Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm cho biết, dù thị trường dệt may được dự báo trầm lắng hết quý IV/2022 và kéo dài sang năm 2023, nhưng mục tiêu xuất khẩu 43 - 44 tỷ USD trong cả năm 2022 của ngành dệt may vẫn khả thi cán đích.
Ngành hàng dệt may xuất khẩu cũng tăng trưởng khả quan khi trong 10 tháng năm 2022 đạt trên 38 tỷ USD, tương đương bình quân mỗi tháng đạt trung bình 3,7 – 3,8 tỷ USD.
Dù gặp nhiều khó khăn về thị trường xuất khẩu nhưng dự báo ngành dệt may vẫn cán đích 43-44 tỷ USD năm 2022.
Trong các nước xuất khẩu dệt may, Việt Nam là nước có chính sách mở cửa hoạt động bình thường sớm nhất so với Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc. Chính vì thế, nửa đầu năm nay, ngành dệt may Việt Nam đã tận dụng được cơ hội này rất lớn, đơn hàng dồi dào, kết quả kinh doanh tốt, hiệu quả cao. Đây là phản ứng tích cực từ chính sách, trong đó có việc vừa mở cửa, vừa có chính sách hỗ trợ để người lao động quay trở lại doanh nghiệp nhanh nhất, phục hồi thị trường lao động cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhận định về tình hình xuất khẩu dệt may những tháng cuối năm, ông Trương Văn Cẩm cho hay, trong bối cảnh đồng USD tăng giá sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, DN xuất khẩu dệt may sẽ được lợi về giá bán. Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế này, DN sẽ phải đảm bảo được đơn hàng ổn định. Đó cũng là bài toán với nhiều DN dệt may thời điểm này khi đơn hàng chững lại do lạm phát, nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng giảm trên thế giới.
Ngoài ra, Quý 4 năm 2022, bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, ngành may sẽ khó khăn hơn do thời điểm cuối vụ hàng Đông, chuẩn bị hàng Xuân. Thị trường dệt may được dự báo sẽ trầm lắng hết quý 4 và kéo dài sang năm 2023. Dù vậy, ngành dệt may vẫn có cơ hội cán đích mục tiêu xuất khẩu 43-44 tỷ USD trong cả năm. Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu quý IV và cả năm 2022, ưu tiên lúc này là đảm bảo đa dạng các mặt hàng xuất khẩu, sẵn sàng đơn hàng cho mùa Xuân năm sau.