Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 8,4-9,9%/năm.
Báo cáo diễn biến lãi suất của tổ chức tín dụng đối với khách hàng trong tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước thông tin: lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên là khoảng 4,6%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định Ngân hàng Nhà nước (5,5%/năm).
Theo phản ánh của doanh nghiệp, lãi suất đang tăng cao nhưng doanh nghiệp cũng không dễ vay vốn ngân hàng. (Ảnh minh hoạ: Int)
Trong khi đó, lãi suất cho vay USD bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 3,2-4,5%/năm đối với ngắn hạn; 5,2-5,7%/năm đối với trung và dài hạn.
Về lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đang ở mức 0,2-0,3%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3-4,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng;
Với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng, lãi suất bình quân đang là 5,4 -6,5%/năm; kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng là 5,6-6,8%/năm; kỳ hạn trên 24 tháng là 6,2-6,7%/năm.
Dù vậy, theo khảo sát của VnBusiness, trên thực tế, lãi suất huy động được niêm yết tại các ngân hàng thương mại đang cao hơn khá nhiều so với con số công bố của Ngân hàng Nhà nước.
Ngay cả nhóm Big 4 (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank), hiện mặt bằng lãi suất huy động có kỳ hạn dưới 6 tháng đang dao động trong khoảng 4,9 – 5,4%/năm; kỳ hạn 6 – 12 tháng dao động từ 6 – 7,4%/năm và kỳ hạn từ trên 12 tháng cũng đang ở mức cao nhất là 7,4%/năm.
Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tầm trung và nhỏ, lãi suất tiền gửi cao nhất đã đạt 9 – 10%/năm.
Lãi suất huy động liên tục tăng đã đẩy lãi suất cho vay tăng vọt. Theo phản ánh của doanh nghiệp, họ đang phải vay với lãi suất thường tại các ngân hàng trung bình 12 - 14%/năm. Thậm chí, không ít doanh nghiệp ngành vận tải phải vay với lãi suất 15%/năm. Còn lãi suất cho vay mua nhà, mua xe... được thả nổi ở mức 14,5-16%/năm. Thế nhưng, doanh nghiệp cũng vẫn khó tiếp cận vốn do vướng room tín dụng.
Mới đây, trong công văn gửi các tổ chức tín dụng về tăng trưởng tín dụng năm 2022, Ngân hàng Nhà nước khẳng định vẫn còn dư địa để các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.