Các chỉ số chứng khoán trồi sụt trong tuần qua do ảnh hưởng của căng thẳng địa chính trị, và phiên cuối tuần, VN-Index có thời điểm xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 1.460 điểm do tác động bởi thông tin giá xăng dầu tăng kỷ lục trước khi hồi lại vào cuối phiên, cho thấy thị trường đang hàm chứa nhiều biến số khó đoán định.
Nhưng những biến số đó có kéo dài và tác động thực sự mạnh đến những yếu tố cơ bản của thị trường, của các doanh nghiệp niêm yết hay không thì rất khó khẳng định, bởi vẫn thường xuyên xuất hiện những con sóng nhỏ của từng nhóm ngành hưởng lợi từ biến động đó thay nhau nổi lên.
Thị trường đã chứng kiến sóng cổ phiếu ngành hưởng lợi từ sự tăng giá của nguyên liệu cơ bản như dầu, than, phân bón, hóa chất, nguyên liệu cơ bản diễn ra đồng thời; tiếp nối là sóng cổ phiếu ngành thủy sản. Âm thầm hơn nhưng bền bỉ là cổ phiếu của ngành hưởng lợi từ sự phục hồi hoàn toàn của nền kinh tế là hàng không, du lịch nghỉ dưỡng và cảng biển…
Không phải nhà đầu tư nào cũng quen với việc lướt các con sóng dựa trên kỳ vọng lớn hơn nhiều là những kết quả cụ thể phản ánh vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng những biến động quá lớn của thị trường hàng hóa đã tạo ra cơn sóng không nhỏ trên TTCK.
Có những sóng dễ dự đoán như phân bón, thép, hóa chất…, lại có những phát hiện rất mới như cổ phiếu
PC1 tăng mạnh vì công ty này năm ngoái đã mua lại 57,27% cổ phần của CTCP Khoáng sản Tấn Phát, doanh nghiệp sở hữu mỏ Niken - Đồng tại khu vực xã Quang Trung và xã Hà Trì, tỉnh Cao Bằng.
Xu thế nhảy sóng ngắn, chỉ tập trung vào cổ phiếu những ngành có diễn biến hỗ trợ bởi thông tin địa chính trị hay hưởng lợi tăng giá bán đầu vào hay đầu ra dường như đang chiếm ưu thế.
Song không phải nhà đầu tư nào cũng quen giao dịch ngắn hạn. Bởi thế, một phần lớn dòng tiền đang chờ cơ hội ở những cổ phiếu được hỗ trợ bởi thông tin công bố trong mùa đại hội cổ đông giúp nhà đầu tư định giá được cổ phiếu cho chu kỳ đầu tư năm 2022.
Nhóm này có thể là một phần của nhóm cổ phiếu bất động sản, nhóm cổ phiếu chứng khoán… với kế hoạch lợi nhuận được chuẩn bị để hỗ trợ cho kế hoạch tăng vốn tỷ lệ lớn, chẳng hạn như VND.
Đây cũng là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang theo dõi rất chặt thị trường và cổ phiếu cụ thể mà họ quan tâm, sẵn sàng hành động khi có thời cơ, kể cả là với tâm thế sợ mất cơ hội (fomo).
Một dấu hiệu khác là những cổ phiếu cây thông một thời như
TGG,
BII,
SJF,
ASM,
IDI… đã tạo đáy và tăng giá vài chục phần trăm cho đến tăng bằng lần từ mức đáy. Đây cũng là những sóng ẩn trên thị trường mà những nhà đầu tư kiên trì theo dõi sẽ tận dụng được cơ hội.
Báo cáo chiến lược tháng 3 của CTCP Chứng khoán SSI có tiêu đề “Cơ hội trong biến động” có thể đưa đến một góc nhìn mang tính bản chất hơn của thị trường. Biến động mạnh tạo ra cơ hội bất ngờ với tỷ suất lợi nhuận tốt dành cho những nhà đầu tư am hiểu sâu về ngành lĩnh vực đó và nhanh nhạy với thị trường.
Rủi ro trên thị trường vào cuối tuần qua có vẻ đã tăng lên nhưng cũng giống như tâm lý sợ rủi ro vào những ngày giao dịch đầu tuần và tuần trước đó khi chiến tranh nổ ra, khi thị trường Mỹ giảm mạnh, giá xăng leo cao… Sóng nhỏ có thể vẫn còn tiếp diễn trên TTCK tuần này dù chỉ số có tăng hay giảm bởi các thông tin mùa đại hội cổ đông tiếp tục được công bố và sự kiện chính thức mở cửa hoàn toàn bầu trời cũng như Fed sẽ công bố tăng lãi suất vào giữa tháng 3.
Có điều, nhà đầu tư “hiểu biển nào thì hãy lướt sóng đó”, nếu không rất dễ bị sóng cuốn đi. Đó cũng là điều Đầu tư Chứng khoán muốn nói khi lựa chọn chủ đề “Lượn sóng” cho Tiêu điểm tuần này.