Chứng khoán 22/2: Ngân hàng phủ nhận các lo ngại, VN-Index vẫn giữ mốc 1.500 điểm sau cú đạp hơn 25 điểm
Nguồn tin: BizLive |
22/02/2022 3:55:00 CH
Khi tiền đã vào mạnh cuối phiên sáng thì thị trường quá dễ dàng để bật lên sau nhịp đạp phiên sáng. Dù vậy, chỉ số VN-Index chỉ thực sự chạm đáy vào đầu phiên chiều rồi mới có nhịp nảy ngược lại.
VN-Index phiên 22/2
Ngân hàng "cứu tinh"
Thanh khoản của VN-Index đã trở lại giai đoạn sôi động trước Tết khi đạt 908,05 triệu đơn vị, tương đương 28.237,14 tỷ đồng. Đây là phiên thứ 3 liên tiếp chỉ số ghi nhận sự cải thiện về khối lượng giao dịch.
So với phiên hôm qua, giá trị giao dịch đã tăng tới ấn tượng lên tới 20%. Trong đó, công lớn phải thuộc về VN30 khi cải thiện đóng góp về tỷ trọng lên mức 35%.
Ngân hàng là nhóm đã có sự xuất hiện kịp thời thay vì chỉ là những động thái cầm chừng, nổi bật nhất là MBB (+5,4%) khi dồn hết đà tăng vào 15 phút cuối phiên khớp lệnh liên tục. Giá trị giao dịch của MBB cũng nhanh chóng vượt qua DIG để trở thành cổ phiếu đứng đầu toàn HOSE, đạt 1.250 tỷ đồng.
Các mã như BID (+1,7%), STB (+1,5%), TPB (+1,5%), ACB (+0,9%) đều khá hồ hởi tăng theo dù đà đi lên chưa bắt kịp MBB. Sau một vài phiên khá thờ với thị trường chung, diễn biến này lại tiếp thêm hy vọng cho nhà đầu tư đang có vị thế ở giai đoạn tới.
Đây chính là điều vẫn thường thấy mỗi khi thị trường rơi vào giai đoạn nhạy cảm có thể bị gẫy xu hướng do các thông tin bất lợi. Ngân hàng vẫn luôn là "cứu tinh" mỗi khi tiền lớn cần đến.
Ngoài Ngân hàng, thị trường hôm nay còn có nhóm Bán lẻ và Dầu khí cũng giữ thành tích tốt. Các cổ phiếu Bán lẻ với MWG (+2,8%), PET (+7%), FRT (+6,9%), PNJ (+3,3%) giao dịch đầy tích cực. Theo thông tin mới nhất, PNJ đã báo lãi kỷ lục trong tháng 1.
Còn tại nhóm Dầu khí, PVD (+2,7%), PLX (+3,5%), PXS (+3,4%) vẫn giữ sắc xanh cùng GAS.
Trong khi đó, nhóm Bất động sản, Chứng khoán, Thép, Dệt may không thể đảo chiều tăng giá khi dòng tiền còn phải dành ưu tiên cho Ngân hàng. ITA (-4,1%), KBC (-2,9%), DIG (-6,9%), LDG (-6,8%), SCR (-6,3%), LGL (-5%), DLG (-3,6%), SSI (-2,2%), VND (-2,1%), VCI (-2,4%), HSG (-2,6%), NKG (-1,2%) chỉ có thể hài lòng với cầu mua bắt đáy trong phiên.
Sắc đỏ hôm nay vẫn lấn lướt là điều khó tránh khỏi. Tổng cộng, HOSE có 319 mã giảm so với 147 mã tăng và 30 mã đứng giá tham chiếu.
VN-Index thu hẹp lại đáng kể điểm số thất thoát khi chỉ còn giảm 7,37 điểm xuống 1.503,47 điểm. Mức giảm sâu nhất của chỉ số trong phiên hôm nay có lúc đã lên tới 26 điểm.
Còn HNX-Index và UPCoM-Index do ít có sự tham gia của Ngân hàng nên đóng phiên vẫn trong sắc đỏ. Tuy nhiên, UPCoM-Index nhờ sự nâng đỡ của các mã Dầu khí như BSR (+1,5%), OIL (+3,3%) chỉ giảm 0,58%. Chỉ số HNX-Index lại giảm 1,49% trước sức ép từ CEO (-9,9%). Tổng giá trị giao dịch của 2 sàn đạt hơn 5.300 tỷ đồng.
*****
VN-Index sáng 22/2
Thanh khoản quan trọng hơn điểm số
Ngưỡng 1.500 điểm không thể quan trọng bằng thanh khoản của thị trường vào lúc này. Nếu VN-Index giữ được mốc này mà không có tiền bổ sung thì sẽ chỉ kéo dài thêm sự mệt mỏi cho nhà đầu tư.
Chính vì vậy, khi VN-Index bị kéo xuống dưới 1.500 điểm mà có lại xuất hiện thanh khoản cao thì nên được xem là dấu hiệu tích cực cho sự vận động của thị trường bởi dòng tiền đã báo hiệu việc nhập cuộc quyết liệt hơn.
