Lạm phát toàn phần của Thái Lan ghi nhận mức tăng theo năm là 6,2% trong 9 tháng năm 2022 từ mức trung bình 1,2% trong năm 2021.
Lạm phát ở Thái Lan đã đạt mức cao chưa từng thấy trong hơn mười năm qua, phần lớn phản ánh giá năng lượng và lương thực tăng. Lạm phát toàn phần của nước này ghi nhận mức tăng theo năm là 6,2% trong 9 tháng đầu năm 2022 từ mức trung bình 1,2% trong năm 2021.
Đồng baht của Thái Lan hôm nay (4/11) mở cửa giao dịch ở mức 38,03 baht/USD, không thay đổi so với thời điểm đóng cửa giao dịch hôm qua (3/11).
Đồng USD đã mạnh lên so với hầu hết các loại tiền tệ trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hầu hết các đồng tiền của các thị trường mới nổi ở châu Á, bao gồm cả đồng baht, đã mất từ 5% đến 10% giá trị so với đồng USD trong năm nay, trong khi đồng Yên của Nhật Bản mất giá tới hơn 20%.
Những đợt trượt giá gần đây của đồng baht đã khiến tỉ lệ lạm phát tại Thái Lan duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến. Ông Poon Panichpibool, chiến lược gia thị trường của Ngân hàng Krungthai, dự báo đồng baht có thể sẽ dao động trong khoảng 37,70 - 38,00/USD, và sẽ trượt giá chậm lại sau khi vượt qua ngưỡng kháng cự 38 baht/USD.
Tại Thái Lan, nợ công đã tăng từ 41% GDP trong năm 2019 lên 58% trong năm 2021. Mặc dù Thái Lan vẫn còn dư địa tài khóa, nước này cần tiếp tục củng cố chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để điều chỉnh nhu cầu, tập trung vào mục tiêu trung hạn là ổn định nợ công.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Thái Lan kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 2,8% trong năm nay và 3,7% trong năm 2023, chủ yếu nhờ tiêu dùng nội địa và sự phục hồi của ngành du lịch./.