Hiệp định EVFTA được ví như “con đường cao tốc” đưa hàng Việt tới với người tiêu dùng châu Âu, nhưng sau 2 năm có hiệu lực, tỷ trọng nhiều mặt hàng có lợi thế của Việt Nam ở trời Âu vẫn còn khiêm tốn. Một trong những thách thức lớn nhất là rào cản kỹ thuật, xây dựng thương hiệu…
Kể về thời điểm chưa có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc kinh doanh xuất khẩu của Tập đoàn Lộc Trời cho hay, gạo của Việt Nam không thể cạnh tranh được với các quốc gia khác do bị đánh thuế rất cao. Tuy nhiên, khi EVFTA có hiệu lực, cục diện đã thay đổi, gạo Việt Nam đang dần khẳng định được vị trí, thương hiệu ở thị trường EU.
Những con số ‘biết nói’
Từ thời điểm EVFTA có hiệu lực, Lộc Trời tăng diện tích vùng trồng, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng quy trình chuẩn, làm sao sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn xuất được sang châu Âu càng nhiều càng tốt. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để xây dựng thương hiệu. Sản lượng gạo của Lộc Trời xuất qua châu Âu tăng theo các năm: 8 nghìn tấn năm 2018 lên 11 nghìn tấn năm 2019, ước tính 2022 là 24-25 nghìn tấn.
Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho hay, để xuất khẩu gạo sang EU phải kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group đánh giá, dư địa của rau quả tươi và chế biến Việt Nam ở thị trường EU còn rất lớn. Từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Vina T&T đã đẩy mạnh xuất dừa, bưởi, thanh long... vào EU.
"Sự quan tâm của khách hàng EU đối với mặt hàng rau quả của chúng tôi tăng 30-40%, có nhiều khách hàng trước đó chủ yếu nhập của Thái Lan hay một số nước khác", ông Tùng chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, EVFTA có hiệu lực với Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1/8/2020. Đây là cột mốc quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, bởi lẽ sau gần 10 năm nghiên cứu khả thi, đàm phán, ký kết và phê chuẩn, lần đầu tiên trao đổi thương mại giữa Việt Nam với một thị trường truyền thống quan trọng như EU được tiến hành dựa trên cơ sở là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với cam kết sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là xóa bỏ thuế quan, tự do hóa hoạt động dịch vụ và đầu tư… Các cam kết này được xây dựng theo kết cấu cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ cho cả EU và Việt Nam và vì vậy, được kỳ vọng sẽ tạo sức bật mạnh mẽ cho quan hệ thương mại song phương.
Thực tế 2 năm triển khai EVFTA cho thấy kỳ vọng về sự tăng trưởng hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là xuất khẩu sang EU đã trở thành hiện thực. Mặc dù EVFTA được thực thi vào thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra phức tạp không chỉ ở Việt Nam mà còn ở EU và trên toàn thế giới, nhưng trao đổi thương mại hai chiều nói chung và xuất khẩu sang EU nói riêng vẫn tăng trưởng ấn tượng.
Trong năm đầu thực thi EVFTA, trao đổi thương mại song phương đạt 54,9 tỷ USD, tăng 12,1% so với giai đoạn cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 11,3%. Sang năm thứ hai đạt 61,4 tỷ USD, tăng gần 11,9%, trong đó xuất khẩu đạt 45 tỷ USD, tăng 17%. Riêng trong 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 57 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 43,5 tỷ USD, tăng 21%. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực như dệt may (tăng 24%), giày dép (tăng 19%), thủy sản (tăng 41%)…
Một điểm sáng nữa trong hoạt động xuất khẩu sang EU là tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ EVFTA. Năm 2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sử dụng mẫu C/O Euro.1 đạt khoảng 8,1 tỷ USD, chiếm khoảng 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU, tăng 244% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng năm 2022, tỷ lệ tận dụng ưu đãi là 25,1%, tăng hơn 30% so với cùng kỳ.
Những kết quả tích cực nói trên cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tương đối hiệu quả các cơ hội từ EVFTA. Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có khoảng 4/10 doanh nghiệp Việt Nam đã từng hưởng lợi từ EVFTA.
Khi thời gian không chờ…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng những nỗ lực này cần tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới để tận dụng hiệu quả hơn nữa các cơ hội từ EVFTA, bởi lẽ cần thẳng thắn nhìn nhận rằng dù chúng ta đã đạt được những thành công kể trên nhưng mới chỉ là bước đầu. Dư địa và cơ hội từ thị trường EU còn rất rộng lớn, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc khi tiếp cận thị trường này, cả về lý do chủ quan và khách quan. Thương hiệu Việt Nam chưa được xây dựng hoặc chưa được biết đến nhiều tại các nước châu Âu, giá trị và lợi ích mà các doanh nghiệp Việt Nam thu về còn chưa tương xứng với tiềm năng.
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), tỷ trọng nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam ở thị trường EU còn khiêm tốn như rau quả chỉ chiếm 2,7% thị phần, thủy sản chiếm 4%, dệt may 3,8%...
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cũng chỉ ra một lo ngại khi các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia… đang khởi động FTA với khu vực EU. “Kinh nghiệm của chúng tôi khi đàm phán một FTA sẽ kéo dài từ 3 – 5 năm. Vậy nên 3 - 5 năm nữa là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng lợi thế từ EVFTA khi các đối thủ chưa có lợi thế cắt giảm thuế quan.
“Chúng ta còn rất nhiều cơ hội nhưng thời gian không còn nhiều, thời gian không chờ chúng ta, còn 3-5 năm có lợi thế hơn so với đối thủ, với lợi thế của người đi trước, doanh nghiệp hãy nhanh chân hơn”, ông Khanh nhắn nhủ.
Từ kinh nghiệm của doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn Lộc Trời cũng chỉ ra những thách thức khi thâm nhập thị trường châu Âu, đó là kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Muốn xuất khẩu sang châu Âu, gạo Việt Nam phải vượt qua bài kiểm tra 600 hoạt chất mà phía EU yêu cầu.
“Nếu một lô hàng vi phạm thì tên của doanh nghiệp sẽ bị nằm trong danh sách đen, hết đường xuất khẩu sang châu Âu”, ông Hiếu lưu ý.
Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cũng chia sẻ thêm: Lộc Trời mất 2 năm làm thương hiệu và đảm bảo chất lượng ổn định theo khách yêu cầu. Vì vậy, Lộc Trời rất mong muốn Nhà nước hỗ trợ cấp vốn tín dụng cho nông dân an tâm sản xuất gạo cao cấp; đề xuất với EU để tăng hạn ngạch lên gấp đôi...
Trong khi đó, lãnh đạo Vina T&T lưu ý EU kiểm tra chặt chẽ ở đầu nhập khẩu, nên rất ít doanh nghiệp Việt đảm bảo được hàng rào kỹ thuật, chưa kể công nghệ bảo quản còn hạn chế… đó là nguyên nhân khiến tỷ trọng trái cây tươi của Việt Nam ở thị trường EU còn thấp.
Mặt khác, ông Tùng cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng, định vị thương hiệu của ngành trái cây ở thị trường EU nói riêng cũng như thế giới nói chung. "Tại sao chúng ta chưa có thương hiệu quốc gia cho một loại trái cây?", ông đề xuất ý tưởng.