gian hơn để thực hiện.
Nếu được thông qua, kế hoạch trên sẽ được chi trả thông qua gói cứu trợ 200 tỷ euro (gần 194 tỷ USD) mà chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz công bố hồi cuối tháng trước nhằm giảm bớt tác động của tình trạng giá năng lượng tăng cao ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Hôm 30/9 vừa qua, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho rằng nước này đang trong tình trạng “cực kỳ căng thẳng” về nguồn cung năng lượng. Cơ quan quản lý thị trường điện, khí đốt, viễn thông, bưu chính và đường sắt tại Đức (BNetzA) cũng đã ban bố cảnh báo khẩn, kêu gọi người tiêu dùng tăng cường tiết kiệm khí đốt ngay cả khi thời tiết lạnh giá.
BNetzA nêu rõ mặc dù các cơ sở dự trữ khí đốt của Đức đã được lấp đầy khoảng 91,5% trước mùa Đông, nhưng người dân vẫn cần tiết kiệm hơn nữa. BNetzA cho biết thêm thời tiết hiện đã lạnh hơn đáng kể so với cùng thời điểm của những năm trước, nhưng dù nhiệt độ thấp hơn, Đức vẫn cần phải đảm bảo giảm ít nhất 20% lượng tiêu thụ khí đốt để tránh tình trạng thiếu nguồn nhiên liệu sưởi ấm trong mùa Đông.