Hoàng Anh Gia Lai giới thiệu tới người tiêu dùng sản phẩm thịt heo ăn chuối, trong khi BaF cũng không kém cạnh với sản phẩm thịt heo ăn chay… Liệu các sản phẩm với tên thương hiệu đặc biệt có đủ sức xoay chuyển cục diện "cuộc chơi", giành được thị phần từ những người đi trước như C.P, Masan Meatlife, Vissan...?
Công ty CP nông nghiệp BaF vừa đồng loạt khởi công xây dựng 4 cụm trang trại heo công nghệ cao tại tỉnh Tây Ninh và được đánh giá là trại lớn nhất cả nước khi chính thức đi vào hoạt động.
"Tân binh" chào hàng theo cách độc đáo
Chia sẻ với truyền thông mới đây, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch BaF cho hay, chăn nuôi là mảng chiếm tỷ trọng lớn thứ hai, chỉ sau lúa gạo. BaF đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng mạng lưới đạt 100 trang trại và 6 triệu heo thương phẩm.
Thịt heo "ăn chay" của Hoàng Anh Gia Lai.
Đáng chú ý, khi trả lời về sự khác biệt sản phẩm thịt của BaF, ông Bá đã mô tả bằng cụm từ “heo ăn chay”. Cụ thể, thịt heo nhìn đẹp mắt là một tiêu chí, ngoài ra ăn phải ngon và quan trọng nhất là phải sạch. Theo đó, BaF đã sử dụng một công thức dinh dưỡng trong chăn nuôi độc quyền, chỉ sản xuất để cung cấp cho đàn heo trong nội bộ và không bán thương mại ra ngoài thị trường.
“Điểm đặc biệt trong công thức dinh dưỡng này là hoàn toàn không chứa các thành phần gốc đạm động vật, nghĩa là chỉ sử dụng các thành phần có gốc thực vật. Có thể gọi đây là heo ăn chay cũng không sai”, ông Bá chia sẻ, để người tiêu dùng luôn mua được thịt tươi, thịt mới thì BaF cam kết chỉ bán thịt trong ngày.
Khái niệm “heo ăn chay” của BaF có thể khiến người tiêu dùng liên tưởng tới Hoàng Anh Gia Lai với thương hiệu “heo ăn chuối” đang gây nóng thị trường thịt heo những ngày gần đây khi ra mắt chuỗi cửa hàng Bapi. Hoàng Anh Gia Lai đặt mục tiêu mở 1.000 cửa hàng Bapi để phân phối sản phẩm “heo ăn chuối”. Đồng thời, công ty đặt mục tiêu mở rộng công suất lên đến 1 triệu con sang năm 2023, trước mắt tiêu thụ chính vẫn là heo hơi.
Tuy nhiên, trong báo cáo triển vọng ngành nông nghiệp vừa cập nhật, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT nhận định mặc dù thu hút sự chú ý của người tiêu dùng nhờ tên thương hiệu đặc biệt, nhưng sản phẩm “heo ăn chuối” của Hoàng Anh Gia Lai không có quá nhiều khác biệt so với những sản phẩm thịt sạch đang có trên thị trường, xét ở góc độ tiêu dùng.
Theo VNDIRECT, sự gia nhập của Hoàng Anh Gia Lai phần nào đang hợp xu thế khi có sự chuyển dịch trong thói quen của người tiêu dùng từ mua thịt ở chợ, không rõ nguồn gốc sang những nơi có thương hiệu, có tiêu chuẩn cao hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, “heo ăn chuối”… vẫn chưa xuất hiện nhiều trong hệ thống siêu thị, chợ truyền thống và các cửa hàng thực phẩm.
Mặt khác, “sân chơi” 3F đó là thức ăn chăn nuôi (feed), trang trại (farm), thực phẩm (food) hiện đã khá chật chội với nhiều thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng.
Hiện, C.P Việt Nam - công ty con của Tập đoàn C.P Thái Lan là doanh nghiệp sản xuất thịt heo lớn nhất Việt Nam với thị phần ước khoảng 17-18%. Một cái tên đáng chú ý khác là Meat Deli (thương hiệu của Masan Meatlife) sau 2 năm ra mắt, sản phẩm đã có mặt rộng rãi trên hệ thống siêu thị Winmart và chiếm khoảng 2-3% thị phần. Sản phẩm thịt mát Meat Deli của Masan Meatlife vẫn đang đứng đầu về mức giá trong phân khúc thịt heo có thương hiệu.
Đồng thời, thị trường này đang có sự tham gia của nhiều công ty lớn như GreenFeed, Japfa, CJ Vina, Dabaco… Bên cạnh đó, sắp tới sẽ có thêm một đối thủ mới gia nhập “cuộc đua 3F” là Nova Consumer (thành viên của NovaGroup).
Cạnh tranh lớn nhưng chắn chắn cơ hội vẫn có
Điều này cho thấy sân chơi “3F” hiện đang khá chật chội mới nhiều đối thủ mạnh. Tuy nhiên, theo Ipsos Việt Nam, phân khúc thịt heo thương hiệu tại Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng khoảng 10 -15% mỗi năm, do phân khúc này mới chỉ chiếm khoảng 10% toàn thị trường. Do vậy, đây vẫn là một thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất thịt có sự đầu tư vào hệ thống chăn nuôi, phân phối qua điểm bán hiện đại và đi theo câu chuyện “thịt sạch và có nguồn gốc rõ ràng”.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Việt Nam có khả năng vươn lên vị trí thứ hai châu Á về tiêu thụ thịt heo vào năm 2022, chỉ sau Trung Quốc. Sản lượng thịt heo của Việt Nam năm 2021 đạt gần 4,2 triệu tấn và dự kiến sẽ tăng lên 4,7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với tốc độ tăng trưởng bình quân năm 3,1% trong giai đoạn 2021-2030. Với đà tăng trưởng này, mảng thịt heo ở Việt Nam được coi là "mảnh đất màu mỡ" cho các doanh nghiệp lớn.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nửa đầu năm 2022, tổng đàn heo của cả nước khoảng 28,2 triệu con, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tổng đàn heo thuộc 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi quy mô lớn đạt 6,5 triệu con, chiếm gần 23% tổng đàn.
"Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, thịt heo của 100 triệu dân cùng với 20 triệu khách du lịch ngày càng tăng. Các doanh nghiệp lớn đang tạo ra cuộc chơi mới cho ngành chăn nuôi, có thể nâng tỷ trọng nguồn cung của 16 doanh nghiệp lên 30% tổng đàn heo cả nước vào năm 2022", ông Trọng nói.
Bà Rungphech Chitanuwat Rose, Giám đốc khu vực ASEAN Tập đoàn Informa Markets cho rằng, người tiêu dùng ngày càng thông thái, muốn biết nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm. Nếu quy trình sản xuất không an toàn, họ sẽ không mua. Đó là quá trình chuyển đổi và hội nhập.
“Hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi và các công ty lớn nhìn thấy cơ hội trong đó. Họ đầu tư vào mảng thịt, sản xuất theo hướng hiện đại hơn để mọi quy trình từ trang trại đến bàn ăn được chuẩn chỉnh hơn, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Bản thân doanh nghiệp cũng phải đầu tư và áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để có thể lấn sâu và đứng vững ở thị trường cạnh tranh này”, bà Rose chia sẻ.