VN-Index giảm mạnh đã kéo định giá của thị trường về vùng rẻ của 10 năm, mở ra cơ hội đầu tư dài hạn rất tốt với nhiều cổ phiếu đầu ngành chất lượng cao, nhất là khi Việt Nam đang tiến gần hơn đến cơ hội được tham gia vào nhóm các thị trường chứng khoán mới nổi của FTSE trong năm 2025 cũng như MSCI trong năm 2026.
Giữa làn sóng bán tháo các tài sản rủi ro trên toàn cầu, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cũng liên tục giảm mạnh với nhiều kỷ lục buồn. VN-Index mất mốc 1.100 điểm, rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 15 tháng.
Mặt bằng giá cổ phiếu hấp dẫn hơn
Trong 25 năm vận hành, TTCK Việt Nam không ít lần chứng kiến những phiên giảm sâu đầy thử thách. Tính đến nay, VN-Index đã ghi nhận hơn 15 phiên giảm trên 50 điểm.
Thực tế, sau những “sóng gió”, TTCK giảm mạnh có lẽ là quá đỗi bình thường, những nhà đầu tư lâu năm đã quá quen với điều này.
Thống kê cho thấy hiện tượng giảm hơn 50 điểm chỉ bắt đầu xuất hiện từ năm 2018 – thời điểm VN-Index trở lại mốc 1.000 điểm sau gần 11 năm. Từ đó đến nay, mỗi năm sẽ có vài phiên giảm trên 50 điểm, 60 điểm, 70 điểm… tùy theo sự hỗn loạn của nhà đầu tư.
Lịch sử cũng ghi nhận sau mỗi cú sụt mạnh trên 200 điểm, TTCK sẽ hồi phục mạnh mẽ, đem tới cơ hội nhân 2, nhân 3 lần cho hàng loạt cổ phiếu.

VN-Index mất mốc 1.100 điểm, rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 15 tháng.
Trở lại hiện tại, nhiều tổ chức lớn đều đánh giá "chứng sĩ" Việt Nam đã phản ứng có phần thái quá trước thông tin về thuế quan của Mỹ.
Trong báo cáo ngày 8/4, Quỹ SGI Capital nhắc lại những biến cố mà TTCK Việt Nam đã trải qua. Những giai đoạn đó, với rất nhiều phân tích u ám, thị trường cũng chao đảo trong một thời gian rất ngắn. Hiện tại, thị trường đang bị đe dọa bởi thông tin về sự sụp đổ của hệ thống thương mại tự do toàn cầu, về trật tự thế giới mới, về xung đột leo thang giữa các cường quốc kinh tế. Rất có thể, một phần trong những nguy cơ đó sẽ xảy ra.
“So với những gì mà TTCK đã trải qua thì những biến động tới đây (nếu có), cũng không quá sốc, dù nghiêm trọng là điều chắc chắn”, báo cáo nêu.
Mặt khác, VN-Index giảm mạnh đã kéo định giá của thị trường về vùng rẻ của 10 năm. Ở mốc 1.200 điểm, VN-Index có định giá P/B rẻ tương đương đáy COVID hồi tháng 3/2020 và khủng hoảng thanh khoản tháng 11/2022, định giá P/E cao hơn 2 mốc đáy lớn này 10-15%.
“Những lúc tương lai bất định, triển vọng tối tăm cũng đồng thời là thời điểm tốt để sở hữu cổ phiếu, bởi nhu cầu bán tháo chuyển qua phòng thủ sẽ khiến mặt bằng định giá của mọi cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn”, SGI Capital nhận định.
Thực tế, TTCK châu Á sau 3 phiên "đỏ lửa" đã lấy lại mức tăng điểm đáng kể. Đơn cử, Nikkei 225 của Nhật Bản đã bật tăng hơn 6% trong phiên giao dịch 8/4 vừa qua.
