Nhiều nhà đầu tư đang tìm hiểu đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp, lãnh đạo UBND tỉnh này cam kết có những chính sách ưu đãi đặc biệt, tạo "cú hích" để phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp trở thành khu kinh tế tổng hợp.
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Thường Phước (Đồng Tháp) giải quyết thủ tục hải quan cho doanh nghiệp. Ảnh: T.H
Đầu tư kho ngoại quan tại cửa khẩu
Để phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp, lãnh đạo tỉnh này vừa có buổi gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe góp ý, hiến kế về cơ chế, chính sách đặc biệt thu hút đầu tư vào khu vực cửa khẩu.
Nhiều doanh nghiệp cũng tìm hiểu, góp ý về đầu tư phát triển khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp. Theo đó, các doanh nghiệp kiến nghị tỉnh đầu tư kho ngoại quan tại khu kinh tế cửa khẩu để doanh nghiệp thuận tiện trong nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa; có chính sách miễn tiền thuê đất để doanh nghiệp đầu tư hệ thống siêu thị; mở rộng vị trí đất để đầu tư nhà máy sản xuất phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học; đào tạo và cung ứng nguồn lao động đã qua đào tạo cho doanh nghiệp để bắt nhanh với hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Novagroup về các ý tưởng quy hoạch, cơ chế, chính sách mới nhằm thu hút đầu tư phát triển khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp.
Báo cáo của Công ty Cổ phần Novagroup và đơn vị tư vấn đã đánh giá hiện trạng khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp hiện nay, đó là nguồn lực đầu tư còn hạn chế, chưa có cơ chế đặc thù riêng, hạ tầng giao thông kết nối chưa thông suốt...
Đơn vị tư vấn đã phân tích về tiềm năng và cơ hội vùng kinh tế biên giới thượng nguồn sông Tiền, gợi ý một số định hướng phát triển không gian khu kinh tế cửa khẩu.
Đồng thời, đơn vị tư vấn cũng đề xuất cơ chế ưu đãi đặc biệt; đề xuất những dự án giao thông nhằm kết nối hạ tầng; cơ chế hỗ trợ hình thành trung tâm logistics và du lịch; thu hút đầu tư và phát triển sản xuất.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp được Thủ tướng Chính phủ phê quyệt tại Quyết định số 1580/QĐ-TTg ngày 9/9/2013.
Hiện tỉnh Đồng Tháp đang rà soát lại các nội dung sau gần 10 năm thực hiện quy hoạch và thành lập tổ tư vấn nghiên cứu chính sách phát triển, thu hút đầu tư cho khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh.
Cải cách thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là ban hành chính sách ưu đãi đặc biệt để phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp trở thành khu kinh tế tổng hợp gồm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị và nông lâm, ngư nghiệp; trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mekong. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh nghiên cứu, đề xuất chính sách phát triển.
Bên cạnh chính sách từ Trung ương, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cam kết, cải cách thủ tục hành chính để rút ngắn quy trình, thủ tục đầu tư, sự thân thiện, cầu thị của chính quyền cũng là yếu tố quan trọng để thu hút doanh nghiệp.
Trong Kế hoạch phát triển thương mại biên giới tỉnh Đồng Tháp được UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành vào cuối tháng 8/2022, tỉnh này đã đặt mục tiêu đến năm 2025, thương mại biên giới trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, đưa Đồng Tháp trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trọng yếu của vùng vào thị trường Campuchia và tiến tới thị trường các quốc gia ASEAN, đồng thời phát huy lợi thế về hạ tầng cửa khẩu, tài nguyên và vị trí địa lý của tỉnh, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu theo hướng gia tăng tỷ trọng hàng hóa có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là nhóm hàng nông sản, thủy sản.
Phấn đấu trong giai đoạn 2021 – 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở địa bàn khu vực biên giới đạt mức tăng trưởng từ 11 - 12%, giá trị kim ngạch XNK hàng hóa biên mậu qua các cửa khẩu tăng 8%/năm.
Đến năm 2025, kim ngạch XNK hàng hóa biên mậu đạt 300 triệu USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa biên mậu đạt 174,8 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu hàng hóa biên mậu đạt 125 triệu USD.
Đồng Tháp đặt mục tiêu hoàn thành cơ bản hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp và các cửa khẩu, nhất là hai cửa khẩu quốc tế. Hoàn thành việc nâng cấp cửa khẩu Thường Phước thành cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sông; cặp cửa khẩu Thường Phước (Đồng Tháp) - Koh RoKa (Prây Veng) được bổ sung vào Nghị định thư vận tải đường bộ giữa hai nước Việt Nam và Campuchia; hoàn chỉnh hồ sơ nâng cấp cửa khẩu chính Mộc Rá trình Thủ tướng Chính phủ.