• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
20 Tháng Giêng 2025 4:54:17 SA - Mở cửa
STB: Sacombank: Đã thu hồi gần 72.000 tỷ đồng nợ xấu, sớm chia cổ tức
Nguồn tin: Báo đầu tư | 22/03/2022 12:54:23 CH
ĐHĐCĐ Sacombank luôn thu hút sự quan tâm của thị trường tài chính, cổ đông, giới đầu tư, vì có rất nhiều điểm nóng được chất vấn.
 
Thu hồi gần 72.000 tỷ đồng nợ xấu sau 5 năm sáp nhập thêm SouthernBank
 
HĐQT Sacombank (STB) có thông báo đến cổ đông về ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền đề cử ứng viên dự kiến bầu làm thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022 - 2026 trong kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2022.
 
 
Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank ông Dương Công Minh trả lời chất vấn cổ đông tại kỳ đại hội thường niên năm 2021. 
 
Sacombank dự kiến tiến hành ĐHĐCĐ vào ngày 22/4 tới tại TP.HCM. Theo đó, HĐQT Sacombank đã thông báo ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 20/1/2022 và ngày đăng ký cuối cùng tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 là ngày 21/1/2022.
 
Đáng chú ý, trong năm nay cổ đông kỳ vọng ngân hàng xử lý cục nợ xấu từ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) khi có kế hoạch chuẩn bị bán cho nhà đầu tư nước ngoài sau khi kết thúc giai đoạn tái cấu trúc, xử lý nợ xấu.
 
Kết thúc năm 2021, Sacombank đạt hơn 4.400 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước, vượt 10% kế hoạch cả năm. Nợ xấu cuối năm cải thiện so với đầu năm qua từ 1,7% xuống còn 1,47%. Tổng nợ xấu của ngân hàng đến cuối năm chỉ còn 5.721 tỷ đồng.
 
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho hay, kể từ thời điểm tôi đảm nhận vị trí Tổng giám đốc (tháng 7/2017), Sacombank phải đối diện với những khó khăn chồng chất.
 
Từ một ngân hàng có năng lực tài chính tốt và phát triển ổn định, sau khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, Sacombank phải đối diện với gần 97.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, chiếm 30% tổng tài sản.
 
Nhưng sau 5 năm, Sacombank có tốc độ xử lý nợ xấu rất tích cực. Ngân hàng đã thu hồi gần 72.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó khoảng 60.000 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án, đạt gần 70% kế hoạch tổng thể.
 
Tỷ lệ tài sản tồn đọng giảm xuống dưới mức 10,5% trên tổng dư nợ cho vay. Sacombank kéo giảm tỷ lệ nợ xấu đầu năm 2017 từ 6,68% tổng nợ theo Thông tư 02/2012/TT-NHNN xuống còn 1,35%. Nợ xấu nội bảng năm 2017 hơn 9.400 tỷ đồng thì đến năm 2021 đã giảm gần một nửa xuống còn hơn 5.000 tỷ đồng.
 
Tổng giám đốc Sacombank cho biết, hiện Ngân hàng chỉ còn một phần nhỏ nữa thôi là hoàn thành tái cơ cấu. Các tài sản đảm bảo ở Sacombank đều có chất lượng tốt, vị trí đẹp.
 
Do đó, bà Diễm tin rằng, Sacombank có thể hoàn thành sớm hạng mục này trong tương lai, nhất là khi thị trường bất động sản nói chung đang nhận được sự quan tâm đầu tư và sự tích cực hợp tác từ các nhóm khách hàng có liên quan.
 
Mới đây, Công ty Đấu giá hợp danh Toàn Cầu Group vừa thông báo sẽ tổ chức bán đấu giá 18 khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản tại Dự án Khu công nghiệp Phong Phú vào ngày 8/4 tới.
 
Tổng giá trị các khoản nợ tính đến ngày 31/12/2021 là 16.196 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng và lãi tồn đọng là hơn 11.061 tỷ đồng. Mức giá rao bán khởi điểm ngân hàng đưa ra là 14.577 tỷ đồng.
 
