Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (15/3), khi giá dầu tiếp tục lao dốc, tuột khỏi mốc 100 USD/thùng, và một chỉ số lạm phát được công bố thấp hơn dự kiến...
Phiên “xanh đậm” này của giá cổ phiếu ở Phố Wall diễn ra khi các nhà giao dịch tiếp tục dõi theo cuộc đàm phán ngừng bắn ở Ukraine và những động thái phong toả chống dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc – diễn biến có thể gây đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, thị trường cũng đang chờ quyết định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào ngày thứ Tư, khi Fed được cho là sẽ có đợt nâng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2018.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 2,1%, đạt 4.262,45 điểm, còn thấp hơn 11% so với kỷ lục mọi thời đại. Chỉ số Dow Jones tăng 599,1 điểm, tương đương tăng 1,8%, đạt 33.544,34 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,9%, đạt 12.948,62 điểm.
Chiến lược gia trưởng Sam Stovall của CFRA nói rằng mức độ biến động mạnh và gây hoang mang của thị trường đã khiến cho nhà đầu tư mệt mỏi và khao khát một đợt phục hồi.
“Thị trường đã giảm quá nhiều kể từ mức cao nhất mọi thời đại vào hôm 3/1, và mức độ biến động trong mỗi phiên giao dịch cũng quá lớn, nên không ai biết rồi các chỉ số sẽ đi về đâu”, ông Stovall phát biểu. “Điều khiến thị trường xanh hoàn toàn trong ngày hôm nay là bởi nhà đầu tư đã quá mệt với một đợt giảm kéo dài đến như vậy. Bởi thế, nếu như đây chỉ là một sự tăng điểm mang tính giải toả, thì tôi vẫn cho rằng sẽ có một đợt tăng”.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: CNBC.
Giá dầu tụt dốc và dữ liệu lạm phát yếu đều giữ vai trò chất xúc tác cho phiên này – ông Stovall nói thêm. Ngoài ra, nhà đầu tư còn chờ kết quả cuộc họp Fed, và ông Stovall nhấn mạnh rằng thị trường nhớ việc cổ phiếu thường có xu hướng tăng giá trong các tháng đầu tiên, thứ ba và thứ 12 sau mỗi đợt tăng lãi suất đầu tiên của một chu kỳ nâng lãi suất.
“Thị trường đã kỳ vọng có 7 lần nâng lãi suất trong năm nay. Với sự bán tháo đang diễn ra trên thị trường hàng hoá cơ bản, nỗi lo lạm phát có giảm xuống một chút, và nếu thực tế đúng là như vậy, thì theo lẽ tự nhiên, nhà đầu tư sẽ nghiêng về những nhóm cổ phiếu có mức độ tăng trưởng cao hơn”, chuyên gia Julian Emanuel của Evercore ISI nhận định.
Cổ phiếu công nghệ dẫn đầu phiên tăng này, sau khi là nhóm giảm mạnh nhất trong thời gian gần đây. Microsoft và Netflix tăng 3,8% mỗi cổ phiếu; Oracle tăng 4,5%; Nvidia tăng 7,7%; AMD tăng 6,9%...
Cổ phiếu hàng không cũng tăng mạnh khi một số hãng tăng triển vọng doanh thu. United Airliné và American Airlines tăng hơn 9% mỗi cổ phiếu; Delta tăng 8,7%...
Trong khi đó, giá dầu sụt giảm gây áp lực giảm mạnh lên cổ phiếu năng lượng. Chevron và Exxon giảm khoảng 5% mỗi cổ phiếu.
Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York giảm 6,38%, chốt ở 96,44 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI giảm còn 93,53 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 6,54%, còn 99,91 USD/thùng. Trong phiên, giá dầu Brent có lúc giảm còn 97,44 USD/thùng.
Trước đó, giá dầu WTI và Brent đã giảm tương ứng 5,78% và 5,12% trong phiên ngày thứ Hai.
Mới tuần trước, giá dầu Brent lên gần 140 USD/thùng và giá dầu WTI vượt 130 USD/thùng, cao nhất kể từ 2008. Nếu so với đỉnh này, giá của cả hai loại dầu hiện đã giảm khoảng 27%.
Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại thị trường London trong 1 tháng trở lại đây. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: TradingView.
“Mối lo về tăng trưởng giảm tốc, đợt tăng lãi suất của Fed trong tuần này, và hy vọng về tiến trình đàm phán Nga-Ukraine đang gây áp lực giảm lên giá dầu”, nhà phân tích cấp cao Jefferey Halley thuộc Oanda nhận xét.
“Giải pháp tốt nhất cho giá cao chính là giá cao. Điều này có vẻ đang đúng hơn bao giờ hết”, ông Halley nói thêm, và cho rằng giá dầu đã qua đỉnh rồi.
Đến nay, Mỹ và Canada đã tuyên bố cấm nhập năng lượng từ Nga, nhưng châu Âu chưa có hành động tương tự. Điều này giúp giải toả tâm lý lo sợ trước đó trên thị trường.
“Thị trường đã giao dịch dựa trên nỗi sợ hãi. Giờ đây, tình hình thay đổi, và thị trường lại giao dịch dựa trên hy vọng”, nhà giao dịch cấp cao Rebecca Babin của CIBC Private Wealth US nhận định.
Lúc đầu, sau khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga vừa được công bố, thị trường e dè với dầu Nga vì sợ “dính” trừng phạt. Tuy nhiên, trong mấy ngày gần đây, giới chuyên gia cho biết dầu Nga đã được giao dịch sôi động trở lại, với một trong những khách mua lớn là Ấn Độ.
Ngoài ra, việc một số địa phương Trung Quốc phong toả để chống Covid cũng gây áp lực giảm giá dầu, vì Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó, nếu Mỹ và Iran đạt thoả thuận hạt nhân, nguồn cung dầu từ Iran ra thị trường sẽ tăng. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 15/3 cho biết Nga ủng hộ việc đạt thoả thuận.
Giá năng lượng tăng cao trong tháng 2 đã khiến chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng tăng kỷ lục 0,8% so với tháng 1 và tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, một tin tốt là mức tăng so với tháng 1 thấp hơn mức dự báo tăng 0,9% mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Vòng đàm phán thứ năm giữa Nga và Ukraine diễn ra vào ngày thứ Ba, trong lúc giao tranh vẫn diễn ra ác liệt ở Kyiv. Bên cạnh đó, Nga đang gần tới hạn phải thanh toán một số khoản nợ và đứng trước nguy cơ vỡ nợ do không thể tiếp cận với phần lớn dự trữ ngoại hối.