Thị trường chuyển trạng thái giằng co trong sáng nay, một phần vì thận trọng trước áp lực chốt lời ngắn hạn có thể xuất hiện, một phần vì đêm nay sẽ có số liệu lạm phát của Mỹ, yếu tố có thể khiến chứng khoán thế giới biến động mạnh. Riêng khối ngoại vẫn nhiệt tình, mua vào chiếm 13,5% tổng giá trị sàn HoSE...
Nhóm xây dựng và bất động sản nhiều mã tăng tốt với thanh khoản khá cao.
Thị trường chuyển trạng thái giằng co trong sáng nay, một phần vì thận trọng trước áp lực chốt lời ngắn hạn có thể xuất hiện, một phần vì đêm nay sẽ có số liệu lạm phát của Mỹ, yếu tố có thể khiến chứng khoán thế giới biến động mạnh. Riêng khối ngoại vẫn nhiệt tình, mua vào chiếm 13,5% tổng giá trị sàn HoSE.
VN-Index xuất hiện nhịp giảm rất sớm và chạm đáy lúc gần 10h. Tuy vậy mức giảm sâu nhất cũng chỉ dưới tham chiếu 0,94%. Ngay cả khi xuống đáy, độ rộng của chỉ số này cũng chỉ có 143 mã tăng/197 mã giảm. Rổ VN30 cũng giảm cùng lúc, với mức điều chỉnh sâu nhất -1,35% so với tham chiếu.
Các cổ phiếu blue-chips dẫn dắt thị trường hôm qua đã hạ nhiệt, số lớn quay đầu điều chỉnh ngay đầu ngày. Độ rộng tại đáy của VN30 chỉ có HDB là còn tăng, 26 mã khác giảm. Một số trụ lớn giảm khá mạnh như MSN giảm tới 3,82%, NVL giảm 3,94%, TCB giảm 2,82%, VCB giảm 2%, VHM giảm 2,86%, VIC giảm 3%, VPB giảm 2,19%, GAS giảm 1,77%...
Cho đến hết phiên sáng, một số trụ vẫn còn đỏ, như VIC giảm 2,5%, VHM giảm 1,52%, NVL giảm 3,55%, MSN giảm 2,96%. Tuy vậy các trụ này cũng phục hồi ít nhiều so với đáy, đồng thời số lớn các mã khác quay đầu tăng vượt tham chiếu, tạo lực đỡ chung cho các chỉ số. VN-Index đến khoảng 10h15 đã quay lên trên tham chiếu.
Dù vậy khả năng bứt phá của nhóm dẫn dắt là không có. Rổ VN30 chỉ có thể chuyển sang trạng thái giằng co, với 17 mã tăng/12 mã giảm và chỉ số vẫn còn đỏ 0,18% so với tham chiếu. VN-Index cũng trồi sụt thiếu ổn định trên tham chiếu và cuối phiên giảm 0,47 điểm tương đương 0,05%. Độ rộng ghi nhận cần bằng 202 mã tăng/202 mã giảm.
VN-Index thể hiện thị trường đang trong thế giằng co và cả cung lẫn cầu đều yếu.
Nhìn trên bề nổi của chỉ số đại diện, thị trường giằng co không rõ ràng, nhưng dòng tiền vẫn len lỏi tìm kiếm cơ hội và số lớn tăng khá tốt. Nhóm xây dựng và vật liệu, cùng với một số mã bất động sản, sáng nay rất khả quan như FCN tăng 1,37%, VCG tăng 3,25%, CTD tăng 2,82%, LCG tăng 1,03%... nhóm thép có HPG tăng 1,87%, HSG tăng 0,37%, HAG tăng 1,66%, DIG tăng 1,62%...
Điểm nhấn sáng nay là thanh khoản đã sụt giảm mạnh, hai sàn khớp 3.852 tỷ đồng, giảm tới 34% so với sáng hôm qua. HoSE giảm 35%, còn 3.559 tỷ đồng. Đây đều là mức thanh khoản kém nhất 5 phiên.
Thanh khoản thấp không phải là tín hiệu xấu, dù vẫn thể hiện dòng tiền vào chững lại. Yếu tố củng cố sự tích cực trong thanh khoản là khả năng tự cân bằng của thị trường. Diễn biến sáng nay là giảm trước hồi sau trên nền thanh khoản thấp, tức là cả mua lẫn bán đều tụt giảm. Đó là phản ứng thận trọng của cả hai bên, ít nhất tới khi thị trường đón nhận lượng cổ phiếu mới buổi chiều.
Một điểm cũng đáng lưu ý là tuy độ rộng cân bằng, nhưng giao dịch vẫn đang chiếm ưu thế ở phía tăng. Cụ thể, giá trị khớp lệnh nhóm tăng giá trên HoSE chiếm 56,5% tổng khớp của sàn, giao dịch tại nhóm giảm chiếm 36,8%. Trong Top 10 cổ phiếu thanh khoản nhất toàn thị trường, thì chỉ có 2 mã giảm là VPB và SSI, còn lại đều tăng.
Khối ngoại sáng nay không thận trọng như nhà đầu tư trong nước. Khoảng 551,6 tỷ đồng được tung vào mua trên sàn HoSE, chiếm 13,5% tổng giao dịch sàn này. Phía bán ra khoảng 435,8 tỷ đồng, tương ứng mua ròng 115,8 tỷ. VNM được mua tốt nhất với 30,3 tỷ đồng, DGC +26,6 tỷ, CTG +23,1 tỷ. Phía bán lớn nhất là VCB -14,4 tỷ và cũng là cổ phiếu duy nhất bị bán trên 10 tỷ đồng ròng.