Năm 2021, nhiều nhà đầu tư mới (F0) đến với thị trường chứng khoán vì thấy bạn bè có thu nhập tốt từ cổ phiếu và vận may tiếp tục mỉm cười với họ, dường như bù đắp phần nào những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
FO rạng rỡ
Tháng 12/2020, sau gần 3 năm chắt chiu nơi xứ người, anh N.M.Linh đã trả được nợ và xây cho cha mẹ ở quê một căn nhà mới. Mang theo số tiền hơn 200 triệu đồng còn lại về nước, anh dự định gửi tiền vào ngân hàng trước khi đi xin việc.
Anh Linh tất tả tìm kiếm công việc phù hợp với kiến thức về cơ khí, nhưng cảm thấy hụt hẫng vì mức lương trong nước thấp hơn nhiều so với khi làm bên Nhật. Nghe bạn bè chuyện trò về chứng khoán, anh chỉ hiểu loáng thoáng, vì dân lao động như anh không có thời gian để tiếp cận kiến thức có vẻ hàn lâm ấy.
Song tìm hiểu thì thấy thị trường cổ phiếu náo nhiệt, bạn bè có nhiều người đầu tư thành công, anh Linh nảy ra ý định đầu tư, nhất là khi lãi suất tiền gửi đang ở mức thấp.
Anh Linh mở tài khoản tại Công ty Chứng khoán SSI, nạp vào 100 triệu đồng để thử vận may. Thời điểm đó có sóng cổ phiếu ngân hàng, anh nghe theo bạn bè mua toàn bộ mã VPB. Sau hai tháng, nhà đầu tư mới này lãi khoảng 40%. Niềm tin vào chứng khoán tăng mạnh, anh Linh chuyển nốt tiền vào tài khoản để đầu tư. Sau sóng ngân hàng đến sóng thép, số vốn 200 triệu đồng của anh đã tăng lên gấp đôi.
“Tôi may mắn vì tham gia đầu tư chứng khoán vào thời điểm thị trường đi lên. Kết quả đầu tư vượt xa mong đợi ban đầu”, anh Linh chia sẻ.
Đọc những bài viết “tán gia bại sản” của các F0 thời trước, rồi tỷ lệ người tham gia thị trường chứng khoán đạt được mục đích chỉ xấp xỉ 5%, còn lại đều ôm trái đắng, chị Ngọc Trâm có tâm lý lo ngại, nhưng vẫn muốn thử vận may, bởi bạn bè chị đang kiếm bộn từ cổ phiếu. Chị Trâm chấp nhận chi hơn 4 triệu đồng để tham gia một “phòng chát” (room) về đầu tư. Mỗi ngày, chị nhận được nhận định thị trường và khuyến nghị đầu tư của trưởng nhóm. Chị Trâm đánh giá, room thu phí đó “đáng đồng tiền bát gạo”, bằng chứng là tài khoản của chị tăng từ 8 con số lên 9 con số.
Trong khi đó, anh Hùng, chủ một đơn vị thiết kế nội thất hớn hở khoe, được “tổ chứng” thương nên sống tốt, dù cả năm qua gần như thất nghiệp. Đơn hàng thiết kế nhỏ giọt, không đủ để nuôi một đội 12 người, anh buộc phải cho một số nhân viên tạm nghỉ việc, duy trì hoạt động cầm chừng và dành vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Chủ đơn vị thiết kế nội thất trên không hẳn là F0, vì từng tham gia thị trường cuối năm 2019, rồi sớm rời bỏ vì cú sụt bất ngờ vào cuối tháng 1/2020. Tuy bị ám ảnh bởi đợt thua lỗ, nhưng thị trường có diễn biến khả quan kéo dài, anh Hùng quyết định quay trở lại với kênh đầu tư chứng khoán từ đầu năm 2021.
Anh Hùng chạy theo sóng ngành, tập trung vào những cổ phiếu lớn, doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng. Khi thanh khoản lập kỷ lục, chỉ số VN-Index vượt đỉnh lịch sử, anh đánh giá nhóm hưởng lợi trực tiếp chính là các công ty chứng khoán. Sau khi rót vốn vào cổ phiếu VND, FTS và trải qua vài đợt sóng nối tiếp, số vốn 600 triệu đồng ban đầu đã tăng lên hơn một tỷ đồng.
Nhắc đến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhà đầu tư P.H.Khang lắc đầu nói: “Vài tháng gần đây chán lắm”. Anh Khang quyết định cắt lỗ cổ phiếu thép và ngân hàng thuộc nhóm VN30 vì giá sớm kết thúc đà tăng, quay đầu giảm kéo dài. Anh chuyển sang tìm kiếm các mã có “game”, với mong muốn sớm thu hồi vốn.
