Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua có không ít cán bộ xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác khi được giao nhiệm vụ liên quan đến xử lý tổ chức tín dụng yếu kém do pháp luật không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm trước các rủi ro pháp lý.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng (TCTD). Trong đó, liên quan đến vấn đề nhân sự khi tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, NHNN cũng chỉ ra một số bất cập.
Cụ thể, Luật các TCTD hiện hành quy định: Cán bộ, công chức, người quản lý từ cấp phòng trở lên trong các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm từ 50% vốn điều lệ trở lên, trừ người được cử làm đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại tổ chức tín dụng không được là Kế toán trưởng, Giám đốc chi nhánh, Giám đốc công ty con của TCTD.
OceanBank là một trong những ngân hàng yếu kém đã có phương án xử lý (Ảnh: Int)
Tuy nhiên, trong thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu các TCTD yếu kém, NHNN đã cử/chỉ định một số trường hợp là công chức hoặc các nhân sự lãnh đạo cấp phòng trở lên tại các NHTM do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (VietinBank, Vietcombank) tham gia tái cơ cấu và giữ các chức vụ trong HĐTV/HĐQT, Ban Điều hành, Ban kiểm soát tại một số TCTD bị kiểm soát đặc biệt (Ngân hàng Đông Á) và các ngân hàng mua bắt buộc (GPBank, OceanBank, CB).
Do đó, NHNN cho rằng để tạo hành lang pháp lý cho việc cử/chỉ định và tiếp nhận trở lại đơn vị cũ khi đã hoàn thành công tác, đồng thời không trái với các quy định tại Điều 33 Luật các TCTD thì cần có quy định ngoại lệ đối với nhóm đối tượng nêu trên.
Ngoài ra, NHNN cũng đề xuất cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ thanh tra, giám sát trước các rủi ro pháp lý trong quá trình xử lý TCTD yếu kém.
Bởi vì theo cơ quan quản lý, việc xử lý TCTD yếu kém là vấn đề khó khăn, phức tạp và gây ra rủi ro pháp lý cho NHNN nói chung cũng như các cán bộ tham gia trực tiếp vào quá trình tái cơ cấu các TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cán bộ (trên thực tế có không ít cán bộ xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý TCTD yếu kém, bao gồm các việc tham gia BKS đặc biệt) do pháp luật không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ này trước các rủi ro pháp lý. Điều này đã tác động và ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nhân lực xử lý TCTD yếu kém, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xử lý TCTD yếu kém.