• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 3:14:28 CH - Mở cửa
Doanh nhân Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng-Thương mại Lê Thành: Trăn trở với 'giấc mơ' an cư của người lao động
Nguồn tin: Báo Đầu tư | 08/02/2022 9:40:00 CH
Chứng kiến cuộc di chuyển của những người công nhân và gia đình trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, ông Lê Hữu Nghĩa càng thêm quyết tâm xây dựng nhiều mái ấm dành cho những người thu nhập thấp.
 
 
Những chuyến xe chở nặng tình người
 
Cho đến bây giờ, rất nhiều người dân sống tại quận Bình Tân (TP.HCM) vẫn thường nhắc đến “anh Nghĩa” - người đàn ông dáng hơi gầy, lái chiếc xe bán tải xuống vườn, lội ra tận ruộng để mua rau mang về chia sẻ với bà con khi Covid-19 bùng phát mạnh. Ít ai biết rằng, cũng chính thời điểm ấy, người mẹ thân yêu của ông và nhiều nhân viên trong Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành (Công ty Lê Thành) đã không thể qua khỏi vì đại dịch.
 
Ngày thường, chiếc xe đó để phục vụ kinh doanh, nhưng trong giai đoạn dịch bệnh, cả người và xe trở thành lực lượng tình nguyện. “Cũng chẳng có gì to tát, cả cuộc đời tôi gần như gắn bó với công nhân, người lao động nghèo, nên khi dịch bệnh xảy đến, tôi cũng muốn làm điều gì đó cho họ”, ông Nghĩa nói.
 
Ở quận Bình Tân có khoảng 250.000 công nhân sinh sống trong các khu nhà trọ tập trung, nghèo khó, vất vả kiếm miếng ăn hằng ngày. Những ngày giữa tháng 7/2021, dịch bệnh căng thẳng, người dân TP.HCM thiếu rau sạch, trong khi nông dân lại gặp khó trong khâu tiêu thụ. Trong một lần mua rau hỗ trợ bà con ở khu cách ly, ông Nghĩa rất bất ngờ vì giá rau muống tại vườn ở Củ Chi chỉ 4.000 đồng/kg, nhưng được bán ở cửa hàng tiện lợi trong Thành phố với giá cao gấp 10 lần.
 
Thế là, ông quyết định cùng anh em trong Công ty Lê Thành và Hội Doanh nghiệp quận Bình Tân lái 8 chiếc xe tải về thẳng các nhà vườn ở Củ Chi mua mấy tấn rau, kèm hơn 3.000 phần quà, gồm thực phẩm khô, gia vị, thịt, rau... tặng người dân sống tại các khu nhà trọ và người nghèo trong quận.
 
“Qua đợt dịch mới thấy, sự hỗ trợ, đùm bọc giữa người với người rất quan trọng. Không có lòng trắc ẩn, khó thực hiện các dự án từ thiện từ tiền túi của mình mà không hề toan tính”, ông Nghĩa tâm sự.
 
Thu mua nông sản cho bà con được khoảng 20 ngày, thì Công ty Lê Thành có khoảng 70 nhân viên bị nhiễm Covid-19. Thấy việc hỗ trợ thực phẩm cho công nhân trong những xóm trọ là chưa đủ, ông Nghĩa bắt tay thực hiện chiến dịch hỗ trợ cấp phát thuốc cho bệnh nhân điều trị Covid-19 tại nhà. Trong 10.000 toa thuốc mà Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM hỗ trợ, quận Bình Tân được phân 500 toa. Công ty của ông Nghĩa mua thêm 7.500 toa nữa, mỗi toa có khoảng 7 loại thuốc và vitamin các loại để phát cho các bệnh nhân Covid-19.
 
Với những đóng góp cho cộng đồng trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn, thể hiện trách nhiệm xã hội và những nỗ lực trong hoạt động kinh doanh, ông Nghĩa là một trong 10 doanh nhân được vinh danh “Doanh nhân truyền cảm hứng năm 2021”.
 
“Nếu nói chúng tôi không sợ dịch thì không đúng, vì lúc đó, mỗi anh em chỉ mới tiêm một mũi vắc-xin. Nhưng nhìn người dân khó khăn, chúng tôi không chịu được. Mình là người đứng đầu, nếu không xông pha, thì làm sao nhân viên dám xông pha. Cứ thế, anh em động viên nhau cùng cố gắng, vượt qua nỗi sợ”, ông Nghĩa bộc bạch. Ông luôn bảo, mọi điều mình làm đều xuất phát từ tâm, tình yêu thương và trách nhiệm.
 
Trao cơ hội an cư cho những người có thu nhập thấp
 
Nhìn dòng người rời TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ về quê tránh dịch, hầu hết là công nhân khu công nghiệp, lao động thu nhập thấp, ông Nghĩa nói, đây là cảnh tượng ông chưa bao giờ thấy trong đời và càng quyết tâm xây thật nhiều “tổ ấm” giá rẻ.
 
“Sau đợt dịch này, muốn kêu gọi những người công nhân quay lại để cùng Thành phố sản xuất và phát triển, phải có chính sách giúp họ an cư. Những khu nhà trọ cho người lao động thuê tạm bợ, chật chội, nên tỷ lệ lây nhiễm dịch rất lớn. Chúng ta phải nhìn nhận câu chuyện nhà ở xã hội không đơn thuần là vấn đề an cư, mà còn là một trong những giải pháp giúp phòng, chống dịch hiệu quả”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
 
Mỗi lần triển khai thành công một Dự án nhà ở xã hội, tôi như vừa vượt qua một cuộc chiến đầy khó khăn, nhưng vui lắm!.
 
