Năm 2022, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành, góp phần phòng chống Covid-19, thúc đẩy tái cơ cấu, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...
Không cùng xuất phát điểm
Theo kết quả xếp hạng chuyển đổi số năm 2020 cấp tỉnh, Quảng Ninh đang đứng thứ 4, Hải Dương đứng thứ 14, còn Hải Phòng mới chỉ đứng thứ 21/63 tỉnh, thành phố. Điều này cho thấy, khoảng cách giữa 3 địa phương còn khá lớn.
Cụ thể, Quảng Ninh, địa phương nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước đã có những thành quả rất cao trong việc chuyển đổi số. Địa phương này đã xây dựng và vận hành chính quyền điện tử, tạo nền hành chính hiện đại với 100% các thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến, trong đó 70% dịch vụ công mức độ 4 và dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia; văn bản điện tử có chữ ký số... Từ nền tảng của chính quyền điện tử, năm 2016, Quảng Ninh đã phê duyệt và bắt tay vào triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh.
Tại Hải Phòng, ông Lương Hải Âu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, địa phương này đã có 889 chứng thư số chuyên dùng Chính phủ cho tổ chức; hơn 2.045 chứng thư số chuyên dùng Chính phủ cho cá nhân; hơn 80 chứng thư số tích hợp trên SIM PKI phục vụ các giao dịch điện tử và gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước... Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai tập trung, thống nhất cho 35/35 sở, ban, ngành, quận, huyện; 217/217 xã, phường, thị trấn...
Trong khi đó, Hải Dương dự kiến tổ chức chuỗi sự kiện Ngày chuyển đổi số vào ngày 26/3/2022. Điểm nhấn của chuỗi sự kiện là việc ra mắt Trung tâm Giám, sát điều hành thông minh (IOC) Hải Dương với 20 hợp phần kết nối cơ sở dữ liệu và ứng dụng Smart Hải Dương tích hợp nhiều tiện ích trên điện thoại di động dành cho người dân. Hệ thống Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của Hải Dương đã được liên kết, tạo lập thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh và được đưa vào sử dụng thống nhất trên toàn tỉnh…
Cùng tăng tốc
Xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để kinh tế, xã hội của địa phương bứt tốc trong cuộc cách mạng 4.0, 3 địa phương trên đều đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số với mục tiêu, thời hạn cụ thể.
Với Quảng Ninh, Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, 100% thủ tục hành chính ban hành mới đạt dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở, được trang bị cơ sở vật chất đảm bảo kỹ thuật, an toàn phục vụ chuyển đổi số; tối thiểu 50% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh; 100% người dân có định danh điện tử và mỗi gia đình đều có địa chỉ số; kinh tế số chiếm ít nhất 20% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu cao nhất của tỉnh là trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh.
Trước đó, ngày 26/3/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ có 80% số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. .
Còn với Hải Phòng, mục tiêu nằm trong top 10 cả nước về chuyển đổi số đã được đề ra tại Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số TP. Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền...
Theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông của các địa phương trên, yếu tố tác động tới tốc độ và sự thành công của chuyển đổi số không phải là vấn đề kinh phí hay công nghệ (các địa phương có thể huy động nguồn lực xã hội hóa, hợp tác với các “ông lớn” về công nghệ như đã và đang làm). Muốn hoạt động tốt, thay đổi phương thức quản lý, điều hành sang môi trường số thành công, thì điều không hề đơn giản là hệ thống dữ liệu phải được số hóa và thống nhất hoàn toàn. Cùng với đó, trình độ của cán bộ, công chức phải được nâng cao.