KBSV nhìn nhận, với vị thế đầu ngành, việc nâng số lượng tàu sẽ giúp cho triển vọng dài hạn của PVT được đảm bảo hơn nhờ vào các tàu mới chạy tuyến định hạn quốc tế, cùng lợi thế chi phí nhân công rẻ hơn so với các chủ tàu nước ngoài.
KBSV: Khuyến nghị mua PVT, giá mục tiêu 36.800 đồng/cổ phiếu
Luỹ kế cả năm 2021, Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (HoSE:
PVT) ghi nhận doanh thu 7.368 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 838 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm trước. Theo giải trình, năm vừa qua, nhu cầu vận tải và vận hành FSO/FPSO chịu ảnh hưởng tiêu cực trong giai đoạn giãn cách xã hội và doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí hoạt động liên quan tới công tác phòng chống dịch Covid-19.
Công ty Chứng khoán KB (KBSV) dự báo năm 2022, giá cước vận tải sẽ hồi phục nhờ nhu cầu tiêu thụ hồi phục và động lực từ xung đột Nga - Ukraine. Cụ thể, theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), cung/cầu sẽ hồi phục hoàn toàn vào năm 2022, từ đó thúc đẩy nhu cầu tàu chở dầu và giá cước vận tải năng lượng cải thiện đáng kể.
Xung đột giữa Nga - Ukraine cũng trở thành một chất xúc tác tốt cho sự phục hồi của ngành vận chuyển năng lượng, việc thiếu hụt nguồn cung dầu từ Nga sẽ dẫn tới việc gia tăng nhu cầu nhập khẩu dầu khí, từ đó giúp tăng giá cước vận tải ở các tuyến hoạt động của
PVT và tác động tích cực đến giá cho thuê tàu của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, KBSV đánh giá cao kế hoạch mở rộng đội tàu của
PVT. Với vị thế đầu ngành, việc nâng số lượng tàu sẽ giúp cho triển vọng dài hạn của
PVT được đảm bảo hơn nhờ vào các tàu mới chạy tuyến định hạn quốc tế với lợi thế chi phí nhân công rẻ hơn so với các chủ tàu nước ngoài. Với kế hoạch mở rộng trong 2022 - 2023, KBSV dự kiến tổng công suất đội tàu của
PVT có thể được nâng lên gấp đôi, đạt 1.707.000 DWT vào cuối năm 2023 so với mức 978.000 DWT vào cuối năm 2021.
KBSV sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền của doanh nghiệp (FCFF) và P/E với tỷ lệ 50% cho mỗi phương pháp để đưa ra khuyến nghị mua dành cho
PVT với mức giá mục tiêu là 34.400 đồng/cổ phiếu, tương đương với triển vọng tăng 39,5% so với giá đóng cửa 14/3.
VND: Khuyến nghị trung lập đối với PVS
Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) nhìn nhận, trong bối cảnh thị trường dầu thô thắt chặt do thiếu hụt đầu tư vào thượng nguồn, cuộc khủng hoảng Ukraine càng làm trầm trọng thêm tình trạng này, đẩy giá dầu Brent lên mức cao nhất kể từ 2008 (khoảng 130 USD/thùng).
Theo quan điểm của VND, giá dầu sẽ dần cân bằng trở lại trong thời gian tới (quanh 100 USD/thùng) khi căng thẳng địa chính trị hạ nhiệt và nguồn cung bổ sung đến từ Mỹ và Iran.
Với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ thượng nguồn,
PVS sẽ hưởng lợi gián tiếp từ việc giá dầu cao với độ trễ nhất định do các hợp đồng trong các mảng xây lắp (M&C) và FSO/FPSO thường kéo dài nhiều năm, trong khi các mảng khác (tàu dịch vụ, căn cứ cảng) có thể được hưởng lợi sớm hơn nhờ sự phục hồi của giá dịch vụ.
Mặt khác, sau nhiều năm trì hoãn do vướng mắc tại dự án nhà máy điện Ô Môn III, VND kỳ vọng dự án Lô B – Ô Môn sẽ có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào cuối quý II/2022, tạo tiền đề cho chuỗi dự án Lô B - Ô Môn khởi công trong nửa cuối 2022.
