Một chút khích lệ từ chứng khoán thế giới xanh mướt đêm qua, nhưng không kéo dài. Nhà đầu tư đã tranh thủ giá “xanh” để cắt lỗ, khiến áp lực đẩy thị trường vào thế giằng co suốt buổi sáng. VN-Index từ mức tăng 1,29% tương đương gần 14 điểm đã quay đầu giảm 1,46 điểm (-0,13%)...
Nỗ lực nâng đỡ chỉ số của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất đã không đồng thuận đủ, do áp lực cắt lỗ có tín hiệu tăng lên.
Một chút khích lệ từ chứng khoán thế giới xanh mướt đêm qua, nhưng không kéo dài. Nhà đầu tư đã tranh thủ giá “xanh” để cắt lỗ, khiến áp lực đẩy thị trường vào thế giằng co suốt buổi sáng. VN-Index từ mức tăng 1,29% tương đương gần 14 điểm đã quay đầu giảm 1,46 điểm (-0,13%).
Đỉnh cao nhất ngay vài phút sau khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index kiểm định lại ngưỡng 1.100 điểm nhưng không thành công. Quá nửa phiên sáng nay thị trường lại chìm trong một đợt bán cắt lỗ mới và xu hướng giảm rõ nét hơn xu hướng phục hồi.
Sự thất bại đáng chu ý là ở độ rộng: VN-Index tăng đạt đỉnh lúc 9h20, ghi nhận 268 mã tăng/47 mã gỉam, nhưng sau đó độ rộng co lại rất nhanh. Tại đáy lúc 11h, độ rộng chỉ còn 106 mã tăng/320 mã giảm. Đến hết phiên sáng, HoSE còn 170 mã tăng/258 mã giảm.
Diễn biến co giãn của độ rộng cho thấy quan điểm bán ra cắt lỗ là phổ biến. Thị trường đã thủng các ngưỡng hỗ trợ tâm lý quan trọng và xác nhận xu hướng giảm mạnh, nên nhiều nhà đầu tư sẽ coi các diễn biến phục hồi là cơ hội để thoát bớt cổ phiếu, giảm thua lỗ chung. Nếu như chỉ số lên xuống trong phiên chỉ thuần túy do các mã vốn hóa lớn điều tiền thì không đáng ngại, nhưng việc độ rộng cũng thay đổi theo tức là áp lực bán diễn ra trên diện rộng hơn.
Những nỗ lực điều tiết chỉ số sáng nay tập trung trong nhóm VN30 và chỉ số đại diện rổ này thực tế đã kết phiên tăng 2,99 điểm tương đương 0,27%, với 16 mã tăng/10 mã giảm. Dù vậy từ mức tăng cao nhất tới 1,44%, chỉ số này cũng cho thấy các blue-chips chịu áp lực nhất định.
Thực vậy, ở thời điểm mạnh nhất, tất cả các cổ phiếu trong rổ VN30 đều tăng, trừ MSN đứng tham chiếu. Nhiều cổ phiếu có lực bán khá mạnh và tụt giá với biên độ lớn. Ví dụ CTG dù kết phiên vẫn tăng 1,16% nhưng là tụt tới 3,74% so với giá cao nhất. VPB lao dốc tới 3,7% và hiện vẫn đang giảm 0,59% so với tham chiếu. SSI mất sạch mức tăng 3,4% đầu ngày. Thống kê cho thấy có tới 10/30 cổ phiếu của rổ này bị xả đủ mạnh khiến giá giảm trên 2% so với mức đỉnh đầu phiên. Một số bị ép mạnh đến mức giảm qua tham chiếu như BID, GAS, VPB, GVR, HPG.
Dù vậy lực đỡ từ nhóm tăng giá vẫn còn khá tốt. MWG tăng 1,85%, FPT tăng 1,17%, VIB tăng 3,07%, ACB tăng 1,16%, HDB tăng 2,17% là các trụ của VN30-Index nhưng lại không phải là trụ của VN-Index. Chính vì vậy VN30-Index nhận được lực kéo tốt hơn và tăng điểm, trong khi VN-Index vẫn giảm.
Một đợt cắt lỗ tranh thủ lúc giá tăng đã tạo sức ép liên tục lên VN-Index.
Sự ổn định của nhóm blue-chips sẽ là yếu tố quyết định giữ cho chỉ số thể hiện ra là một phiên phục hồi. Khá nhiều cổ phiếu trong nhóm này đã bị thủng đáy ngắn hạn trong vòng 3 tháng trở lại đây, nên vẫn có thể xuất hiện áp lực bán cắt lỗ gia tăng bất kỳ lúc nào. Dù vậy ít nhất thị trường cũng đang cho thấy có nỗ lực phục hồi theo đà chung của thế giới, dù cường độ thì kém xa. Một số mã tăng nổi bật với thanh khoản tốt sáng nay là PVD, HAH, GMD, HDB, VIB, VGC, MWG, SBT... Hiện sàn HoSE cũng mới có 67 cổ phiếu chốt trên tham chiếu từ 1% trở lên.
Số giảm hiện vẫn đang áp đảo ở nhiều tiêu chí. Không chỉ số lượng nhiều hơn, HoSE cũng có 138 mã giảm từ 1% trở lên. Thanh khoản tính theo giá trị ở phía giảm chiếm 50,3% tổng giá trị sàn này, trong khi giao dịch ở phía tăng chỉ chiếm 37,6%. Thanh khoản tăng gần 23% với 4.569 tỷ đồng ở HoSE vẫn thể hiện yếu tố xả lấn át.
Mặc dù vậy thanh khoản tăng cũng đang là một thay đổi tích cực. Tổng giá trị khớp HoSE và HNX đạt 5.049 tỷ đồng, cao hơn sáng hôm qua gần 25%. Ít nhất nhà đầu tư cũng đã xuống tiền mạnh tay, dù là được khích lệ từ diễn biến phục hồi ấn tượng của chứng khoán thế giới. Chiều nay sẽ có lượng hàng bắt đáy sớm và lỗ khá nặng về tài khoản, dòng tiền sẽ cần mạnh hơn nữa mới có thể giữ thăng bằng.
Khối ngoại giao dịch cầm chừng với mức mua vào 406,3 tỷ đồng và bán ra 435,6 tỷ đồng tại HoSE tương đương bán ròng 29,3 tỷ, HNX mua ròng 6,3 tỷ và UpCOM bán ròng 14,9 tỷ. HPG bị xả nhiều nhất -27,8 tỷ đồng ròng, nhóm STB, DPM, MSN là ba mã duy nhất bị bán ròng quanh 10 tỷ. Phía mua có PC1, NLG là quanh 10 tỷ đồng.