Theo Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), trong năm 2021, Trung Quốc đã nhập khẩu 5,297 triệu tấn cao su, bao gồm 2,385 triệu tấn cao su thiên nhiên, chiếm 45%, tăng 3,8% và 2,912 triệu tấn cao su hỗn hợp, chiếm 55%, giảm 17,7% so với năm trước.
Trung Quốc dẫn đầu thế giới về lượng cao su thiên nhiên (HS 4001) nhập khẩu năm 2021, kế tiếp là Malaysia (1,207 triệu tấn), Hoa Kỳ (1,001 triệu tấn), Nhật Bản (698 ngàn tấn) và Ấn Độ (525 ngàn tấn).
Trung Quốc nhập khẩu cao su thiên nhiên nhiều nhất là từ Thái Lan (51,1%), Malaysia (13,7%), Côte d’ Ivoire (8,1%), Việt Nam (7,4%) và Indonesia (7,2%).
Chủng loại cao su thiên nhiên được Trung Quốc nhập nhiều nhất là cao su khối định chuẩn kỹ thuật (HS 400122), chiếm 64,1% về giá trị, kế tiếp là latex (HS 400110) 18,1% và cao su tờ xông khói (HS 400121) 9,9%. Hầu hết các nguồn cao su thiên nhiên nhập vào Trung Quốc được áp dụng thuế suất 20%, riêng Lào được áp dụng mức thuế suất 19,3%.
Lượng cao su hỗn hợp (HS 400280) được nhập khẩu vào Trung Quốc năm 2021 vẫn nhiều hơn cao su thiên nhiên dù đã giảm hơn so với năm trước (-17,7%). Việt Nam là nước dẫn đầu về lượng cao su hỗn hợp được nhập vào Trung Quốc (41,5%), kế tiếp là Thái Lan (40,3%) và Malaysia (12,9%).
Cao su hỗn hợp nhập khẩu vào Trung Quốc có thuế suất bằng 0% và có thể chứa hàm lượng cao su thiên nhiên trên 97%, trong khi thuế suất nhập khẩu cao su thiên nhiên phần lớn ở mức 20%. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu về cao su thiên nhiên nhập khẩu đang chịu thuế suất cao, Trung Quốc đã tăng lượng nhập khẩu cao su hỗn hợp trong những năm gần đây, tuy nhiên, đã giảm trong năm 2021.