Giá xăng dầu trong nước điều chỉnh theo giá thế giới, giá thuê nhà tăng do nhu cầu đi lên là những nguyên nhân chính đẩy CPI tăng cao.
Trong tháng 11, giá xăng dầu tăng 5,83% so với tháng trước. Ảnh: Quỳnh Danh.
Theo dữ liệu được Tổng cục Thống kê công bố hôm 29/11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,39% so với tháng trước và 4,37% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.
So với tháng trước, nhóm giao thông dẫn dắt đà tăng của CPI với mức tăng 2,23%. Theo sau là nhà ở và vật liệu xây dựng (0,97%); đồ uống và thuốc lá (0,26%).
Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 11 làm CPI chung tăng 0,22 điểm phần trăm, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 1/11, 11/11 và 21/11. Giá xăng dầu tăng 5,83% so với tháng trước (xăng tăng 5,84%; dầu diesel tăng 5,25%).
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu giảm 4,13%. Nhóm giao thông tăng nhẹ 0,97% do vé máy bay tăng 39,59%; vé ôtô khách tăng 16,59%; vé xe buýt công cộng tăng 13,76%; vé taxi tăng 6,61%.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 11 tăng 0,97% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm. Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân là nhu cầu đẩy giá tiền thuê nhà ở tăng 1,54%.
Giá gas tăng 5% so với tháng trước do từ ngày 1/11, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 20.000 đồng/bình 12 kg, sau khi giá gas thế giới tăng 35 USD/tấn (từ mức 575 USD/tấn lên mức 610 USD/tấn).
Giá dầu hỏa tăng 7,02% so với tháng trước do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá. Riêng giá nước và điện sinh hoạt giảm lần lượt 0,09% và 1,79% so với tháng trước nhờ thời tiết mát mẻ, nhu cầu sử dụng điện, nước giảm.
Các nhóm hàng giảm giá so với tháng trước bao gồm giáo dục (-0,63%), hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-0,07%) và bưu chính viễn thông (-0,02%).
Riêng chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 11 tác động làm giảm CPI chung 0,04 điểm phần trăm, trong đó dịch vụ giáo dục giảm 0,71% chủ yếu do thành phố Hà Nội thực hiện hỗ trợ học phí cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, các trung tâm dạy nghề - giáo dục thường xuyên.
Theo đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ giáo dục của Hà Nội giảm 9,54% so với tháng trước.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, nhóm giáo dục vẫn tăng tăng cao nhất (10,96%) do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí năm học 2022-2023.
Trong tháng 11, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/11/2022, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.727,52 USD/ounce, tăng 3,33% so với tháng 10.
Trong nước, chỉ số giá vàng tăng 1,82% so với tháng trước; tăng 3,95% so với cùng kỳ năm 2021.
Đồng USD trên thị trường thế giới biến động tăng, giảm đan xen. Tính đến ngày 25/11, chỉ số USD bình quân tháng 11 đạt mức 108,16 điểm, giảm 3,4 điểm so với tháng trước.
Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.855 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 11 tăng 2,91% so với tháng trước và tăng 8,71% so với cùng kỳ năm 2021.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm 2022 tăng 3,02% so với cùng kỳ năm 2021.
Lạm phát cơ bản tháng 11 tăng 4,81% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng CPI chung chủ yếu do giá thực phẩm tươi sống là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong tháng 11.
Tuy nhiên, thực phẩm tươi sống thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.
Bình quân 11 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 2,38% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,02%).
Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và giá xăng dầu.