Chiến sự Nga- Ukraine, cộng với thời tiết cực đoan, sâu bệnh trên cây cao su, lao động thiếu ổn định… đã làm tăng mạnh chi phí sản xuất của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR).
Trước những khó khăn trên,
GVR chỉ đặt mục tiêu kế hoạch lợi nhuận năm 2022 bằng năm 2021.
Cơ cấu doanh thu của GVR trong quý 2/2022.
Lãi nhờ chênh lệch tỷ giá
GVR vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022. Theo đó, doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 18.397 tỷ đồng, bằng 102% so với cùng kỳ năm trước, và lợi nhuận ghi nhận 4.408 tỷ đồng, bằng 104% so với cùng kỳ 2021.
Tuy nhiên, theo ông Trần Công Kha – Chủ tịch HĐQT
GVR, trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của riêng Công ty mẹ Tập đoàn còn có dự thu khoản lợi nhuận từ thoái vốn với giá trị ước tính là 429 tỷ đồng và thu đền bù đất đai từ nguồn ngân sách các địa phương khi thu hồi đất vào các mục đích phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, trong trường hợp vì lý do khách quan, 2 nguồn thu này chưa được thực hiện trong năm cũng sẽ làm giảm doanh thu, lợi nhuận.
Bên cạnh đó, giá cao su thế giới thời gian qua giảm mạnh dẫn đến doanh thu từ mủ cao su và sản phẩm cao su của
GVR lần lượt giảm tương ứng. Tuy nhiên nhờ tiết giảm chi phí cộng với doanh thu tài chính tăng do hưởng lợi chênh lệch tỷ giá,
GVR vẫn báo lãi ròng tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.
Khó khăn nguyên liệu
Ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc
GVR, cho biết cả 5 lĩnh vực đầu tư, kinh doanh của
GVR đều phải đối mặt với nhiều khó khăn. Với khối nông nghiệp, mặc dù đã cải thiện nhưng tới nay thị trường không ổn định, giá bán cao su giảm và tiêu thụ chậm. Các chi phí đầu vào tăng đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của Tập đoàn.
Đối với khu vực khu công nghiệp (KCN) dù có mức lợi nhuận khá tốt, nhưng quy mô còn nhỏ, quỹ đất cho thuê đã hết, nguồn thu chủ yếu hiện nay là lãi tiền gửi ngân hàng, thu phí dịch vụ, phân bổ doanh thu dài hạn đã thu từ các năm trước. Trong khi các dự án mới vẫn đang trong gia đoạn thực hiện các thủ tục pháp lý.
Về khối công nghiệp cao su, chi phí đầu vào tăng cao, nhiều nguồn thu của các công ty con như
GVR Khải Hoàn giảm mạnh so với năm 2021…
Đối với hoạt động của khối thủy điện, các nhà máy phát điện bị giới hạn về công suất thiết kế, nguồn nước, giờ phát điện, giá bán điện nên không tăng trưởng…
4.408 tỷ đồng là lợi nhuận ước tính của GVR trong 9 tháng đầu 2022, bằng 104% so với cùng kỳ 2021.
Xoay xở dòng tiền
Để thu xếp dòng tiền kinh doanh,
GVR đang xây dựng để trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó,
GVR sẽ có nguồn thu từ thoái vốn đầu tư (lãi do thoái vốn) để bổ sung hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng ngắn hạn và trung hạn.
Việc trông chờ vào dòng tiền từ thoái vốn cho thấy
GVR đang chật vật tìm nguồn vốn bơm vào các dự án KCN/cụm công nghiệp, dự án chế biến gỗ… Được biết, nếu có vốn bơm vào, các dự án này sẽ được đưa vào vận hành, đảm bảo tăng trưởng chung của Tập đoàn.
Theo mục tiêu phát triển đến năm 2025, tổng doanh thu dự kiến của
GVR tăng hơn 30% so với hiện nay, lợi nhuận sẽ tăng trưởng 20% và sẽ tăng nhanh hơn sau năm 2025. Tuy nhiên, đây sẽ là những thách thức rất lớn đối với
GVR khi dòng tiền cho hoạt động kinh doanh phải trông chờ từ các nguồn không chủ động được.