Các chuyên gia có quan điểm khác nhau về việc liệu thị trường chứng khoán đã xác lập đáy ngắn hạn hay chưa.
Thị trường chứng khoán sau khi 3 tuần giảm điểm mạnh và về sát mốc tâm lý 1.000 điểm, chỉ số VN-Index đã hồi phục trở lại từ ngày 12/10 và chốt tuần tại 1.061,85 điểm, qua đó ghi nhận mức tăng 2,5% so với mức đóng cửa tuần trước.
Câu hỏi được nhà đầu tư quan tâm nhất hiện nay là VN-Inden đã tạo đáy, tức đã xác lập xu hướng tăng điểm trở lại hay chưa? Chúng tôi ghi nhận ý kiến một số chuyên gia xoay quanh chủ đề này:
Còn sớm để xác lập xong đáy
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)
Theo tôi, những phiên tăng điểm trong tuần qua là sự hội tụ từ một số yếu tố như 1) những giải pháp nghiệp vụ và trấn an tâm lý kịp thời từ Ngân hàng Nhà nước đối với sự việc tại SCB; 2) định giá thị trường ở mức hấp dẫn với hệ số P/E bình quân của VN-Index ở khoảng 12 lần, qua đó thu hút dòng tiền tham gia của các nhà đầu tư dài hạn, thực tế là khối ngoại đã quay lại mua ròng rất mạnh mẽ trong tuần qua; 3) Mức tăng điểm mạnh của chứng khoán thế giới vào cuối tuần, điều này đã góp phần thúc đẩy thanh khoản của sàn HOSE tăng khá mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu.
Nếu xét về mức độ định giá, thị trường đang rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư dài hạn, có tầm nhìn từ 3-5 năm tới. Tuy nhiên, tôi thấy vẫn còn hơi sớm để kết luận thị trường đã xác lập xong đáy. Trong ngắn hạn, sự cân bằng của thị trường chịu tác động trực tiếp từ tương quan của cán cân cung cầu và lực cầu của bên mua cần thời gian để chứng tỏ sự ổn định. Bên cạnh đó, bối cảnh kinh tế - xã hội của thế giới hiện tại vẫn còn nhiều yếu tố phức tạp, trong đó việc điều hành chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới để đối phó với bài toán lạm phát - suy thoái sẽ còn nhiều ẩn số đối với các thị trường chứng khoán.
Trong tuần mới, quan hệ cung cầu và diễn biến của chứng khoán thế giới có thể là những nhân tố chính tác động đến thị trường, bên cạnh các kết quả kinh doanh quý 3/2022 của các công ty niêm yết được công bố có thể sẽ tạo nên sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Về mặt phân tích kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang có ngưỡng kháng cự quanh 1.070 điểm và hỗ trợ quanh 1.040 điểm. Việc chỉ số phá vỡ các hỗ trợ, kháng cự này theo chiều hướng nào có thể gợi mở xu hướng của thị trường về phía cuối tuần.
Hiện có thể là vùng đáy, nếu giảm mạnh tiếp là vô lý
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao, CTCK KIS Việt Nam
Thời gian qua thị trường chịu tác động nhiều bởi thông tin trong nước lẫn thế giới. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất, đồng thời ra thông điệp cứng rắn duy trì lãi suất cao trong tương lai. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng lãi suất điều hành sau khoảng thời gian dài, bên cạnh đó mặt bằng huy động lãi suất của các ngân hàng tăng nhanh làm nhà đầu tư e ngại, lo lắng, thậm chí hoang mang.
Có những tin đồn, đầu tiên là tin đồn sau đó là tin chính thức liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bên cạnh một số tin đồn liên quan tới doanh nghiệp, cá nhân khác… Tâm lý nhà đầu tư đã phải chịu ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực trong suốt thời gian qua. Đỉnh điểm cách đây 1 tuần, thông tin trong nước và thế giới làm cho tâm lý nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo cổ phiếu, hiệu ứng force sell kéo theo.
Những yếu tố trên làm cho thị trường có hiện tượng tiết cung, cổ phiếu để bán, sẵn sàng để bán không còn nhiều nữa. Trong thời gian qua, bán chủ đích có, vô thức có, bán theo tin đồn, theo kỹ thuật, tâm lý bầy đàn do thấy tin tức xấu… nên lượng hàng cổ phiếu giá rẻ không còn, chấp nhận bán lỗ không còn.
Trong khi niềm tin, cơ sở cho nhà đầu tư tin vào tương lai bắt đầu nhen nhóm. Ví dụ kết quả kinh doanh quý 3 của vài doanh nghiệp đưa ra với kết quả tốt, ấn tượng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư vào những doanh nghiệp còn lại, những cổ phiếu chủ lực trong một số ngành, giúp nhà đầu tư mạnh tay giải ngân hơn.
Nhà đầu tư bán lúc trước, hay đang cầm tiền mặt (tiền nằm chờ trong tài khoản từ 70.000 tới 100.000 tỷ) hiện giờ dòng tiền này được kích hoạt trở lại khi giá cổ phiếu vào vùng quá bán nhiều. Nhiều cổ phiếu vào vùng đáy trước dịch bệnh nên rất hợp lý để có thể mua vào đầu tư trung dài hạn.
Có thể thấy lo lắng của nhà đầu tư vơi đi, một số nhà đầu tư mua bắt đáy do cổ phiếu giá rẻ, họ thấy giá hợp lý để tích lũy dần, như kiểu tích sản. Họ không mua theo kiểu đầu cơ mà mua gom dần. Đây là những yếu tố tạo nên chuỗi tăng điểm trong tuần qua.