Đây là các khoản nợ phát sinh tại Sacombank và đã được bán nợ cho VAMC. Sau đó, VAMC ủy quyền cho Sacombank bán các khoản nợ này theo quy định. 
 
Tài sản đảm bảo của khoản nợ là Quyền tài sản phát sinh từ toàn bộ lợi ích thu được từ quyền sử dụng đất đã đền bù thuộc Dự án Khu công nghiệp Phong Phú, tọa lạc tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
 
Sẽ bán 32,5% cổ phần cho nhà đầu tư ngoại và cơ hội nới room lên 49%?
 
Trong gần 5 năm qua, kể từ khi ông Dương Công Minh chính thức ngồi ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT Sacombank đến nay, Ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu theo Đề án tái cơ cấu.
 
Nhưng điểm nóng được cổ đông, nhà đầu tư quan tâm trước thềm ĐHĐCĐ Sacombank là về khả năng Ngân hàng sẽ bán 32,5% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sau hoàn tất tái cơ cấu trong năm 2022.
 
Theo Chủ tịch HĐQT Sacombank, sau khi hoàn thành việc tái cơ cấu, xử lý nợ xấu trong năm 2022, ngân hàng dự kiến bán 32,5% vốn cổ phần cho hai đối tác nước ngoài.
 
Tuy nhiên, việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài của Sacombank  phải được sự đồng ý của Chính phủ và đại diện của số cổ phần này là VAMC.
 
 
Sacombank được ví như một ''cô gái đẹp'' và khi xử lý xong những ''vết sẹo'' trong quá khứ, cổ phiếu STB bắt đầu thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư.
 
Ông Minh cho biết, Sacombank đang xin cơ chế để mua lại khoản 32,5% vốn cổ phần mà VAMC đang quản lý. Sau khi tất toán trái phiếu đặc biệt VAMC thì Ngân hàng sẽ đưa về để bán đấu giá.
 
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 của Sacombank, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC cũng cho biết, trong tổng số khoản nợ Sacombank còn tồn đọng mà VAMC quản lý mới chỉ xử lý được một nửa.
 
Một nửa còn lại có xấp xỉ 10.000 là cổ phiếu của ông Trầm Bê cần xử lý thì VAMC đã trình ban lãnh đạo, Chính phủ và NHNN. Dự kiến nửa đầu 2022 sẽ có trả lời chính thức về hướng xử lý khoản nợ xấu này.
 
Theo Chủ tịch VAMC, sau khi số cổ phiếu STB của ông Trầm Bê được xử lý sẽ tốt cho Sacombank hơn so với hiện tại. Người mua cũng sẽ đưa “tiền tươi thóc thật” vào để tái cơ cấu và chăm chút cho Sacombank cũng đẩy mạnh phát triển.
 
Trong khi đó, người đứng đầu Sacombank khẳng định, sau khi xử lý, ông chủ thực sự của số cổ phần trên sẽ xuất hiện, đồng thời sẽ chăm lo cho Ngân hàng tương tự như ông đang chăm lo cho Sacombank phát triển hiện nay. 
 
Mới đây, trong báo cáo chiến lược năm 2022, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho hay, quy định về trần sở hữu nước ngoài tối đa dẫn đến việc khó tăng room ngoại cho tất cả ngân hàng trong hệ thống.
 
Nhưng trong đó, Sacombank là ứng viên sáng giá được nới room ngoại lên 49% theo Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA).
 
Theo nhóm phân tích, trần sở hữu nước ngoài tối đa đối với các ngân hàng Việt Nam không có thay đổi so với năm 2021. EVFTA quy định trong 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực (ngày 01/08/2020), Việt Nam đã cam kết xem xét cho phép 2 tổ chức tín dụng châu Âu được phép sở hữu tới 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng Việt Nam.
 
Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ không áp dụng đối với các ngân hàng thương mại nhà nước như: BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank. Vì thế, VCSC cho rằng, ứng cử viên rõ ràng nhất cho cam kết EVFTA này là Sacombank vì hiện tại 32,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng được giữ làm tài sản thế chấp cho một khoản nợ không thanh toán được đã được chuyển nhượng cho VAMC.
 
