Liên tục là tâm điểm của thị trường khi khoảng 1 tuần trở lại đây, cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh được khối ngoại mua ròng nhiều phiên liên tiếp. Nhờ đó, cổ phiếu HDB luôn duy trì mức giá ổn định, nhất là trong bối cảnh thị trường diễn biến không thuận lợi như vừa qua.
Chốt phiên ngày 17/11, cổ phiếu HDB tăng 2,7% lên mức 15.300 đồng/cp với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 3,9 triệu cổ phiếu, trong đó khối ngoại mua hơn 2,8 triệu cổ phiếu, duy trì đà mua ròng phiên thứ 6 liên tiếp.
Khối ngoại duy trì đà mua ròng cổ phiếu HDBank trong 6 phiên liên tiếp gần đây.
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 14/11, nhà đầu tư ngoại đã mua vào 3,5 triệu cổ phiếu HDB và chỉ bán ra 1 triệu cổ phiếu. Đây là phiên mà giá cổ phiếu HDB biến động khá mạnh khi có thời điểm giảm sàn xuống 13.800 đồng/cp. Tuy nhiên nỗ lực hồi phục cuối phiên đã giúp cổ phiếu này về mức 14.600 đồng/cp, thu hẹp mức giảm còn 1,4%. Thanh khoản HDB tăng mạnh với hơn 6,6 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, gấp 3 lần phiên trước đó.
Tiếp đến phiên 15/11, HDB tiếp tục được khối ngoại mua ròng với mua vào 1,6 triệu cổ phiếu, bán ra 804 nghìn đơn vị.
Đặc biệt, phiên 16/11, khối ngoại tiếp tục duy trì mua ròng phiên thứ 5 liên tiếp cổ phiếu HDB kể từ phiên 10/11, với tổng khối lượng mua ròng 1,6 triệu cổ phiếu. Kết phiên, cổ phiếu HDB tăng mạnh gần hết biên độ +6,43%, kéo giá lên 14.900 đồng/cổ phiếu.
Không chỉ vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài cũng liên tục mua ròng lượng lớn cổ phiếu HDB và "room ngoại" thường xuyên được lấp đầy. Điều này được cho là bởi kết quả kinh doanh tích cực, dư địa phát triển còn nhiều trong khi định giá cổ phiếu chưa phản ánh hết giá trị thực.
Đáng chú ý, đà mua ròng cổ phiếu HDB của khối ngoại trong thời gian gần đây diễn ra trong bối cảnh những tin đồn xung quanh HDBank và các cá nhân lãnh đạo đã được ngân hàng này chính thức kiến nghị lên cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật. Và đây được đánh giá là một trong những cơ sở để nhà đầu tư khối ngoại tranh thủ tích lũy cổ phiếu HDB ở vùng giá thấp.
Cụ thể, chốt phiên 9/11, cổ phiếu HDB đóng cửa tại vùng giá 14.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức P/B 1,1 lần và P/E 4,9 lần.
Mặt khác, HDBank là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cao, nợ xấu thấp chỉ 1,1%.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, HDBank ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt nhất từ trước đến nay với tổng thu nhập hoạt động hợp nhất vượt 16.000 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập dịch vụ đạt trên 2.100 tỷ đồng, tăng 80,1% so với cùng kỳ.
Theo đó, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 8.016 tỷ đồng, tăng 31,7% so với cùng kỳ, nhờ đó hoàn thành 82% kế hoạch cả năm 2022 được cổ đông giao.
Các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động như ROE đạt 25,2%, ROA đạt 2,2%. An toàn vốn (theo chuẩn Basel II) đạt 15,3%, thuộc những ngân hàng có an toàn vốn cao nhất. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s tiếp tục dành cho HDBank mức xếp hạng B1 cùng nhận định tích cực về chất lượng tài sản tốt, hiệu quả hoạt động cao và dự trữ thanh khoản dồi dào.
Có thể thấy, HDBank đang có đà gặt hái doanh thu và lợi nhuận nhờ chiến lược đầu tư chuyển đổi số, thúc đẩy bancasurrance và thanh toán thẻ. HDBank cũng là ngân hàng hiếm trên thị trường có quy mô lớn về tổng tài sản và hệ thống mạng lưới điểm tiếp cận dịch vụ, song chưa ký hợp đồng độc quyền banncassurance với bất kỳ hãng bảo hiểm nào. Ước tính nếu chọn đối tượng, HDBank có thể được ghi nhận hàng trăm triệu USD phí thỏa thuận khai thác độc quyền và trên doanh thu kỳ vọng.
Tại báo cáo phân tích mới nhất về ngành ngân hàng, Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) đưa ra khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu HDB dựa trên triển vọng tăng giá 49,4% từ vùng giá hiện tại.
Tương tự, Chứng khoán Yuanta đánh giá HDBank có tiềm năng tăng giá tới 66% do có chất lượng tài sản vững chắc, thanh khoản dồi dào, tín dụng và thu nhập phí vẫn là động lực giúp thúc đẩy lợi nhuận của HDBank trong Quý IV/2022 và các quý tiếp theo.
Theo diễn biến liên quan, từ đầu tháng 11 đến nay, nhiều lãnh đạo HDBank đã đăng ký mua vào để tăng sở hữu dài hạn trong bối cảnh thị trường xuống thấp.
Mới nhất, ông Nguyễn Hữu Đặng - Phó Chủ tịch HĐQT đã đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu. Tương tự, ông Đào Duy Tường - Trưởng Ban Kiểm soát cũng đăng ký mua vào số lượng cổ phiếu tương đương.
Được biết, các giao dịch trên dự kiến được thực hiện từ ngày 15/11 đến hết 14/12/2022 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận với mục đích đầu tư dài hạn.
Trước đó, ngày 4/1, ông Phạm Quốc Thanh – Tổng Giám đốc HDBank đã hoàn tất mua 659.700 cổ phiếu HDB, qua đó nâng tổng số cổ phiếu sở hữu lên 1,9 triệu đơn vị sau 2 đợt mua vào trong năm nay.