Nhiều ý kiến cho rằng, trong năm nay, ngành xây dựng - bất động sản phải đối phó với khó khăn kép: Chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 và chống đỡ với cơn bão giá vật liệu tăng cao. Do đó, giá bất động sản dự kiến cũng bị đẩy lên...
Theo thông tin từ Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, thời gian qua, không chỉ sắt thép tăng đến 40% mà gần như tất cả các loại vật liệu xi măng, cát, đá, nhôm, kính… đều “leo thang”. Những biến động về giá vật liệu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả sản xuất kinh doanh của các nhà thầu xây dựng. Trong tình trạng hiện nay, nhiều nhà thầu vừa khó tìm việc, nhưng thậm chí lại không dám nhận việc vì không có khả năng và biện pháp gì đối phó với bão giá tăng. Giá vật liệu tăng cũng đẩy giá bất động sản lên cao.
Ảnh minh hoạ
NỀN KINH TẾ VẪN ĐỐI MẶT VỚI NHIỀU RỦI RO
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá: dù có rất nhiều động lực nhưng trong năm 2022, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những rủi ro, thách thức: Giá xăng dầu được dự báo sẽ tăng bình quân 30 - 40% so với năm trước; giá cả, lạm phát tăng nhanh, xói mòn đầu tư, tiêu dùng; ngân hàng trung ương ở vào thế tiến thoái lưỡng nan; thay đổi cục diện, thay đổi ưu tiên, chiến lược quốc gia; và nhiều vấn đề xã hội phát sinh…
“Năm nay, lĩnh vực bất động sản phải đối mặt với nhiều thách thức: Lạm phát tăng, giá năng lượng, nguyên vật liệu tăng nhanh (trong 2 tháng đầu năm tăng 2%); Chính phủ chỉ đạo kiểm soát, rà soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp (sửa đổi Nghị định 153); các cuộc đấu giá đất đã tạo ra một mặt bằng không lành mạnh cùng với nguồn cung chưa dồi dào khiến giá bất động sản vẫn tăng”, ông Lực nhìn nhận.
Cũng nói về điều này, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh miền Bắc phân tích: Trong cơ cấu giá chung cư hiện nay, tiền đất chỉ chiếm 25%; 75% còn lại là chi phí cho vật liệu xây dựng, bao gồm cả vật liệu hoàn thiện. Hiện, giá vận chuyển, giá sắt thép, xi măng đều tăng mạnh, đặc biệt, giá vật liệu hoàn thiện cũng tăng cao.
Từ đó khiến giá chung cư bị đội lên rất nhiều. Tại nhiều dự án nhà ở đang triển khai, các chủ đầu tư phải điều chỉnh tăng giá bán. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư bất động sản lại không hề giảm mà còn tăng mạnh. Tại các dự án Đất Xanh miền Bắc đang phân phối, lượng giao dịch thành công tăng 30 – 40% so với năm trước. Như vậy, có thể thấy, trong năm nay, bên cạnh ảnh hưởng từ chiến tranh, thì lạm phát đã và đang tác động mạnh đến giá bán bất động sản.
"MA TRẬN" THỦ TỤC LÀM HẠN CHẾ NGUỒN CUNG
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản, ngay từ đầu năm 2022, mặc dù diễn biến dịch vẫn phức tạp nhưng thị trường hừng hực khí thế ở mọi vùng miền. Các giao dịch nhà, đất khá sôi động, các doanh nghiệp cũng rất hưng phấn. Tuy nhiên, trong năm 2022, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều khủng hoảng, trong đó có việc lạm phát đẩy giá bất động sản tăng cao.
Không chỉ có thế, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invets cho rằng, ngoài lạm phát, “ma trận” các thủ tục bất động sản làm cho tốc độ triển khai các dự án bất động sản bị hạn chế rất lớn, làm ảnh hưởng tới giá bán và tới tốc độ phát triển chung của cả nền kinh tế. Hiện nay Quốc hội, Chính phủ cũng đã nhìn thấy rõ vấn đề này, tuy nhiên để tháo gỡ được “ma trận” thủ tục có hiệu quả không phải vấn đề làm được một sớm, một chiều.
Theo ông Hiệp, trước mắt cần điều chỉnh sớm Nghị định 30 về Luật Nhà ở 2014 quy định cho phép chuyển đổi đất khác sang dự án nhà ở đô thị (bỏ điều kiện phải có một phần đất ở trong diện tích đó, mặc dù nằm trong quy hoạch được duyệt là nhà ở) để tháo gỡ cho hơn 400 dự án ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang bị ách tắc.
Đồng thời nhanh chóng chỉnh sửa Luật Đất đai, đơn giản hóa các thủ tục, các bước trong việc đền bù giải phóng mặt bằng. Trong đó cần làm rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền đối với việc giải phóng mặt bằng cũng như làm rõ cho người dân hiểu được quyền hạn, trách nhiệm của người thuê đất của Nhà nước để tránh các khiếu kiện phức tạp.
Vấn đề đấu thầu, đấu giá dự án có sử dụng đất cũng cần xem xét, điều chỉnh tách bạch thành một chương riêng trong Luật Đấu thầu hoặc tách thành một luật riêng nhằm đi vào thực chất công bằng, bình đẳng, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư sử dụng đất hợp pháp khi chuyển đổi… Ông Hiệp cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh hợp lý những quy định về chế độ tín dụng cho bất động sản.
Về phía các doanh nghiệp, nhiều chuyên gia khuyến cáo: để tạo lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp cần đưa ra những giải pháp kích cầu bất động sản đột phá trong bối cảnh nguồn thu của khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và lạm phát…