Một nửa thành quả đã được VN-Index ghi nhận trong phiên sáng và phần còn lại được thực hiện trong phiên chiều nay một cách khá nhẹ nhàng.
VN-Index phiên 15/2
Vượt trội hơn khu vực
Vai trò của Ngân hàng vẫn là xương sống nhưng MSN và nhóm Vingroup cũng nỗ lực không kém để giúp chỉ số lấy lại 2/3 số điểm thất thoát đầu tuần.
Ngân hàng giữ vai trò quan trọng nhất và đã được đề cập trong phần cập nhập của phiên sáng nay. Biến động của nhóm này trong phiên chiều nay không có một sự bất ngờ nào. Các mã như BID (+3,2%), MBB (+2,2%), STB (+2%) có chiều hướng cải thiện thêm sự hồi phục trong khi VPB (+2,7%), LPB (+2,1%), TPB (+1,9%), MSB (+1,9%), ACB (+1,5%) cũng góp sức vào thành tích chung.
Điểm mấu chốt trong nhịp tăng phiên chiều nay chính là việc mã đầu ngành là VCB (+1,2%) cũng đáp lại kỳ vọng của nhà đầu tư bằng việc tăng giá kèm thanh khoản khá cao.
Phiên sáng nay, vai trò của VCB vẫn còn khá mờ nhạt nên một kịch bản đảo chiều cũng mới chỉ nằm trong trí tưởng tượng của nhà đầu tư.
Trong khi Ngân hàng có VCB thì các nhóm cổ phiếu Tiêu dùng, Bất động sản, Dầu khí cũng có những gương mặt ưu tú khác góp mặt trong nhóm kéo điểm như MSN (+5,9%), VIC (+2,3%), VHM (+1%), VRE (+1,2%) và GAS (+1,2%).
MSN thậm chí còn được xem là mã năng nổ nhất. Với thị giá đóng cửa là 160.500 đồng/cổ phiếu, MSN hiện đã lấy lại hơn 60% thất thoát trong cú đạp tháng 1/2022. Cần lưu ý rằng, MSN là mã được xem là đã rơi sâu và sớm hơn cả các cổ phiếu Bất động sản.
Bức tranh giao dịch của VN30 nhìn chung đã khởi sắc khi chỉ số này nhanh chóng lấy lại đường MA20. Số mã của rổ ghi nhận được ở 27 mã so với chỉ 3 mã giảm giá.
Còn tính trên toàn thị trường, sắc xanh gần như đã lan với quy mô gấp 2 lần. Tổng cộng có 266 mã tăng so với 164 mã giảm và 59 mã đứng giá tham chiếu.
Các cổ phiếu hưởng ứng nhiệt tình nhất là DIG (+6,91%), NLG (+3,06%), LDG (+5,3%), VPG (+4,83%), CII (+4%), DXG (+6,57%) nhưng giá trị giao dịch mỏng vẫn là nhược diểm chưa thể khắc phục.
Nguyên nhân do VN30 vẫn chiếm tới 45% giá trị của cả sàn trong khi thanh khoản hôm nay cũng chưa hề trở lại mức cao. Khớp lệnh của cả HOSE đạt 606,42 triệu đơn vị, tương đương 19.171 tỷ đồng.
VN-Index chốt phiên tăng 1,41% lên 1.492,75 điểm. Thành quả này đã giúp thị trường Việt Nam vượt trội hơn so với các chỉ số khu vực. Phần lớn các chỉ số châu Á chỉ tăng dưới 1%.
Ngoài ra, so với 2 chỉ số UPCoM-Index và HNX-Index, mức tăng trên cũng là tốt hơn. 2 chỉ số này đều đi sau VN-Index nên chỉ lần lượt có mức tăng 0,67% và 0,33%. Tổng giá trị 2 sàn cũng ở mức trung bình, đạt hơn 2.700 tỷ đồng.
*****
Chỉ với Ngân hàng là chưa đủ
VN-Index phiên sáng 15/2
Sự hồi phục của Ngân hàng là chưa đủ nếu như không có sự tham gia của các cổ phiếu Bluechips. Đầu phiên giao dịch, bức tranh giao dịch vẫn còn khá đơn điệu nhưng ở phần sau sự tích cực của các mã VN30 như GAS (+2,8%), VIC (+2%), VHM (+1%), VRE (+1,2%), MSN (+1,6%) đã được ghi nhận.
GAS (+2,84%) thực sự có phần gây thất vọng trong hơn 1 tiếng giao dịch nhưng từ 10h45 cổ phiếu này đã có lực mua chủ động kéo giá đảo chiều. Hiệu ứng lên nhóm Dầu khí là chưa rõ ràng khi PVD (0%), PVT (-0,9%), PLX (-0,8%) chưa có động thái mới. Vì vậy, sẽ phải chờ thêm các diễn biến mới trong phiên chiều nay.
