Tập đoàn FPT sẽ có hàng loạt thay đổi nhân sự trong Hội đồng quản trị trong thời gian tới. Nhưng, liệu sẽ có sự thay đổi nào trong chiến lược dài hạn của doanh nghiệp?
Những thay đổi nhân sự…
Để chuẩn bị cho Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 sẽ được tổ chức vào ngày 7/4, Công ty Cổ phần
FPT đã công bố tài liệu họp. Đáng chú ý, tập đoàn CNTT – TT hàng đầu Việt Nam sẽ có hàng loạt thay đổi nhân sự trong HĐQT.
Cụ thể, có tới 3/7 thành viên sẽ rời HĐQT của
FPT, chỉ còn lại 3 “khai quốc công thần” kỳ cựu là ông Trương Gia Bình, ông Bùi Quang Ngọc và ông Đỗ Cao Bảo, cùng với ông Jean Charles Belliol.
Theo danh sách được công bố từ Tập đoàn, những cái tên sẽ rời HĐQT
FPT gồm ông Lê Song Lai, ông Tomokazu Hamaguchi và ông Dan E Khoo. Trong khi những gương mặt mới được đề xuất tham gia Hội đồng quản trị
FPT gồm ông Hiroshi Yokotsuka, ông Hamparur Rangadore Binod và bà Trần Thị Hồng Lĩnh.
Ông Hiroshi Yokotsuka sinh, Nhật Bản, người đã thực hiện cuộc cải cách toàn diện về công nghệ thông tin cho Tokio Marine & Nichido Fire Insurance nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung bằng dự án tái cấu trúc quy mô lớn giai đoạn 2004-2009.
Ông từng là Chủ tịch Hiệp hội CNTT Nhật Bản và là thành viên của một số ủy ban về chính sách CNTT của các cơ quan nhà nước Nhật Bản. Mặc dù sinh năm 1951, nhưng hiện ông vẫn đang tiếp tục với vai trò là Chủ tịch của CeFIL, một tổ chức phi lợi nhuận về thúc đẩy đổi mới sáng tạo có liên quan tới Liên đoàn Doanh thương Nhật Bản (Keidanren).
Trong khi ông Hamparur sinh năm 1962, Ấn Độ, người gia nhập Infosys từ thời kỳ đầu - công ty CNTT của Ấn Độ đứng thứ 4 thế giới, và có 28 năm làm việc tại tập đoàn này. Ông chính là người đảm bảo vận hành các chi nhánh của Infosys tại Ấn Độ và nước ngoài.
Là gương mặt trẻ nhất trong số 3 thành viên mới được đề cử vào HĐQT
FPT, bà Trần Thị Hồng Lĩnh (1979), đã có hơn 10 năm công tác trong lĩnh vực đầu tư và quản trị doanh nghiệp. Nhân sự mới của HĐQT
FPT hiện đang là Phó trưởng ban đầu tư 4 Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và là thành viên HĐQT, người đại diện vốn SCIC tại CTCP Thiết bị khí tượng thủy văn và môi trường Việt Nam (Hymetco).
Liệu có thay đổi chiến lược dài hạn?
Trên thực tế, HĐQT của doanh nghiệp là một nhóm các cá nhân được bầu hoặc bổ nhiệm để cung cấp chức năng lãnh đạo và giám sát tổ chức. Tất cả các công ty đại chúng bắt buộc phải có một HĐQT để đại diện cho các cổ đông. HĐQT đóng vai trò là hạt nhân của một loạt các tổ chức ở hầu hết mọi ngành và lĩnh vực, thuật ngữ trong ngành gọi là “The CEO's Boss”, nghĩa là ông chủ của các Giám đốc điều hành.
Trong mọi trường hợp, HĐQT đóng một chức năng lãnh đạo quan trọng trong việc định hình tương lai của một tổ chức và doanh nghiệp, đảm bảo sự thành công của tổ chức và doanh nghiệp, giữ cho tổ chức đó đi đúng hướng và tập trung vào sứ mệnh, mục tiêu của tổ chức.
