Sở Công Thương Quảng Bình cho biết, trong năm 2022 giá trị sản xuất công nghiệp có nhiều chuyển biến, ước đạt 15.537 tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2021.
Theo Sở Công Thương Quảng Bình, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước năm 2022 tăng 13,7% so với năm 2021; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 14,0% ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 70,5%; cung cấp nước, hoạt động: quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 16,9%.
Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) năm 2022 ước đạt 15.537 tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2021.
Sản phẩm công nghiệp chủ yếu (tăng so với cùng kỳ năm 2021): Điện sản xuất đạt 575 triệu KWh, tăng 185,2% (trong đó thủy điện đạt 31 triệu KWh, tăng 6,6%; điện mặt trời đạt 104 triệu KWh, tăng 11,5%; điện gió đạt 441 triệu KWh, tăng 451,0%); dăm gỗ sản xuất đạt 494 nghìn tấn, tăng 59,2%.
Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh Quảng Bình ước đạt hơn 15.500 tỷ đồng
Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có nhiều bước chuyển biến, theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình, Sở đã triển khai xây dựng Kế hoạch số 431/KH-SCT ngày 21/3/2022 về phục hồi và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong điều kiện mới gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19.
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phục hồi và duy trì tăng trưởng, sản xuất tăng so với năm 2021. Một số lĩnh vực như: khai khoáng, sản xuất trang phục, chế biến thực phẩm, sản xuất gỗ ván ép, chế biến thuỷ hải sản tăng trưởng khá nhờ chủ động được đơn hàng, một số doanh nghiệp sản xuất trang phục đầu tư đổi mới công nghệ và mở rộng thêm dây chuyền để tăng sản lượng sản xuất (may Hà Quảng, May S&D).
Sản xuất, thiết kế gỗ công nghiệp tại huyện Lệ Thuỷ
Ông Phạm Quang Hải- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình cho biết, tuy có nhiều chuyển biến, song hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn do tình trạng gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu, chi phí vận tải, chi phí nguyên vật liệu, chi phí sản xuất tăng cao làm ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, với doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu (gỗ và sản xuất trang phục), đơn hàng tại thị trường trong nước và thị trường Mỹ, Úc, EU giảm mạnh từ tháng 7/2022 và việc tuyển dụng lao động còn gặp khó khăn.
Được biết, thời gian qua Sở Công Thương Quảng Bình đã nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tổng hợp tỉnh hình và tham mưu đề xuất tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh. Thực hiện kế hoạch phục hồi và phát triển công nghiệp trong điều kiện mới gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19.