Theo chuyên gia, trái phiếu chính là yếu tố lớn tác động tới thị trường chứng khoán hiện nay. Giải được bài toán này mới tháo gỡ được niềm tin, dòng tiền mới quay trở lại...
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK Đông Á
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/10, chỉ số VN-Index chốt tại 993,36 điểm, giảm xấp xỉ 35% so với hồi đầu năm nay.
Điểm số bị bào mòn, thanh khoản ở mức thấp, thị trường chứng khoán đang trải qua giai đoạn khiến nhiều nhà đầu tư “nhát tay” giải ngân. Họ tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi đâu mới là nguyên nhân thị trường giảm điểm trong thời gian dài như hiện nay.
Bình luận về diễn biến giảm liên tiếp của thị trường chứng khoán, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK Đông Á cho rằng thị trường chịu tác động từ nhiều thông tin tiêu cực, trong đó phần lớn liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp.
“Tất cả thông tin trên thị trường hiện nay quy chung lại liên quan trái phiếu doanh nghiệp. Ngân hàng mua trái phiếu bị ảnh hưởng, doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhiều cũng bị ảnh hưởng...”, ông Tuấn nói.
Chuyên gia này đánh giá, hiện nay, thị trường lo ngại vấn đề sử dụng vốn sai mục đích của tổ chức phát hành trái phiếu. Vị này cũng nêu câu hỏi lớn nhất tại sao rất nhiều doanh nghiệp sản xuất có nền tảng sức khỏe tốt không phát hành trái phiếu? Tại sao dư nợ trái phiếu hiện nay lớn nhất vẫn nằm ở doanh nghiệp bất động sản?
“Các vấn đề khó khăn trên thị trường hiện nay, một là dư nợ trái phiếu liên quan đến bất động sản đáo hạn cuối năm nay và sang năm 2023 rất lớn. Thứ hai, room của các ngân hàng cho vay bất động sản hiện tại không còn. Thứ ba thị trường bất động sản hiện nay rơi vào trạng thái trầm lắng”, CEO Chứng khoán Đông Á đề cập.
Với những khó khăn trên, các doanh nghiệp bất động sản làm cách nào xoay được dòng tiền để đáo hạn cho trái phiếu đã phát hành? Nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp sẽ phát hành trái phiếu mới để có nguồn tiền đáo hạn.
Nhưng theo ông Tuấn, câu chuyện lớn nhất hiện nay không phải việc doanh nghiệp phát hành mới dễ dàng hay khắt khe. Mà quan trọng nhất là niềm tin của nhà đầu tư.
“Kể từ giờ họ có đặt niềm tin để mua trái phiếu mới phát hành hay không. Trước đây là Tân Hoàng Minh và mới đây là Vạn Thịnh Phát, 2 sự kiện này xói mòn tất cả niềm tin của nhà đầu tư vào phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Vụ việc Tân Hoàng Minh hiện vẫn chưa xử lý, chưa trả lại được tiền cho trái chủ… Có thể thấy, để những người đang gửi tiền tham gia mua trái phiếu là điều rất khó khăn. Cho nên khả năng doanh nghiệp phát hành trái phiếu mới để đảo nợ tôi cho rằng là không khả thi”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Giải pháp gì để giải quyết cho bài toán cuối năm và năm sau dòng tiền đáo hạn? Chuyên gia này đưa ra 3 giải pháp.
Thứ nhất, tất cả ông chủ nợ hiện nay phải chuyển đổi từ chủ nợ sang chủ căn hộ. Cụ thể, nhà đầu tư sở hữu trái phiếu được chuyển đổi qua sở hữu sản phẩm của doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với chính sách chiết khấu cho trái chủ. Đây là một trong những giải pháp đáo nợ cho trái chủ.
Thứ hai, Chính phủ nên có một quỹ đầu tư vào trái phiếu của doanh nghiệp để sẵn sàng hỗ trợ thị trường. Trên thế giới đã có nhưng hiện Việt Nam chưa có hình thức quỹ đầu tư này.
Thứ ba, Chính phủ có chính sách ưu đãi cho các quỹ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhằm khuyến khích cho loại hình quỹ trái phiếu phát triển.
“Nếu không có bất cứ giải pháp nào, tôi cho rằng sang 2023 dòng tiền sẽ cực kỳ khó khăn, tác động tới hàng loạt thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, ngân hàng. Bởi thị trường bất động sản hiện khó khăn, room cho vay không còn nhiều. Phát hành trái phiếu quy định khắt khe, cộng với niềm tin nhà đầu tư mua trái phiếu xuống thấp. Đây là những vấn đề ảnh hưởng tới tới thị trường bất động sản, chứng khoán, một phần nhỏ của hệ thống ngân hàng với những tổ chức mua trái phiếu”, ông Tuấn cho biết.
Ông Tuấn một lần nữa nhấn mạnh, trái phiếu là câu chuyện lớn đang ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường chứng khoán. Tất cả tin đồn vẫn quy về doanh nghiệp nào phát hành trái phiếu nhiều thì xuất hiện tin nhiều, có nợ nhiều trong đó nợ trái phiếu nhiều thì có tin đồn nhiều. Bởi nguyên lý đơn giản, lãi suất tăng nhanh, doanh nghiệp nợ nhiều thì khó khăn trong việc xoay dòng tiền, theo đó vướng tin đồn.