Về việc tạo đáy hay chưa, tôi nghĩ không ai có thể nói được đâu là đáy chính xác. Với quan điểm của tôi đây có thể gọi là vùng đáy. Cho dù thị trường có thể giảm điểm thêm, cổ phiếu có thể giảm chút thì từ vùng này cũng không giảm thêm nhiều nữa. Như ở trên đã đề cập, giá đã vào quá bán, tạo hiện tượng tiết cung. Hiện đây có thể là vùng đáy, có thể thị trường hồi phục dần kể từ vùng này.
Sắp tới có thể có những phiên điều chỉnh, rung lắc hay có nhà đầu tư có khuynh hướng bán ra nhiều hơn mua vào là do họ chốt lời. Còn để thị trường giảm sâu thì ít nhất tương lai gần không có lý do giảm thêm, nếu giảm thêm nhiều là vô lý. Bởi cho dù có những quan ngại về lạm phát, suy thoái kinh tế trên thế giới nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt. GDP năm nay dự báo trên 7%. các định chế tài chính lớn trên thế giới đều nhìn nhận nền kinh tế Việt Nam tăng tưởng tốt, dựa trên sức bật của các doanh nghiệp.
Tóm lại tôi đánh giá thị trường trong thời gian tới có xu hướng tăng dần hơn là giảm. Thị trường sẽ đón nhận một số luồng thông tin đan xen nhau liên tục.
Thử thách lập đáy là vùng cản 1.080
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Tuần qua thị trường có một số điểm sáng. Thứ nhất, sau chuỗi giảm điểm liên tiếp VN-Index về mức 1.000 điểm, có thời điểm xuống dưới mức này. Và chốt tuần, thị trường đã giữa được mức 1.000 điểm. Thứ hai, mặc dù thanh khoản chưa tăng quá mạnh nhưng cơ bản lượng cầu chấp nhận vùng giá cao đã tốt hơn trước. Thứ ba, độ rộng thị trường với nhiều cổ phiếu sắc xanh bao phủ rộng hơn, phản ánh tâm lý nhà đầu tư bớt bi quan hơn.
Điểm sáng nữa là khối nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng, trước đó họ bán ròng. Ngoài ra cũng có một yếu tố nữa đến từ diễn biến thị trường thế giới. Vừa qua, tỷ lệ lạm phát của Mỹ công bố dù có giảm nhưng mức giảm chưa như kỳ vọng của thị trường, nhưng thị trường chứng khoán lại phản ứng tích cực. Điều này giúp cho thị trường Việt Nam phần nào giảm rủi ro.
Tuy nhiên với 3 phiên tăng liên tiếp chưa khẳng định xu hướng tăng của thị trường đã quay trở lại. Vùng cản của VN-Index đối mặt trong tuần này để có thể xác nhận xu hướng tăng hay không là 1.080 điểm. Hay nói cách khác nếu vượt được vùng này thì vùng đáy ngắn hạn mới được tạo ra.
Thông tin rủi ro nhất của thị trường tạm qua đi, thị trường sẽ chờ thêm những bình luận của các thành viên của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vì trước khi cuộc họp của Fed diễn ra sẽ có vài thành viên phát biểu biểu định hướng sắp tới về việc tổ chức này nâng lãi suất như thế nào. Những bình luận này có thể ảnh hưởng tới thị trường.
Hiện tại thị trường đang kỳ vọng Fed tăng lãi suất 0,75%. Chúng ta chưa biết chính xác sẽ tăng bao nhiêu khi mà lạm phát có hướng hạ. Đây là yếu tố thị trường đang chờ. Còn khoảng 3 tuần nữa Fed bắt đầu cuộc họp, đây là khoảng thời gian thị trường chưa bị ảnh hưởng bởi động thái của Fed.
Trong tuần này yếu tố tác động tới thị trường sẽ nằm ở kết quả kinh doanh qúy 3. Kết quả kinh doanh được công bố có thể tạo sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu.
Để ý có thể thấy kết quả kinh doanh nhóm ngân hàng - nhóm vốn hóa lớn nhất có kết quả kinh doanh quý 3 tương đối khả quan, vẫn giữ được tăng trưởng khi cùng kỳ năm trước nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi COVID nên nhóm này bị ảnh hưởng theo.
Tôi cho rằng yếu tố kết quả kinh doanh tích cực là tin đột biến giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư, có thể giữ được dòng tiền, hút được dòng tiền quay trở lại.
Ngoài ra là câu chuyện tác động là thanh khoản Ngân hàng SCB. Vừa qua, áp lực rút tiền của người dân giảm bớt, lãi suất có khuynh hướng giảm nhẹ dần thay vì những ngày gần đây lãi suất huy động có chiều tăng lên. Nhiều khả năng lãi suất sẽ hạ nhiệt trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang bơm tiền ra.
Kịch bản xác suất cao trong tuần này là VN-Index có thể vượt được mức 1.080 điểm, theo đó chính thức xác lập xu hướng tăng ngắn hạn, đồng nghĩa dòng tiền thanh khoản thị trường được cải thiện tốt hơn. Nếu không vượt được thì chỉ số sẽ lình xình trong vùng 1.062-1.072 điểm
Về chiến lược, nhà đầu tư vẫn nên chờ đợi việc VN-Index xác lập xu hướng tăng rõ ràng. Nếu không vượt được, nhà đầu tư an toàn vẫn nên đứng ngoài nhưng vẫn có thể mua thăm dò được với tỷ lệ dưới 5%. Nếu vượt được vùng cản 1.080 thì nhà đầu tư có thể tăng dần tỷ trọng cổ phiếu trở lại.