Nguyễn Đại Dương giữ vai trò xuyên suốt, thúc đẩy, hỗ trợ, tạo điều kiện cho bị can Nguyễn Văn Minh (bố vợ) và đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội trong vụ bán rẻ 43 ha “đất vàng” ở Bình Dương. Hành vi này gây thiệt hại hơn 201 tỷ đồng cho Nhà nước.
Con rể "tạo điều kiện" cho bố vợ phạm tội
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ "Tham ô tài sản, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV và các đơn vị liên quan.
Bản kết luận điều tra bổ sung lần này, cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị truy tố 28 bị can về các tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí và Tham ô tài sản".
Trong số các bị can bị đề nghị truy tố có ông Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tổng Công ty 3/2) cùng Nguyễn Đại Dương (con rể Nguyễn Văn Minh), từng là chủ của vũ trường New Century nổi tiếng ở Hà Nội một thời và ông Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương).
Theo bản kết luận điều tra bổ sung, tháng 8/12/2016, Nguyễn Văn Minh, đại diện Tổng Công ty 3/2 ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú với giá hơn 250 tỷ đồng, dù thời điểm đó, Tỉnh ủy Bình Dương chỉ đạo phải bàn giao về Công ty Impco.
Hành vi của Nguyễn Văn Minh (phải) cùng con rể Nguyễn Đại Dương (trái) và đồng phạm gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 201 tỷ đồng. Ảnh: Nhadautu.vn.
Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Bình Dương có kết luận định giá tài sản, xác định giá trị quyền sử dụng khu đất 43 ha tại thời điểm tháng 12/2016 là hơn 552 tỷ đồng. Thời điểm khởi tố vụ án (tháng 12/2019), kết luận giám định tài sản xác định khu đất 43 ha có giá hơn 1.335 tỷ đồng.
Việc chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú trái với phê duyệt của Tỉnh ủy Bình Dương, các quy định của pháp luật và việc chuyển nhượng nốt 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc khiến Nhà nước mất toàn bộ quyền sở hữu tại khu đất trên.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết luận, hành vi của bị can Nguyễn Văn Minh cùng Nguyễn Đại Dương và đồng phạm gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 201 tỷ đồng.
Nguyễn Đại Dương giữ vai trò xuyên suốt, thúc đẩy, hỗ trợ, tạo điều kiện cho bị can Nguyễn Văn Minh và đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, Nguyễn Đại Dương cũng có hành vi liên đới gây ra hậu quả thiệt hại hơn 201 tỷ đồng cho Nhà nước, là đồng phạm với Nguyễn Văn Minh và các đồng phạm khác với vai trò giúp sức.
Đại gia Nguyễn Đại Dương khai gì?
Quá trình điều tra, Nguyễn Đại Dương khai, khoảng tháng 6/2010, Dương được Nguyễn Văn Minh cho biết Tổng Công ty 3/2 có các khu đất tại thành phố mới Bình Dương đầu tư khả quan cần người có tiền hợp tác đầu tư. Trên cơ sở đó, Dương đã giới thiệu Nguyễn Quốc Hùng và đưa Hùng đến gặp, trao đổi cụ thể với Nguyễn Văn Minh.
Dương cũng đồng thời giới thiệu ông Huỳnh Trung Nam và Dương Đình Tâm tham gia góp vốn thành lập Công ty Âu Lạc để có pháp nhân ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Tổng Công ty 3/2 thành lập liên doanh Công ty Tân Phú để thực hiện dự án trên khu đất 43 ha.
Mục đích của việc Công ty Âu Lạc liên doanh với Tổng Công ty 3/2 là để mua quyền sử dụng đất khu đất 43 ha và được xác định thỏa tuận liên doanh ban đầu. Tuy nhiên, do Tổng Công ty 3/2 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thời điểm đó nên trong hợp đồng thỏa thuận đã điều chỉnh đúng luật với nội dụng công ty liên doanh phải bồi hoàn tiền đền bù đất cho Tổng Công ty 3/2.
Bản chát của hợp đồng thỏa thuận liên doanh năm 2010 là Công ty 3/2 chuyển nhượng 43 ha đất cho Công ty Tân Phú. Đến năm 2016, Tổng Công ty 3/2 không muốn tiếp tục đầu tư mà chờ cho đến khi thị trường bất động sản lên. Đồng thời, Hùng, Nam và Tâm không muốn tiếp tục thực hiện dự án và muốn rút vốn nên Dương có nói chuyện với bà Đặng Thị Kim Oanh để giới thiệu bán lại dự án.
Khi bà Kim Oanh đồng ý, Dương đã đưa bà Oanh đến gặp Hùng để thỏa thuận việc mua dự án trên khu đất 43 ha thông qua hình thức mua toàn bộ 100% vốn góp tại Công ty Tân Phú.
Sau khi Công ty Âu Lạc và Công ty Thuận Lợi (bà Kim Oanh chỉ định) ký hợp đồng hứa mua hứa bán 100% vốn góp tại Công ty Tân Phú với giá 350 tỷ đồng, Dương đã đứng ra nhận 20 tỷ đồng đặt cọc từ phía Thuận Lợi và nhận tổng cộng 220 tỷ đồng do Âu Lạc chuyển đến tài khoản sau khi công ty được phía bà Kim Oanh thanh toán tiền...
Ngoài quan hệ nêu trên, giữa Dương và Bà Kim Oanh còn có quan hệ vay, mượn tiền của nhau.
Đặc biệt, Dương không thừa nhận việc góp vốn vào Công ty Âu Lạc mà chỉ nhận là người giới thiệu - "tư vấn pháp lý" cho phía Âu Lạc trong quan hệ với Tổng Công ty 3/2 và Công ty Thuận Lợi chứ không điều hành Công ty Âu Lạc.
Tuy nhiên, Nguyễn Quốc Hùng, bà Kim Oanh và những người có liên quan khác đều khai Nguyễn Đại Dương là người có vai trò chính trong quan hệ với phía Thuận Lợi. Bởi, chính Dương là người đứng ra đàm phán với bà Kim Oanh, nhận tiền đặt cọc từ Công ty Thuận Lợi và nhận phần lớn trong số tiền do phía bà Kim Oanh thanh toán cho Công ty Âu Lạc thông qua Hùng.