Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục tăng, dự báo đạt 2,1 triệu tấn, trị giá 9,2 tỷ USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với năm 2021.
Lý do mà Bộ Công Thương đưa ra xuất khẩu thủy sản tăng nhờ nhu cầu nhập khẩu thủy sản thế giới ở mức cao và những ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do tiếp tục phát huy tác dụng. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã linh hoạt điều chỉnh hoạt động sản xuất trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nên đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của các thị trường.
Báo cáo triển vọng nông nghiệp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) gần đây cũng cho thấy, tiêu thụ thủy hải sản bình quân đầu người trên thế giới dự kiến là 21,2kg vào năm 2030, tăng từ mức trung bình 20,5kg trong giai đoạn 2018-2020.
Tiêu thụ thủy hải sản bình quân đầu người sẽ tăng 3,6% trong giai đoạn 2020-2030. Vào năm 2030, nuôi trồng thủy sản dự kiến sẽ cung cấp 57% lượng cá được sử dụng cho con người, so với 53% trong giai đoạn 2018-2020.
Đặc biệt, sự hồi phục của các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU… đang mở ra những tín hiệu lạc quan mới cho ngành thuỷ sản Việt Nam.
Đơn cử, thị trường Mỹ đang có sự phục hồi rất lớn, nhất là sự phục hồi của ngành dịch vụ thực phẩm ở Mỹ sẽ hỗ trợ tiêu thụ thủy sản năm 2022. Hiệp hội Các nhà sản xuất dịch vụ ăn uống quốc tế (IFMA) dự kiến năm 2022, tăng trưởng ngành dịch vụ thực phẩm đạt 4,9% so với năm 2021. Hơn nữa, chi tiêu tiêu dùng thực phẩm tại phân khúc nhà hàng năm 2022 được dự báo sẽ gần trở lại mức 2019 và tăng 8% so với năm 2021. Ngoài ra, chi tiêu tiêu dùng thực phẩm tại siêu thị trong năm 2022 được dự báo sẽ tăng 7,8% so với năm 2021 lên 38,8 tỷ USD, tương đương với mức 119% của năm 2019.
Theo đánh giá của VASEP, năm 2022, XK thủy sản nói chung của Việt Nam tăng trưởng tốt, trong đó mặt hàng chủ lực tôm Việt Nam sẽ tiếp tục tạo dấu ấn tốt do tôm là thực phẩm thơm, ngon, bổ dưỡng, tiện lợi nên nhu cầu thế giới tiếp tục ở trạng thái tốt.
Năm 2022, tôm Việt Nam cần xác định duy trì và giữ vững các thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, EU. Song song coi trọng thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Australia, Canada, Singapore… Dự báo, năm 2022, XK tôm sang Mỹ và EU dự kiến tiếp tục tăng trưởng 2 con số, XK sang Trung Quốc phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2021, XK sang Hàn Quốc và Nhật Bản tăng trưởng nhẹ do nhu cầu từ 2 thị trường này khá ổn định và có thể không có sự tăng trưởng đột phá.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 2,022 triệu tấn, trị giá 8,89 tỷ USD, giảm 0,2% về lượng, nhưng tăng 5,6% về trị giá so với năm 2020. Đây là mức trị giá cao nhất từ trước đến nay.
Trong năm 2021, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản lớn là tôm, cá tra, cá ngừ, chả cá, mực, bạch tuộc, nghêu, ghẹ, sò đều có trị giá tăng so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu cá tra và ghẹ giảm về lượng, nhưng trị giá vẫn tăng so với năm 2020. Cá ngừ, chả cá, nghêu và ốc là những mặt hàng thủy sản có trị giá xuất khẩu tăng mạnh nhất trong năm 2021 so với năm 2020.