Nhóm cổ phiếu gây ra thất thoát điểm trước cả Ngân hàng các mã nhà Vingroup cũng có sự ủng hộ mạnh mẽ hơn: VIC (+1,95%) đã tăng lên 83.400 đồng/cổ phiếu, VHM và VRE cũng đều tăng trên 1%.
Nhờ vậy, tiền cũng tự tin hơn ở Ngân hàng giúp cho nhiều mã tăng trên 2% như VPB, SHB, STB, TPB. Hiện giá trị giao dịch của STB đang là lớn nhất HOSE, đạt gần 690 tỷ đồng.
VN30 đã đem đến sự khích lệ cho cả sàn nói chung, số mã tăng đã cải thiện lên 166 mã trong khi số mã giảm thu hẹp còn 242 mã. Chỉ số VN-Index trong khi đã bật lên sau nhịp nhúng xuống lúc 10h15 đang tăng được 9,2 điểm lên 1.481,16 điểm (+0,63%). Giá trị giao dịch ở mức thấp, đạt hơn 11.000 tỷ đồng cho thấy dòng tiền còn khá chần chừ trước các diễn biến từ cổ phiếu lớn.
So với các diễn biến tại châu Á, nhìn chung đây là trạng thái hồi phục khá khả quan. Các chỉ số như IDX (+0,66%), SET (+0,5%), KLCI (+0,5%) cũng đang ghi nhận mức tăng xấp xỉ VN-Index.
Còn HNX-Index vẫn chưa có nhịp đảo chiều và đang ở ngay dưới tham chiếu. Chỉ số giảm 0,13% xuống 420,46 điểm.
*****
Tâm điểm chú ý ở nhóm Ngân hàng
Phiên đầu tuần không chỉ lấy mất 30 điểm của VN-Index mà còn làm chỉ số này mất đi xu hướng tăng ngắn hạn do để thủng đường MA20. Nhóm ngành Ngân hàng là "công thần" cho nhịp trở lại 1.500 điểm nay cũng đã kéo chỉ số giảm sâu.
Thực tế, Ngân hàng cũng đã phải gồng gánh chỉ số khá nhiều trong nhịp giảm gần 16% của VIC lần này nên khó có thể quy trách nhiệm hoàn toàn cho Ngân hàng. Nhà đầu tư có lẽ chỉ nên kỳ vọng Ngân hàng hồi phục sớm nhất có thể sau khi chứng kiến hàng loạt mã giảm sâu trong phiên hôm qua.
Các mã đã dẫn đầu trong nhịp tăng giá đầu năm sẽ là những cổ phiếu cần phải được quan tâm nhất bởi đây là những cổ phiếu đã sớm gây dựng niềm tin chung cho cả nhóm ngành.
MBB (+1,4%), STB (+1,2%), BID (+0,8%) là những mã phải lưu ý nhất và trong những biến động đầu phiên cả 3 đều có cầu vào giải cứu. Giá trị giao dịch của STB và MBB hiện đang tạm đứng đầu HOSE.
Kế đến là các mã TCB (+0,4%), VPB (+1,4%) cũng đang trong top giao dịch của HOSE và ghi nhận đà hồi phục khá tốt. Dù vậy, đây là những cổ phiếu bắt nhịp chậm hơn trong nhịp tăng đầu năm.
Sự hồi phục ngoài ra cũng cần phải được đảm bảo hơn khi có VCB (-0,5%) tuy nhiên diễn biến tăng giá là chưa có.
Với toàn bộ sự tập trung đã dành cho Ngân hàng, thị trường chung không còn nhiều sự sôi động ở các nhóm ngành khác.
Bất động sản không thể hút tiền để hồi phục tiếp và hiện chỉ có DIG (+6,1%) ghi nhận mức tăng mạnh nhất nhóm trong khi hàng loạt mã như DXG, PC1, CII, NLG, NTL đều giao dịch khá rón rén. Các cổ phiếu Dầu khí không cho thấy được sự tranh thủ cơ hội để tạo sóng theo giá dầu thế giới. PVD (-1%), PXS (-2,2%), GAS (-0,9%) thậm chí còn đang cùng giảm giá dù HĐTL dầu Brent hiện đã lên 96 USD/thùng.
Các cổ phiếu Chứng khoán cũng khá hời hợt với VND, SSI, HCM, BSI, VIX giao dịch lình xình.
Còn nhóm Bán lẻ với DGW (+1,3%), FRT (+0,9%), MWG (+0,7%), PET (-0,1%) cũng tăng không nhiều. Dù vậy, cần lưu ý rằng cổ phiếu PET hôm qua đã có diễn biến vượt đỉnh, đi ngược toàn thị trường chung.
Tính đến 10h, sắc đỏ đang lấn lướt trên HOSE với gần 300 mã giảm và chỉ hơn 100 mã tăng giá. VN-Index tăng nhẹ, đang giao dịch tại 1.474 điểm.
Trong khi đó, HNX-Index cũng tạm ghi nhận sắc xanh, giao dịch tại 423 điểm.