Trong nước, 4 phiên liên tiếp VN-Index giảm sốc chính là 4 phiên thị trường đạt thanh khoản cao đột biến, vượt xa mức tỷ đô mà thị trường vẫn luôn mong chờ. Đặc biệt trong phiên giao dịch cuối tuần trước (4/4), khối lượng giao dịch trên sàn HoSE đạt tới gần 42.200 tỷ đồng. Điều này cho thấy trong cơn hoảng loạn, đã có "dòng tiền may mắn" lao vào để chớp lấy cơ hội.
“Cá mập” nhăm nhe "bắt đáy"
Mới đây, trên trang facebook cá nhân của Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng đã có chia sẻ đáng chú ý: “Thuế quan tác động tiêu cực nhưng không có lý do gì thị trường phản ứng như tận thế, đã đến lúc bắt đáy!”.
Quan điểm của Chủ tịch SSI cũng đồng thuận với nhiều "cá mập" trên TTCK Việt Nam sau khi VN-Index giảm mạnh liên tiếp. Đa số đều cho rằng "trong nguy có cơ", rủi ro ngắn hạn cũng đồng thời mở ra cơ hội đầu tư dài hạn hấp dẫn.
Trong báo cáo về tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ mới đây, VinaCapital đánh giá nhiều doanh nghiệp có nền tảng vững chắc có khả năng bị bán tháo quá mức. Quỹ ngoại cho rằng đợt bán tháo này tạo ra cơ hội cho các nhà quản lý quỹ chủ động mua vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và ít bị tác động trực tiếp bởi chính sách thuế, với mức định giá hấp dẫn hơn.
Theo VinaCapital, những doanh nghiệp có thể hưởng lợi rõ rệt nhất là nhóm được hỗ trợ từ các nỗ lực của Chính phủ nhằm bù đắp tác động của thuế quan đối với tăng trưởng GDP. Thông tin về chính sách thuế quan của Mỹ sẽ càng củng cố quyết tâm thúc đẩy các biện pháp kích cầu nội địa của Chính phủ.
Đồng quan điểm, bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối nghiên cứu Dragon Capital cho rằng, với một nền kinh tế có nội tại bền vững, tác động từ bên ngoài sẽ chỉ mang tính nhất thời, sau một thời gian sẽ trở lại xu hướng chung là tăng trưởng. Mức tăng GDP của Việt Nam đứng top đầu so với các nước trong khu vực, cũng như các TTCK mới nổi.
Không chỉ vậy, giới đầu tư còn được hưởng lợi từ những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong ngành IT, ngân hàng và bán lẻ… Đặc biệt, mặt bằng định giá P/E của chứng khoán Việt Nam tương đối hấp dẫn, thấp hơn khá nhiều khi so với Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ…
“Thị trường đang mở ra cơ hội đầu tư dài hạn rất tốt với nhiều cổ phiếu đầu ngành chất lượng cao. Đồng thời đang cho quyền chọn mua những doanh nghiệp tuyệt vời đang bị bán mạnh về mức định giá rẻ lịch sử, vốn chỉ tồn tại trong thời gian ngắn tại giai đoạn đỉnh điểm nỗi sợ hãi” là quan điểm của SGI Capital.
Báo cáo mới đây của Chứng khoán MBS cũng cho rằng, thị trường điều chỉnh là cơ hội để tích lũy các cổ phiếu đầu ngành, ít chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế đối ứng với mức định giá hấp dẫn. Việt Nam đang tiến gần hơn đến cơ hội được tham gia vào nhóm các thị trường chứng khoán mới nổi của FTSE trong năm 2025 cũng như MSCI trong năm 2026.
“Nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, chính sách hỗ trợ tích cực, các nút thắt pháp lý được tháo gỡ, môi trường lãi suất thấp kết hợp với tăng trưởng lợi nhuận hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái vẫn là các yếu tố đảm bảo cho sự tăng trưởng của chỉ số VN-Index trong năm 2025”, MBS nhận định.
Hải Giang-Link gốc