Theo báo cáo của Ban quản lý các khu công nghiệp, 10 tháng năm 2022, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút đầu tư được 21 dự án FDI mới và 28 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn 292,6 triệu USD, đạt 98% kế hoạch; thu hút mới 14 dự án DDI, với tổng vốn đăng ký 2.261,58 tỷ đồng, đạt 323% kế hoạch.
Tháng 10/2022, Ban Quản lý các KCN đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐKĐT) mới cho 04 dự án, trong đó: 02 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký 13 triệu USD và 04 dự án đầu tư trong nước với vốn đầu tư đăng ký 78,97 tỷ đồng; cấp GCNĐKĐT điều chỉnh tăng vốn cho 02 lượt dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 6,1 triệu USD. Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm trong tháng 10/2022 là 19,1 triệu USD và 78,97 tỷ đồng.
10 tháng năm 2022, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút được 21 Ddự án FI mới và 28 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 292,6 triệu USD (cấp mới: 174,04 triệu USD; tăng vốn: 118,56 triệu USD), đạt 98% so với kế hoạch năm 2022; thu hút 14 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.261,58 tỷ đồng, đạt 323% so với kế hoạch năm 2022.
Tổ hợp công nghiệp công nghệ CNCTech Thăng Long là doanh nghiệp DDI đầu tiên được chấp thuận đầu tư vào khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc
Đến ngày 15/10/2022, số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN là 443 dự án, gồm 96 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 24.275,06 tỷ đồng và 347 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 5.679,61 triệu USD. Trong đó, có 385 dự án đang hoạt động SXKD, chiếm 86,9% tổng số dự án; 13 dự án đang triển khai xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị nhà xưởng, chiếm 2,9% tổng số dự án; 36 dự án mới cấp và đang làm các thủ tục triển khai dự án, chiếm 8% tổng số dự án; 05 dự án đang thực hiện BT GPMB, chiếm 1,3% tổng số dự án và 04 dự án FDI thuộc diện giãn tiến độ, đang làm thủ tục chấm dứt hoạt động, chiếm 0,9% tổng số dự án.
Vốn thực hiện tháng 10/2022 của các dự án đạt 32,2 triệu USD và 50 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt trên 54%, trong đó, khu công nghiệp Bình Xuyên II (giai đoạn I), đạt tỷ lệ lấp đầy gần 100%; khu công nghiệp Bình Xuyên đạt 98%; khu công nghiệp Khai Quang đạt 96%; khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đạt trên 82%...Các khu công nghiệp giải quyết việc làm cho 130 nghìn lao động, trong đó, khoảng 80% lao động là người Vĩnh Phúc.
Trong tháng 10/2022, Ban Quản lý các KCN đã báo cáo UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Đồng Sóc; thực hiện thủ tục đề nghị Sở Kế hoạch & Đầu tư thẩm định tổng vốn đầu tư dự kiến và thời gian hoạt động của Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Phúc Yên; xin ý kiến Sở Xây dựng về diện tích quy hoạch KCN Tam Dương II – Khu B.
Dự kiến trong tháng 11/2022, Ban sẽ cấp GCNĐKĐT cho 3-5 dự án mới, điều chỉnh tăng vốn cho 1-2 dự án với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm khoảng 15-20 triệu USD và 30,0 tỷ đồng; tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai dự án, dự kiến có thêm 3-4 dự án đi vào hoạt động SXKD, vốn thực hiện của các dự án FDI đạt khoảng 30-35 triệu USD và các dự án DDI đạt khoảng 50 tỷ đồng.
Các khu công nghiệp giải quyết việc làm cho 130 nghìn lao động, trong đó, khoảng 80% lao động là người Vĩnh Phúc.
Ban quản lý các KCN tiếp tục chỉ đạo các Công ty phát triển hạ tầng đẩy nhanh tiến độ BT-GPMB và thực hiện các thủ tục xây dựng tại các KCN: Sơn Lôi, Sông Lô I, Sông Lô II, Tam Dương I-khu vực 2; Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa - Khu vực 2 (Giai đoạn 1) để thực hiện khởi công xây dựng như tiến độ cam kết; đôn đốc triển khai dự án KCN: Sông I, Sông Lô II và Tam Dương I - khu vực 2;
Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao đối với các KCN: Phúc Yên, Đồng Sóc, Tam Dương II- Khu A và Chấn Hưng theo chỉ đạo của UBND tỉnh; đôn đốc các Chủ đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ BT- GPMB phần diện tích còn lại của các KCN: Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện II, Tam Dương II - khu A tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, đối thoại với doanh nghiệp, sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh vào các khu công nghiệp.
Tập trung thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai, lao động; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp 4.0 và các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh.
Đồng thời, thúc đẩy tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp DDI theo chỉ đạo của tỉnh; khuyến khích doanh nghiệp hợp tác, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi từ gia công, lắp ráp sang thiết kế và sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, tạo nền tảng thu hút, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.