“Việc bán 32,5% trong một lần đem lại giá trị cao nhất cho VAMC và do số cổ phần này vượt quá ngưỡng tối đa 30% (đang áp dụng cho các ngân hàng), nên việc bán sẽ phải được thực hiện theo một miễn trừ đặc biệt như EVFTA”, VCSC nhấn mạnh.
 
Chứng khoán MB đánh giá, việc xử lý được khối tài sản này sẽ có tác động tích cực lên giá cổ phiếu của ngân hàng trên thị trường.
 
Ngoài ra, việc tất toán toàn bộ khoản trái phiếu VAMC này cũng giúp Sacombank giảm được các áp lực trích lập dự phòng đồng thời sẽ có nhiều cơ sở để nhận được hạn mức tín dụng cao hơn trong tương lai.
 
Ngày 8/3/2022, Dragon Capital thông qua Vietnam Enterprise Investment Limited đã mua vào 1,25 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu từ 93,9 triệu cổ phiếu lên 95,2 triệu cổ phiếu, tương đương 5,05% vốn cổ phần ngân hàng.
 
Trong các quỹ thành viên của Dragon Capital, Norges Bank là đơn vị nắm giữ nhiều cổ phiếu STB nhất, với số lượng gần 18 triệu đơn vị. Tiếp theo là Amersham Industries Limited (15,9 triệu cp) và Vietnam Enterprise Investments Limited (15,7 triệu cổ phiếu). 
 
Được biết, hiện nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hơn 360 triệu cổ phiếu STB, tương đương 19,12% cổ phần ngân hàng. Ngân hàng chốt room ngoại ở mức tối đa 30%.
 
Trong thời gian qua, STB là một trong những cổ phiếu được khối ngoại mua vào nhiều nhất. STB cũng dẫn đầu về thanh khoản trong nhóm cổ phiếu ngân hàng trong những tháng trở lại đây.
 
Chính các yếu tố trên đã tác động tích cực lên cổ phiếu STB của Sacombank trong gần 1 năm qua, với mức tăng gần gấp đôi và đang giao dịch quanh mức 33.100 đồng/cổ phiếu chốt phiên ngày 21/3, nhiều thời điểm lội ngược dòng khi cổ phiếu “vua” giảm. 
 
Theo bà Nguyễn Hằng Nga, Phó tổng giám đốc Quỹ đầu tư Vietcombank, Sacombank được ví như một ''cô gái xinh đẹp'', nhưng sở hữu một số vấn đề trong quá khứ.
 
Và khi hiện tại đã xử lý gần xong những ''vết sẹo'', cổ phiếu STB của Sacombank bắt đầu thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư.
 
Tuy nhiên, có một vấn đề khác luôn được cổ đông, nhà đầu tư quan tâm chất vấn trong các mùa đại hội Sacombank đó là về vấn đề cổ tức.
 
Dù lợi nhuận vượt chỉ tiêu đưa ra hàng năm, song cổ đông của ngân hàng này cũng chưa thể kỳ vọng cổ tức cho đến khi Sacombank hoàn tất tái cơ cấu.
 
Năm 2021, Sacombank tiếp tục giữ lại lợi nhuận lũy kế 6.496 tỷ đồng và không chia cổ tức, dù trước ĐHĐCĐ thường niên 2021, HĐQT Ngân hàng đã có tờ trình xin NHNN được chia cổ tức, nhưng đã được không được chấp thuận.
 
HĐQT Sacombank cho biết, Ngân hàng tiếp tục thực hiện theo Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt theo Quyết định số 34/QĐ-NHNN ngày 22/5/2017 nên cần tập trung mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu, trích dự phòng.
 
Trước mong mỏi của cổ đông về cổ tức, ông Dương Công Minh cho hay, lãnh đạo ngân hàng cũng muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, vì giá cổ phiếu đang rất tốt, nhưng vẫn phải chờ Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và quá trình tái cơ cấu thành công.
 
“Dự kiến, đến năm 2022 hoặc đầu năm 2023, Ngân hàng có thể chia cổ tức. Bản chất vấn đề là tái cơ cấu, khi tái cơ cấu thành công mới xử lý các vấn đề khác như chia cổ tức, bán cổ phần cho cổ đông chiến lược”, người đứng đầu Sacombank chia sẻ.