- Doanh nhân Lê Hữu Nghĩa
 
Hơn 20 năm xây dựng và phát triển Công ty Lê Thành, cũng là bằng ấy thời gian ông Nghĩa luôn kiên định với mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội. Đến nay, Lê Thành đã cung cấp ra thị trường hơn 7.000 căn trong phân khúc này.
 
Thấu hiểu được rằng, với người Á Đông, ngôi nhà là tài sản lớn nhất một đời người, nên ông Thành luôn tâm niệm, phát triển nhà ở xã hội cần phải có tâm huyết, doanh nghiệp xây dựng nhà ở phải có trách nhiệm mang lại sự an tâm cho người sử dụng. Nhà đầu tư phải chia sẻ lợi ích với người mua nhà, tức là làm sao sau 50 năm, căn nhà đó vẫn còn nguyên chất lượng.
 
“Tôi nhớ mãi một lần đến trò chuyện với bà con ở Dự án Lê Thành Twin Towers về phòng cháy, chữa cháy, khi ra về, nhiều cư dân nói lời cảm ơn Lê Thành về chất lượng căn hộ mà họ đã mua. Tôi rất bất ngờ về tình cảm mà cư dân dành cho mình và cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Đó chính là động lực thôi thúc tôi vững tin trên con đường mình đã chọn”, ông Nghĩa xúc động kể.
 
Nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và trung bình thấp hiện còn rất lớn. Mỗi năm, Công ty Lê Thành chỉ có thể xây dựng tối đa khoảng 1.000 căn hộ trong phân khúc này, không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
 
Nhận thấy còn rất nhiều người lao động dù cố gắng cũng không thể đủ tiền mua một căn hộ giá thấp, nên ông Nghĩa đã đưa ra thị trường loại hình căn hộ cho thuê với thời hạn thuê lên đến 49 năm, diện tích nhỏ (khoảng 35 m2), giá khoảng 350 - 400 triệu đồng/căn.
 
Ngoài ra, ông còn phát triển dòng sản phẩm căn hộ cho thuê với giá khoảng 1,5 triệu/tháng để phục vụ nhóm người lao động nghèo, vì “thu nhập mỗi tháng của họ không đủ ăn, họ đang phải sống trong những căn phòng trọ ọp ẹp, mà giá thuê cũng trên 1 triệu đồng/tháng”.
 
Luôn trăn trở giúp người lao động nghèo có nơi ở ổn định, nhưng có thời điểm, ông Nghĩa cũng cảm thấy phiền lòng vì phân khúc này vẫn chưa có một quy trình, quy chuẩn riêng, thủ tục triển khai mất nhiều thời gian hơn so với nhà ở thương mại; lại phải tính toán rất kỹ, nếu không, rất dễ bị lỗ, nên không có nhiều doanh nghiệp tham gia phân khúc này.
 
Do vậy, theo ông Nghĩa, Nhà nước cần khuyến khích và sớm ban hành cơ chế cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội. Hơn nữa, nhà ở xã hội cũng là dự án kích cầu đầu tư, khi được hoàn thành, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho phát triển kinh tế của chính khu vực dự án.
 
“Tôi nói những điều này không phải cho Công ty Lê Thành, mà vì lợi ích của người dân và xã hội. Việc xây dựng những dự án nhà ở xã hội tại thời điểm này cũng tạo hàng ngàn việc làm cho người lao động; đẩy mạnh tiêu thụ vật liệu xây dựng, đồng thời thúc đẩy phát triển nhiều ngành hàng, dịch vụ khác đi kèm…”, ông Nghĩa bộc bạch.
 
Trò chuyện cùng doanh nhân Lê Hữu Nghĩa
 
Ông nói, cần có cơ chế để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, cụ thể là những cơ chế gì, thưa ông?
 
Doanh nghiệp không mặn mà xây dựng nhà ở xã hội là do 3 nguyên nhân chính.
 
Thứ nhất, thủ tục pháp lý quá chậm, do không có quy trình riêng.
 
Thứ hai, về lợi nhuận, theo quy định, lợi nhuận của dự án nhà ở xã hội là 10%, nhà ở xã hội cho thuê là 15%. Nhưng làm một dự án nhà ở xã hội mà mất 5 năm chưa triển khai xong, chia ra lợi nhuận mỗi năm chưa đến 2%, thì không thể đáp ứng mong muốn của doanh nghiệp.
 
Thứ ba, công tác hậu kiểm, kiểm tra, phê duyệt giá nhà ở xã hội rất khó khăn.
 
Nếu giải quyết được 3 vấn đề này, thì mới mong có nhiều doanh nghiệp tham gia các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho công nhân, người có thu nhập thấp.
 
Ông có thể chia sẻ kế hoạch của Lê Thành trong thời gian tới?
 
Trong năm 2022, Lê Thành tập trung hoàn tất thủ tục xây dựng 2 dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM, gồm Dự án Lê Thành - Tân Tiến (huyện Bình Chánh) và Dự án Lê Thành - Tân Tạo 2 (quận Bình Tân).
 
Đồng thời, chúng tôi sẽ mở một loạt siêu thị mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, chăm sóc gia đình mang tên AB Beauty World. Mỗi siêu thị có diện tích khoảng 500 - 600 m2, vốn đầu tư trung bình khoảng 1 triệu USD/siêu thị.
 
Đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng nhà ở, vì sao ông lại chuyển sang kinh doanh mỹ phẩm?
 
Lê Thành muốn đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, vì nguồn thu từ nhà ở xã hội không lớn.