Thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 32 tỉ USD trong ba năm tới, đóng góp lớn vào toàn bộ nền kinh tế số của VN, theo dự báo mới nhất của Google, Temasek và Bain & Company.
Dịch vụ số được ưa chuộng nhất 2022: Mua sắm trực tuyến
TMĐT Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng năm 2022, theo báo cáo E-conomy mới nhất. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của Việt Nam là 28%, cao hơn cả Singapore (17%) hay Thái Lan (15%).
Quy mô toàn bộ nền kinh tế số Việt Nam hiện đã đạt 23 tỷ USD và có thể lên tới gần 50 tỷ USD sau 3 năm nữa nếu duy trì được mức tăng trưởng như hiện nay, theo đánh giá của Google.
Có tới 96% người dùng tại các đô thị VN sử dụng dịch vụ mua sắm trực tuyến khi online, theo báo cáo E-conomy 2022, trở thành phân khúc được nhiều người sử dụng nhất tại Việt Nam. Xu hướng này sẽ còn gia tăng hơn nữa trong thời gian tới, khi 90% người dùng cho biết sẽ duy trì mức độ sử dụng như hiện nay và nhiều hơn nữa.
Cư dân số Việt Nam cũng sử dụng nhiều các dịch vụ vận tải và giao đồ ăn, với khoảng 85% người dùng. Trong khi đó, nghe nhạc theo yêu cầu và chơi game online ít được chú ý hơn khi mới chỉ thu hút được khoảng 60% người dùng.
Ngày càng nhiều người Việt quen với ứng dụng số
Với đà phát triển nhanh, Google đặt nhiều kì vọng vào thị trường dịch vụ tài chính số của Việt Nam. Thống kê năm nay, mảng thanh toán đạt giá trị 99 tỉ USD và có thể lên tới 143 tỉ USD vào năm 2025. Ngoài ra, mảng quản lý tài sản đầu tư số được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất.
Thị trường dịch vụ số hứa hẹn sẽ còn tăng trưởng vượt bậc, khi số người tiếp cận công nghệ tại Đông Nam Á đã bùng nổ vài năm qua. Từ 2019 đến nay, đã có thêm 100 triệu người dùng mới, trong đó thời điểm dịch Covid-19 hoành hành (2020 và 2021) đã chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng nhất.
Quy mô nền kinh tế số Đông Nam Á cũng đã đạt giá trị 200 tỉ USD vào 2022, về đích sớm hơn 3 năm so với dự báo trước đó của Google, Temasek và Bain vào năm 2016. Tốc độ tăng trưởng đã lên tới 20% và được dự báo sẽ duy trì mức hai con số cho tới 2025.
Cẩn trọng với những dấu hiệu tiêu cực
Bất chấp những tín hiệu sáng sủa của kinh tế số Việt Nam và khu vực, báo cáo E-conomy mới nhất đã chỉ ra một số xu hướng tiêu cực.
Đầu tiên, các dịch vụ vận tải tại Việt Nam có thể sẽ chứng kiến tăng trưởng người dùng đi ngang hoặc thấp hơn trong thời gian tới. Khảo sát cho thấy 25% dự tính sẽ giảm sử dụng các dịch vụ đặt xe trong 12 tháng tiếp theo. Chỉ có 23% cho rằng họ sẽ di chuyển bằng hình thức này nhiều hơn.
Xu hướng người dùng với các dịch vụ số trong 12 tháng tới (Ảnh: e-Conomy 2022 report)
Ngoài ra, con số tăng trưởng người dùng toàn khu vực Đông Nam Á bắt đầu có dấu hiệu bão hòa. Năm 2022 chỉ chứng kiến 20 triệu người dùng mới, bằng phân nửa con số của 2 năm trước đó. Các chuyên gia cho rằng điều này bắt đầu đặt ra vấn đề chuyển dịch về chiến lược cho các công ty công nghệ: Làm thế nào để giữ chân những khách hàng cũ, thay vì tập trung lôi kéo người dùng mới?
Bên cạnh đó, Google cũng bày tỏ lo ngại trước tác động từ chính sách đóng cửa chống Covid của TQ đối với tăng trưởng kinh tế số toàn cầu.
“Hiện tượng tăng trưởng tại khu vực sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn bởi xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và phục hồi hậu Covid. Nếu (Trung Quốc) không có sự thay đổi, thì tăng trưởng của thế giới, bao gồm cả ASEAN, cũng sẽ bị ảnh hưởng trong dài hạn”, bà Stephanie Davis, phó chủ tịch Google Đông Nam Á nhận xét.