Kịch bản này đã xuất hiện sau 10h30 khi các mã VCB (-1,6%), MSN (-1,5%), HPG (-1,5%), VHM (-1,5%), SAB (-1,2%) cùng tạo ra pha giảm hơn 1% ở VN30.
Mức giảm của các cổ phiếu trên là không nhiều nhưng đủ để khiến cho VN-Index có cú đạp mạnh nhất từ đầu phiên xuống 1.492 điểm (-1,23%).
Và ngay lập tức tiền đã dồn dập đổ vào VN30 lẫn các cổ phiếu khác ở nhóm Midcap và Penny. Tại VN30, HPG đã hút được trên 500 tỷ đồng, chen chân vào giữa MBB (610 tỷ đồng) và POW (+447 tỷ đồng).
Còn tính chung quy mô trên sàn, DIG hút được tới hơn 800 tỷ đồng trong nhịp giảm sàn và trở thành mã đứng đầu về giao dịch của cả sàn. Các mã như GEX (-3,6%), CII (-1,2%), KBC (-2,56%), DXG (-3,54%), FLC (-2,3%), HSG (-2,99%) cũng đều cho thấy có tiền vào khá tốt bất chấp giá giảm mạnh hơn.
Dù vậy, vẫn cần thận trọng với các nhóm Bất động sản bởi biên độ của các mã này là quá lớn khi DIG có thể giảm kịch biên độ hay như LDG, ITA, NBB, SCR, NTL đang giảm tới hơn 4%.
Chốt phiên sáng, cả HOSE có tổng cộng 361 mã giảm so với 97 mã tăng và 26 mã đứng giá tham chiếu. Thanh khoản tăng 18,5% so với sáng hôm qua, đạt 16.872 tỷ đồng.
Còn HNX-Index giảm 1,76% xuống 433,22 điểm. Thanh khoản tăng tới 51% trên HNX đạt 2408 tỷ đồng do CEO (-9,65%) và PVS (+2,75%) tạo được sức hút giao dịch.
*****
Hình minh họa
Vẫn đang có tiền vào
Chứng khoán châu Á đang rất nhạy cảm với thông tin về tình hình Đông Âu. Nhiều chỉ số như NIKKEI 225 (-2,3%), CSI (-1,5%), KOSPI (-1,81%), TWSE (-1,87%) đang giảm hơn 1% dù chứng khoán Mỹ hôm qua nghỉ giao dịch.
VN-Index nếu có giảm điểm vào lúc này cũng không phải điều bất thường. Thay vào đó, cách thị trường điều chỉnh mới cần được quan tâm.
Các ngòi nổ ở VN30 thực tế giảm điểm không nhiều khi các mã giảm trên 2% chỉ có 2 trường hợp là VJC (-2,2%), PDR (-2%), POW (-2,2%) trong khi đó phần lớn các mã trọng yếu như VIC (-1,1%), VCB (-1,1%), MSN (-1,1%) cũng mới chỉ giảm nhẹ.
Trong khi đó, các nhóm mã đi ngược xu hướng như PLX (+3,7%), MBB (+2,1%), GAS (+1,3%), VRE (+1%) vẫn xuất hiện lực kéo đối kháng. Chính vì vậy, VN30 chỉ đang giảm khoảng 0,5%.
Quy mô giao dịch của rổ VN30 đóng góp khoảng 32% tổng giao dịch của cả HOSE. Và điều quan trọng nhất là vẫn đang có tiền vào.
Sau 3 phiên liên tiếp chứng kiến thanh khoản cải thiện, thì các mã trong rổ vẫn đang kéo giá trị của VN30 đi lên. Tính đến 10h30, VN30 đang giao dịch được hơn 2.800 tỷ đồng nhỉnh hơn cùng thời điểm sáng hôm qua khoảng 100 tỷ đồng.
Hiện MBB đang là cổ phiếu dẫn đầu về giá trị giao dịch, kế đến là POW trong khi HPG có biểu hiện nhường lại "sân chơi" cho 2 cổ phiếu kể trên. Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu tuần trước, HPG đã hỗ trợ rất nhiều về thanh khoản cho VN30 và diễn biến này sáng nay có thể nghiêng về việc luân chuyển tiền giúp VN30 lấy lại sức hút giao dịch.
Với cả thị trường chung, câu chuyện quốc tế thực sự cũng tạo nên sức nặng trong tâm lý giao dịch vào lúc này. Nhóm Bất động sản và Chứng khoán đều bị kìm lại những ý định tăng giá. SCR (-3,4%), VCG (-1,53%), LDG (-1,7%), DIG (-4,53%), HCM (-1,3%), VCI (-2,72%), SSI (-1,63%) hiện đều giảm giá tương đối.
Nhóm Dầu khí là nhóm ngành duy nhất có được sự ủng hộ để tăng giá. Giá dầu đêm qua đã tăng vọt lên 97 USD/thùng kéo theo các cổ phiếu như PVD (+3,4%), PVT (+1,5%), PXS (+4,7%) cũng đua giá cùng GAS và PLX.
Tính đến 10h30, cả 2 chỉ số chính đều đang giảm điểm: VN-Index đang giao dịch tại 1.503 điểm còn HNX-Index giao dịch tại 437 điểm.
|