TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam đánh giá, việc ký Nghị định thư về xuất khẩu quả chuối tươi sang Trung Quốc tạo ra nhiều giá trị.
Ngày 31/10, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đây được xem là cơ hội để người nông dân nước ta có thêm giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc ký Nghị định thư về xuất khẩu quả chuối tươi sang Trung Quốc tạo ra nhiều giá trị. Ảnh: Tùng Đinh.
TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam đánh giá, việc tăng cường ký kết Nghị định thư giúp tạo ra 3 giá trị. Thứ nhất, là minh bạch hóa thị trường, giảm những tồn tại về tình trạng mù mờ thông tin, cũng như xuất khẩu tiểu ngạch.
Thứ hai, Nghị định thư sẽ thúc đẩy từ người canh tác, các vùng trồng, cơ sở đóng gói và doanh nghiệp thương mại sản xuất theo quy chuẩn. Đây là tiền đề để ngành nông nghiệp nói riêng và xã hội nói chung tái tổ chức sản xuất theo hướng bài bản hơn, có trách nhiệm hơn, góp phần nâng cao quy mô sản xuất theo hướng công nghiệp, hiện đại.
Thứ ba, nông sản Việt Nam sẽ từng bước nâng cao được chất lượng, gia tăng về giá trị, cũng như đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời có cơ hội tiếp cận với những thị trường khó tính.
Bên cạnh những điểm được kể trên, người dân và doanh nghiệp trong nước cần nâng cao nhận thức về kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm soát đối tượng dịch hại và các hoạt động ghi chép hồ sơ vùng trồng, cơ sở đóng gói.
"Để đáp ứng, chúng ta phải luôn trong trạng thái sẵn sàng, từ quy trình canh tác, vệ sinh nhà xưởng cho đến đào tạo tập huấn nhân công. Mục đích nhằm tạo ra những sản phẩm truy xuất được nguồn gốc, giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi lựa chọn", Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam bày tỏ.
Do kinh tế thế giới đang trong thời kỳ lạm phát, sức mua của người dân bị ảnh hưởng, hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng cần kịp thời thích ứng, tìm ra những thị trường còn nhiều dư địa, theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương).
Hai vấn đề được ông Phú lưu ý, sau khi Việt Nam ký Nghị định thư về xuất khẩu quả chuối tươi sang Trung Quốc. Với hiệp hội ngành hàng, ông khuyến cáo cần hoạt động định kỳ, có thể một tháng một lần, nhằm thông suốt thông tin, tạo cầu nối liên kết giữa doanh nghiệp xuất khẩu trong nước với hệ thống thương vụ ở nước ngoài.
Về phía doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đề nghị tái cơ cấu để bắt kịp xu hướng tiêu dùng xanh, thương mại xanh và tăng trưởng xanh - vốn đang dần trở nên phổ biến.
"Các nhà sản xuất nông nghiệp vừa phải nâng cao hiệu quả hoạt động, vừa phải tham gia sâu hơn vào những chuỗi giá trị cao trên toàn cầu", ông Phú nhấn mạnh.
Việt Nam có 154.000ha chuối, sản lượng 2,3 triệu tấn
Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây công nghiệp - Cây ăn quả (Cục Trồng trọt), chuối là cây ăn quả có diện tích, sản lượng lớn nhất trong sản xuất cây ăn quả nước ta, với tốc độ tăng trưởng khá ổn định, liên tục trong nhiều năm qua.
Hiện nay, diện tích chuối cả nước khoảng 154.000 ha, sản lượng hơn 2,3 triệu tấn (chiếm khoảng 14,5% về diện tích cây ăn quả cả nước). Tại phía Bắc, diện tích chuối ước đạt 70,3 nghìn ha, sản lượng 1,2 triệu tấn.
Chuối là loại quả tươi tiếp theo được ký nghị định thư với Trung Quốc, sau chanh leo và sầu riêng.
Còn tại các tỉnh phía Nam, cây chuối có diện tích lớn thứ hai sau xoài nhưng sản lượng đứng đầu, tốc độ tăng trưởng những năm qua khá ổn định. Đến nay, toàn miền Nam có 83,8 nghìn ha, sản lượng 1,1 triệu tấn. Về phân bố, ông Mạnh cho biết, các tỉnh/thành phố sản xuất chuối lớn là Hà Nội, Phú Thọ, Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Đồng Nai, Trà Vinh, Tiền Giang (trên 3.000 ha/tỉnh),...
Trong thời gian tới, Cục Trồng trọt định hướng phát triển khoảng 165.000-175.000 ha chuối, sản lượng 2,6 - 3 triệu tấn. Để phát triển hiệu quả, bền vững cây chuối, cần tiếp tục nghiên cứu chọn tạo, tăng cường sử dụng các giống có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh (nhất là bệnh vàng lá Panama).
Bên cạnh đó, cần phục tráng giống, chuyển giao các giống chuối đặc sản gắn với chương trình phát triển sản phẩm OCOP ở các địa phương. Áp dụng đồng bộ các quy trình sản xuất tiến tiến, hữu cơ, an toàn trong sản xuất; chú trọng kỹ thuật bao buồng, kỹ thuật trồng xen, chống đổ và đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất chuối tập trung.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 9 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,4 tỉ USD. Đáng chú ý, xuất khẩu chuối và sầu riêng có trị giá tăng trong 8 tháng đầu năm, chủ yếu là xuất sang Trung Quốc. Còn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 8 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu chuối đạt 237 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ 2021.
Theo một số chuyên gia về rau quả, Việt Nam có vị trí địa lý gần Trung Quốc hơn các nước khác, đây là một yếu tố thuận lợi.
Bên cạnh đó, diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm do chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào, chi phí thuê đất và chi phí lao động tăng khiến nông dân không mặn mà trồng chuối, dẫn đến sự gia tăng về thị phần nhập khẩu.
Không những thế, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Panama dẫn đến chất lượng quả chuối tươi tại Trung Quốc giảm mạnh do phải sử dụng các loại giống kháng bệnh.
Tuy nhiên, để gia tăng thị phần, sản phẩm chuối của Việt Nam cần cải thiện chất lượng, mẫu mã, kiểm soát dư lượng hóa chất độc hại và đảm bảo an toàn thực phẩm theo yêu cầu của Trung Quốc.
Cùng với việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở chế biến, đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận, sản phẩm chuối của Việt Nam có khả năng cạnh tranh rất tốt ngay cả với các nước trong khu vực tại thị trường hơn 1,4 tỷ dân này.