“Thời điểm đó, cổ phiếu CEO thu hút dòng tiền khi giá tăng trần liên tiếp 9 phiên, lại có sóng bất động sản hậu thuẫn, tôi quan sát thêm một vài phiên rồi mua 10.000 đơn vị với mức giá trung bình 32.000 đồng/cổ phiếu. Đà tăng mạnh của mã này khiến tôi trì hoãn kế hoạch chốt lời, đến khi cổ phiếu dao động quanh mốc 70.000 đồng/cổ phiếu 3 phiên mới hiện thực hóa lợi nhuận”, anh Khang nói.
Theo anh Khang, sóng bất động sản kéo dài hơn kỳ vọng. Trên các hội nhóm, ngày nào anh cũng đọc được loạt bài viết cảnh báo cổ phiếu địa ốc có thể sớm quay đầu lao dốc, nhất là những mã có “game”. Nhưng đang trong men say chiến thắng vì giá trị tài khoản gia tăng mỗi ngày, anh tự tin “gồng lãi”. Hiện tại, danh mục đầu tư đã được cơ cấu lại, không “bỏ trứng vào một giỏ”, mà dàn trải ra 4 - 5 ngành, mỗi ngành 1 - 2 mã cổ phiếu hàng đầu.
Cảnh tỉnh “men say”
Số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, gấp rưỡi tổng số tài khoản mở mới trong cả 4 giai đoạn 2017 - 2020.
Riêng tháng 12/2021, nhà đầu tư mở mới 226.580 tài khoản, tăng hơn 6.000 tài khoản so với tháng liền trước và là con số lớn nhất trong lịch sử 21 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thị trường chứng khoán đôi khi tôn vinh sự màu mè của hoạt động đầu cơ ngắn hạn mà quên đi phẩm chất của hoạt động đầu tư bền bỉ.
Thực tế, nhiều nhà đầu tư “tay mơ” thắng lớn trong năm qua, nhờ chọn đúng “điểm rơi” của thị trường, hoặc ăn may. Một chuyên gia đánh giá, phần lớn chiến thắng mang lại cho các F0 không đến từ giá trị đầu tư cốt lõi, mà mang tính đầu cơ. Chiến thắng đến từ mục đích đầu cơ sẽ khó bền. Hầu hết dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân là dòng tiền đầu cơ, khi thị trường có dấu hiệu khởi sắc sẽ chảy vào mạnh mẽ, song cũng rút ra nhanh nếu thị trường biến động xấu.
Câu chuyện nhóm cổ phiếu đầu cơ bất động sản thuộc dòng "đầu cơ xịn" từng dệt nên kỳ vọng cho bao người như DIG, CEO, L14, CII... giảm sàn và trắng bên mua nhiều phiên những ngày qua cho thấy thị trường khốc liệt hơn nhiều so với tưởng tượng của nhiều F0.
“Thị trường chứng khoán đôi khi tôn vinh sự màu mè của hoạt động đầu cơ ngắn hạn mà quên đi phẩm chất của hoạt động đầu tư bền bỉ”, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS nhấn mạnh.
Ông Khánh cho rằng, mỗi nhà đầu tư có tính cách riêng. Có người nắm giữ cổ phiếu 3 - 4 phiên không thấy tăng giá là nóng lòng bán ra bằng mọi giá để tìm kiếm mã khác với kỳ vọng ghi nhận lãi ngay, nhưng có người kiên trì nắm giữ 3 - 4 tuần, 3 - 4 tháng, thậm chí cả năm. Nhà đầu tư ngoài học hỏi, tích cóp kinh nghiệm, thu lượm thông tin và kỹ năng phân tích thị trường cũng như cổ phiếu, thành công còn phụ thuộc vào sự kiên định, giữ vững tâm lý và thần thái tốt.
Hiệu ứng FOMO (sợ lỡ cơ hội) là điểm yếu nhất của nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt những người mới. Ông Khánh nói: “Chưa có hàng, mặt đỏ như vang. Có hàng rồi, mặt vàng như nghệ”. Những trạng thái này sẽ còn hiện hữu theo năm tháng với các nhà đầu tư mới, chưa có nhiều trải nghiệm trên thị trường, dẫn tới kết quả thua nhiều hơn thắng. Kiểm soát tâm lý, giữ thần thái tốt thực sự khó với những người đầu tư theo đám đông, chỉ có số ít làm được điều này.