Dù tiến độ thi công nhiều dự án trăm tỷ của Tổng Công ty Hải Sơn - Tổng Công ty 86 còn chậm và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng đơn vị này vẫn liên tiếp trúng nhiều gói thầu lớn trên địa bàn thành phố Phủ Lý và tỉnh Hà Nam. Đặc biệt, trong các gói thầu đơn vị này trúng thầu, nhiều gói thầu được tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng nhưng chỉ duy nhất nhà thầu này tham dự.
Dự án Tổ hợp các dịch vụ thương mại và Bến xe trung tâm tỉnh Hà Nam, trị giá gần 400 tỷ đồng của Tổng Công ty Hải Sơn - Tổng Công ty 86 chưa được giao đất do nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Loạt gói thầu trăm tỷ của Tổng Công ty Hải Sơn - Tổng Công ty 86
Tổng Công ty Hải Sơn – Tổng Công ty 86 được thành lập vào ngày 13/05/2008, có địa chỉ trụ sở tại CX1, phía Nam cầu Hồng Phú, đường Lê Hoàn, phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam và bắt đầu hoạt động từ ngày 1/1/2010.
Theo thông tin phản ánh của bạn đọc đến Báo điện tử Xây dựng, những năm gần đây, Tổng Công ty Hải Sơn – Tổng Công ty 86 không ngừng lớn mạnh với nhiều lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư xây dựng khi liên tiếp trúng nhiều gói thầu lớn trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Có thể kể đến như Gói thầu số 01 - Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị thuộc dự án nâng cấp, gia cố, tăng khả năng thoát lũ và chống sạt lở bờ sông Đáy trên toàn tuyến sông Đáy thuộc địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn I. Theo Quyết định số 350/QĐ-SNN do ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hà Nam ký phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà thầu được phê duyệt trúng thầu gói thầu số 01 - Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị thuộc dự án nâng cấp, gia cố, tăng khả năng thoát lũ và chống sạt lở bờ sông Đáy trên toàn tuyến sông Đáy thuộc địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn I là Tổng Công ty Hải Sơn – Tổng Công ty 86. Giá mời thầu 437,8 tỷ đồng, giá trúng thầu 435,8 tỷ đồng, thời gian thực hiện năm 2018 - 2023.
Dự án do Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam làm Chủ đầu tư, Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Hà Nam là Bên mời thầu. Dự án được chia làm 17 gói thầu, trên tổng mức đầu tư là 722,434 tỷ đồng thì Tổng Công ty Hải Sơn – Tổng Công ty 86 trúng gói thầu lớn nhất của dự án.
Cũng theo tìm hiểu, trước đó, tháng 12/2019, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành quyết định phê duyệt nhà đầu tư dự án Tổ hợp các dịch vụ thương mại và Bến xe trung tâm tỉnh trên địa bàn thành phố Phủ Lý theo hình thức chỉ định thầu. Đơn vị được chỉ định thầu dự án là Tổng Công ty Hải Sơn – Tổng Công ty 86.
Dự án Tổ hợp các dịch vụ thương mại và Bến xe trung tâm tỉnh nằm tại xã Liêm Tuyền, thành phố Phủ Lý, Hà Nam có tổng diện tích sử dụng đất gần 6,7ha. Với tổng chi phí thực hiện hơn 373 tỷ đồng, dự án bao gồm Khu bến xe trung tâm (Khu A) có diện tích khoảng 2,5ha, thuê đất 50 năm; Khu dịch vụ thương mại (Khu B) có diện tích đất ở 1,26ha (giao đất có thu tiền sử dụng đất); Đất dịch vụ thương mại chiếm 0,18ha (thuê đất 50 năm), còn lại là đất giao thông đối ngoại (giao đất không thu tiền sử dụng đất).
Thời hạn và tiến độ thực hiện dự án từ năm 2019 đến năm 2022. Thời gian thực hiện hợp đồng trong vòng 36 tháng kể từ ngày có quyết định bàn giao đất thực địa.
Cũng theo phản ánh, dù 2 gói thầu lớn nêu trên còn dang dở và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai nhưng cùng thời điểm tháng 12/2020, Tổng Công ty lại tiếp tục trúng 2 gói thầu lớn trên địa bàn thành phố Phủ Lý là Dự án xây dựng hồ điều hòa Lam Hạ 1, trị giá 49.800.185.000 đồng; Dự án xây dựng kè Nam sông Châu, trị giá 99.545.186.000 đồng.
Dự án chậm triển khai, nhiều khó khăn, vướng mắc
Để có thông tin khách quan về năng lực nhà thầu cũng như tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng do Tổng Công ty Hải Sơn – Tổng Công ty 86 thực hiện, PV Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Khương Văn Tuyến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nam.
Ông Tuyến cho biết: Dự án nâng cấp, gia cố, tăng khả năng thoát lũ và chống sạt lở bờ sông Đáy trên toàn tuyến sông Đáy thuộc địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn I được triển khai thực hiện từ năm 2020.