Với việc
PVS đã chứng minh được năng lực trong việc xây dựng các công trình khai thác dầu khí trên biển ở cả thị trường trong và ngoài nước, VND tin rằng doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để tham gia vào dự án này, đảm bảo khối lượng công việc cho mảng M&C của
PVS trong những năm tới.
Công ty chứng khoán này tin rằng hoạt động kinh doanh của
PVS sẽ được hưởng lợi khi hoạt động dầu khí phục hồi trở lại. Đặc biệt, giá dầu cao sẽ là động lực cho các đơn vị liên quan để tái khởi động các dự án lớn tại Việt Nam, có lợi cho mảng M&C của
PVS. Ngoài ra, giá dầu cao cũng tạo điều kiện thuận lợi cho
PVS trong việc gia hạn các hợp đồng thuê FSO/FPSO, củng cố hiệu quả hoạt động của các liên doanh FSO/FPSO kể từ 2022.
Nhìn chung, VND kỳ vọng
PVS sẽ đạt tăng trưởng kép lợi nhuận ròng là 26,7% trong năm 2022 - 2024. Đáng chú ý, việc bổ sung phát triển điện gió ngoài khơi vào lĩnh vực kinh doanh chính vào cuối năm 2021 có thể mở ra một hướng kinh doanh mới cho doanh nghiệp trong dài hạn.
Tuy nhiên, với đà nhanh của giá cổ phiếu
PVS gần đây, chủ yếu được hỗ trợ bởi giá dầu tăng mạnh, VND đã hạ khuyến nghị từ khả quan xuống trung lập. Dù vậy, giá mục tiêu vẫn điều chỉnh tăng thêm 13,8% lên 35.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn 2% so với thị giá, do chuyển mô hình DCF sang 2022, giảm dự phóng EPS năm 2022 nhưng nâng dự phóng EPS 2023 - 2024 và áp dụng P/E mục tiêu cao hơn.
MBS: Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu TVB
Công ty Chứng khoán MB (MBS) vừa khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu
TVB của Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt, với giá mục tiêu 32.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức sinh lời 39%, dựa trên các luận điểm như triển vọng tăng trưởng 2022 khả quan từ sự tích cực của giá trị giao dịch thị trường, kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt và cải thiện vượt trội và nguồn vốn tăng trưởng vượt trội tạo tiền đề cho tăng trưởng dài hạn.
Nhìn lại năm 2021, doanh thu của
TVB tăng trưởng gần 180% so với năm trước, đạt hơn 434 tỷ đồng. Trong đó, chiếm tỷ trọng cao nhất là hoạt động tự doanh với tỷ lệ 42%, kế đến là các hoạt động về nghiệp vụ môi giới và cho vay margin với tỷ trọng lần lượt là 31% và 25%.
Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 300 tỷ đồng, tăng hơn 317% cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng cải thiện đạt lần lượt 85,75% và 69,43%.
Cuối năm 2021, tổng tài sản của
TVB đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tăng 88% so với hồi đầu năm, phần lớn đến từ khoản cho vay margin với hơn 1.113 tỷ đồng (tăng 92%). Vốn chủ sở hữu đạt 1.370 tỷ đồng, tăng 127%, trong đó vốn điều lệ tăng trưởng 105% lên mức 1.120 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối đạt hơn 243 tỷ đồng, tăng hơn 1275%.
MBS dự phóng
TVB sẽ ghi nhận xấp xỉ 338 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2022 với động lực tăng trưởng đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi như môi giới, tự doanh, cho vay margin tiếp tục tăng trưởng, trong bối cảnh thị trường chứng khoán duy trì khả quan.
Dựa trên định hướng chiến lược kinh doanh sắp tới, MBS dự phóng công ty sẽ chuyển dịch dần tỷ trọng từ phần lớn tự doanh sang cân bằng hơn với nguồn thu từ môi giới và ủy thác/quản lý tài sản/M&A với nền tảng từ sự tăng vốn vượt trội trong năm 2021, từ đó kết quả kinh doanh sẽ có sự ổn định mang tính cơ bản hơn.