Chứng khoán Mỹ khép lại năm 2022 bằng một phiên giảm điểm, đánh dấu năm giảm sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Theo đó, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 73,55 điểm, tương đương 0,22%, xuống 33.147,25 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,25% xuồng 3.839,5 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,11% xuống 10.466,88 điểm.
30/12 là phiên giao dịch cuối cùng của một năm đầy “đau thương” đối với chứng khoán Mỹ. Cả ba chỉ số đều ghi nhận mức giảm mạnh nhất sau 14 năm, khép lại chuỗi 3 năm tăng điểm liên tiếp. Trong năm vừa qua, chỉ số Dow Jones giảm 8,8% trong khi S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 19,4% và 33,1%.
Giới chuyên gia và nhà đầu tư bước vào năm 2022 với dự báo thị trường sẽ hạ nhiệt sau chuỗi tăng điểm dài trước đó. Nhưng hiếm ai có thể nói trước về những khó khăn mà thị trường đã trải qua.
Lạm phát cao, buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải quyết lệt tăng lãi suất khiến cho nhóm cổ phiếu tăng trưởng và công nghệ giảm sâu sau hai năm thăng hoa trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị, bên cạnh đó là những dấu hiệu kinh tế “xấu” cũng góp phần kéo giảm mức độ tự tin nơi nhà đầu tư.
Với hầu hết các lĩnh vực, loại hình đầu tư đều suy giảm, nhiều nhà đầu tư đã chủ động áp dụng các chiến lược từng được sử dụng trong các giai đoạn khủng hoảng trước đó. Nhóm cổ phiếu tăng trưởng liên tục bị bán tháo khi nhà đầu tư chủ động gia tăng tủ trọng tiền mặt. Những nhà đầu tư áp dụng chiến lược đầu tư 60/40, với 60% cổ phiếu và 40% trái phiếu, chịu nhiều thiệt hại nặng nề.
Bước vào năm mới 2023, nhà đầu tư kỳ vọng những khó khăn sẽ vẫn còn tiếp diễn. Thị trường sẽ tiếp tục suy yếu cho tới khi suy thoái nổ ra hoặc Fed thay đổi quan điểm chính sách. Thị trường có thể kiểm chứng các mức đáy mới trước khi hồi phục vào nửa cuối năm 2023.
“Lạm phát vẫn neo cao, thị trường nhà ở cũng đang hạ nhiệt, tăng trưởng kinh tế chậm lại, những điều đó cho thấy một giai đoạn khó khăn phía trước”, Peter Essele, Giám đốc đầu tư tới từ Commonwealth Financial Network. Tình hình sẽ được cải thiện khi Fed phát đi tín hiệu về khả năng giảm lãi suất.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu Brent tăng khoảng 3% lên 85,91 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 2,4% lên 80,26 USD/thùng.
Tính từ đầu năm 2022, giá dầu Brent tăng khoảng 10% sau khi “nhảy” 50% trong năm 2021. Giá dầu WTI tăng gần 7%, nối tiếp mức tăng 55% của năm trước đó. Cả hai chỉ số giá dầu sụt giảm mạnh trong năm 2020 khi đại dịch Covid-19 hoành hành, kéo giảm nhu cầu năng lượng toàn cầu.
Trong năm nay, giá dầu bật tăng vào tháng 3 sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt trên lãnh thổ Ukraine. Có thời điểm, giá dầu Brent chạm ngưỡng 139,13 USD/thùng, cao nhất kêt từ năm 2008.
Tuy nhiên, giá dầu hạ nhiệt sau khi các ngân hàng trung ương liên tục tăng lãi suất, kéo tăng quan ngại suy thoái.
Bước vào năm mới, nhà đầu tư sẽ tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng đối với diễn biến giá dầu trước quan ngại môi trường lãi suất cao và suy thoái.
“Nhu cầu và tăng trưởng nhu cầu sẽ là một dấu hỏi lớn trước những hành động mạnh tay của các ngân hàng trung ương và những mục tiêu mà họ đang nhắm tới”, John Kliduff tới từ Again Capital LLC nhận định.
Một khảo sát đối với 30 chuyên gia kinh tế và phân tích cho thấy mức giá dầu Brent trung bình năm 2023 ở ngưỡng 89,37 USD/thùng trong khi đối với WTI LÀ 84,84 USD/thùng.
Nguồn: Tổng hợp