Dự án khi mời thầu, có 5 nhà thầu quan tâm, đến lúc nộp có 3 nhà thầu, sau khi chấm đánh giá thì Tổng Công ty Hải Sơn – Tổng Công ty 86 trúng thầu. Dự án có tổng mức đầu tư 722 tỷ với 5 hạng mục gồm nạo vét, tuyến kè từ trạm bơm Thanh Nộn về cầu Hồng Phú (hơn 4km), tuyến kè cầu Đọ Xá đến Phủ Lý (1,4km), tuyến trạm bơm và đoạn kè chùa Bà Đanh.
“Từ khi triển khai (tháng 8/2020), đến nay cũng hơi chậm, mới thi công được khoảng hơn 40%. Việc nạo vét (thuộc địa phận Hà Nội đổ về đến huyện Kim Bảng), mới triển khai được khoảng 20% và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do người dân không đồng thuận. Đa số người dân lo ngại việc nạo vét không đảm bảo sẽ gây nguy cơ sạt lở, điều này một phần do trước kia thiết kế không tính toán. Hiện việc nạo vét đang phải tạm dừng. Phần vốn nạo vét giờ Trung ương cũng đã cắt do chậm giải ngân vốn đầu tư công”.
Cũng theo ông Tuyến, đoạn từ Thanh Nộn về cầu Hồng Phú (hơn 4km) cơ bản mới triển khai được ít, một số đoạn còn vướng do chưa giải phóng được mặt bằng. Gói thầu của Công ty Hải Sơn với tổng giá trị 435 tỷ, hiện điều chỉnh xuống chỉ còn xấp xỉ 400 tỷ.
Lý giải việc nhiều hạng mục thi công chậm, ông Tuyến cho biết: Chậm là do cuối năm 2020 dịch Covid, công trình thi công vào mùa khô, lúc thời gian thi công đẹp nhất thì lại dừng vì phải giãn cách xã hội. Thứ hai, toàn bộ kè nằm một nửa ở ngoài sông, một nửa là đất của dân nên phải GPMB nhưng dân lại không đồng thuận. Còn năm nay mưa nhiều không thi công được, dự kiến đến cuối tháng 10 mới có thể triển khai tiếp.
Về năng lực nhà thầu, ông Tuyến cho biết, khi đối chiếu hồ sơ dự thầu, nhà thầu đều đáp ứng, còn chất lượng thi công, khi chúng tôi kiểm tra đột xuất, chất lượng cơ bản đảm bảo. Tuy nhiên, khi PV đề nghị cung cấp hồ sơ và báo cáo kiểm tra chất lượng, tiến độ dự án thì vị này từ chối, không cung cấp bất cứ văn bản, giấy tờ nào.
Đối với các gói thầu thuộc địa bàn thành phố Phủ Lý, trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Hoàng Cao Liêm, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Kể từ năm 2013 đến nay, Tổng Công ty Hải Sơn - Tổng Công ty 86 đã trúng 5 gói thầu trên địa bàn thành phố, hiện 3 gói thầu đã hoàn thành. 2 gói mới là Dự án xây dựng hồ điều hòa Lam Hạ 1 và Dự án xây dựng kè Nam sông Châu đang được Sở Xây dựng nghiệm thu. Hai gói thầu này đều có thời điểm trúng thầu (phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu) vào tháng 12/2020, ngày ký kết thực hiện hợp đồng là tháng 1/2021.
“Tất cả các gói thầu trên đều được lựa chọn theo trình quy định của Ngân hàng Thế giới và được tuân thủ theo đúng quy định pháp luật Việt Nam. Trước khi phê duyệt kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu đều phải xin thư không phản đối của Ngân hàng Thế giới. Tổ công tác của Ngân hàng Thế giới họ không phản đối thì mới quyết định phê duyệt hồ sơ mời thầu, kế hoạch đấu thầu và kết quả trúng thầu”, ông Hoàng Cao Liêm cho hay.
Về năng lực nhà thầu, chất lượng thi công, ông Liêm đưa thực tế tại tuyến đường Biên Hoà (thành phố Phủ Lý), trước kia mưa là ngập, còn bây giờ hai bên thông thoáng, tối có phố đi bộ, mới đây thành phố còn tổ chức festival. Dự án hồ điều hòa Lam Hạ đến nay cũng phát huy hiệu quả, tạo cảnh quan, môi trường.
Thực tế là vậy, song Phó Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý cũng thừa nhận, do quá trình thi công nhanh, một số chỗ vỉa hè đã bị rạn nứt, thành phố đang yêu cầu nhà thầu khắc phục.
Lý giải vì sao dự án Tổ hợp các dịch vụ thương mại và Bến xe trung tâm tỉnh (thuộc xã Liêm Tuyền, thành phố Phủ Lý) được chỉ định thầu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý Hoàng Cao Liêm cho hay, dự án được mời thầu, tổ chức đấu thầu công khai nhưng chỉ có Tổng Công ty Hải Sơn - Tổng Công ty 86 tham gia, đáp ứng hồ sơ, thực hiện theo Nghị định 125, dự án được chỉ định thầu.
Ông Liêm cũng cho biết, dự án đang chậm và hiện tỉnh chưa giao đất cho nhà đầu tư do chưa giải phóng được mặt bằng.