Theo Giáo sư William Klepper của Trường đại học kinh doanh Columbia tại Mỹ đã từng viết trong cuốn sách “Reinventing the Company in the Digital Age”, hầu hết các công ty thay đổi bối cảnh quản trị công ty của họ khi phải đối mặt với sự suy thoái trong chu kỳ kinh doanh của họ.
Ông cho rằng, ban lãnh đạo các công ty bắt buộc phải liên tục đánh giá khả năng lãnh đạo và chiến lược của họ. Điều này giúp ích cho hội đồng quản trị và doanh nghiệp ở mọi giai đoạn của chu kỳ kinh doanh và có thể giúp điều chỉnh mối quan hệ giữa hội đồng quản trị và giám đốc điều hành.
Trong nghiên cứu điển hình về doanh nghiệp, ông đã từng đưa ra một số ví dụ về các công ty đã phải đối mặt với một thách thức đáng kể trong hoạt động kinh doanh của họ và sau đó họ bắt buộc phải thay đổi ban lãnh đạo tập đoàn. Trong đó, có thể nhìn thấy ở BP (British Petroleum vào năm 2011), HP (Hewlett – Packard năm 2012) và P&G (Procter & Gamble năm 2013) những sự thay đổi mạnh mẽ.
BP, sau thảm họa ở Vịnh Mexico, đã đặt ra câu hỏi về khả năng lãnh đạo bao gồm cả CEO và hội đồng quản trị, trong quản lý chiến lược tăng trưởng và hồ sơ rủi ro. Sau đó, họ đã cách chức CEO của mình và chọn một người trong cuộc. Còn với HP, sau ba đời CEO trong vòng bảy năm, công ty vẫn liên tiếp tụt hậu về doanh thu và lợi nhuận, ban lãnh đạo công ty đã phải tìm kiếm một người vực dậy doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn.
Đó là những trường hợp điển hình của các doanh nghiệp lớn bắt buộc phải thay đổi nhân sự cần thiết trong bối cảnh đối mặt với các khó khăn và thách thức, để tìm lại sự phát triển. Còn với Tập đoàn
FPT, có lẽ mọi thứ có sự khác biệt.
Theo như báo cáo của Tập đoàn,
FPT vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu dài hạn là trở thành doanh nghiệp kỹ thuật số và đứng trong top 50 nhà cung cấp giải pháp và dịch vụ DX end-to-end hàng đầu thế giới vào năm 2030.
Khi đánh giá và phân tích giá cổ phiếu
FPT 10 trong năm gần đây, người ta có thể dễ dàng nhận thấy giá trị cổ phiếu của họ vẫn liên tục tạo các đỉnh mới theo thời gian. Tuy nhiên, tốc độ và biên độ tăng trưởng khá đều và có phần “khiêm tốn” so với tầm vóc của một tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam.
Trong năm 2022,
FPT đặt mục tiêu doanh thu tăng 19% lên 42.420 tỷ đồng, trong đó doanh thu mảng công nghệ đạt 24.900 tỷ đồng, tăng 21,1%; doanh thu viễn thông đạt 14.560 tỷ đồng, tăng 14,8% và doanh thu giáo dục, đầu tư và khác đạt 2.960 tỷ đồng, tăng 32,5%. Kết quả,
FPT dự kiến lãi trước thuế 7.618 tỷ đồng, tăng trưởng 20,2%.
Với những thuận lợi khi sở hữu mũi nhọn CNTT, chuyển đổi số, chiến lược mà tập đoàn này lựa chọn có phần khác biệt khi nhấn mạnh vào yếu tố bền vững dài hạn. Và việc thay đổi nhân sự trong HĐQT của doanh nghiệp thời điểm này, có thể sẽ chỉ mang tính chất tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới mà không thay đổi về cơ bản định hướng chiến lược lâu dài.