Nhiều dự báo cho thấy giá dầu có thể tiếp tục leo thang lên các mức “không tưởng”, trở thành đòn bẩy tâm lý giúp nhóm cổ phiếu Dầu khí bùng nổ giữa lúc thị trường đỏ lửa.
Cổ phiếu Dầu khí bùng nổ theo giá dầu
Căng thẳng xung đột Nga – Ukraine tiếp tục leo thang tiếp tục phủ bóng đen lên chứng khoán toàn cầu, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, nhóm Dầu khí vẫn là điểm sáng đi ngược thị trường, thu hút khá tốt dòng tiền.
Một loạt cổ phiếu như GAS,
PLX,
BSR,
OIL, PVT, PGD,... đồng loạt tăng mạnh, thậm chí PVB, PVC,
PVD, PXS, CNG,... còn tím lịm trong phiên sáng 7/3.
Cổ phiếu Dầu khí "bùng nổ" phiên sáng 7/3
Rõ ràng, giá dầu thế giới dựng đứng là một trong những yếu tố hỗ trợ tích cực cho diễn biến của nhóm cổ phiếu Dầu khí. Cuối tuần qua, Nga đã thông báo đóng van Đường ống Yamal-Europe, cắt đứt nguồn cung 40% khí đốt cho Châu Âu. Hợp đồng tương lai dầu Brent ngay lập tức đã tăng vọt và có thời điểm vượt ngưỡng 130 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 7/2008.
Theo báo cáo ngày 03/3 của JPMorgan Chase, trong kịch bản cực đoan, dầu Brent có thể khép lại năm 2022 ở mức 185 USD/thùng nếu nguồn cung của Nga tiếp tục bị gián đoạn.
Các chuyên viên phân tích tại JPMorgan cho biết khoảng 66% dầu của Nga đang chật vật tìm kiếm người mua. Trong ngắn hạn, tác động từ cú sốc nguồn cung là quá lớn và giá dầu có thể cần duy trì ở mức 120 USD/thùng trong nhiều tháng để khiến nhu cầu giảm bớt cùng giả định các thùng dầu của Iran sẽ không sớm trở lại thị trường.
JPMorgan tin rằng khi các lệnh trừng phạt mở rộng và quá trình chuyển đổi sang an ninh năng lượng trở thành ưu tiên, việc bán dầu của Nga sang châu Âu và Mỹ có thể chịu tác động, ước tính lên tới 4,3 triệu thùng/ngày.
Thậm chí, theo Westbeck Capital Management - quỹ phòng hộ năng lượng có trụ sở tại London, sự suy giảm kéo dài đối với xuất khẩu dầu của Nga cùng với nhu cầu lao dốc có thể sẽ đẩy giá dầu lên khoảng 150-175 USD/thùng, thậm chí có thể vượt quá 200 USD - gần gấp đôi mức giá hiện tại.
MỨC ĐỘ TÁC ĐỘNG KHÁC NHAU
Không thể phủ nhận, biến động giá dầu thế giới có tác động tâm lý rất lớn đến diễn biến nhóm cổ phiếu Dầu khí trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh khác nhau, thậm chí không phải doanh nghiệp Dầu khí nào cũng được hưởng lợi trực tiếp trong ngắn hạn.
Theo báo cáo của SSI Research, biến động giá dầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến PV GAS (mã GAS) như tăng/giảm doanh thu, biên lợi nhuận và nhu cầu khí khô từ nhà máy điện do giá điện khí ở mức cao.
Tương tự, tăng/giảm doanh thu và lãi/lỗ hàng tồn kho của Petrolimex (mã
PLX), PV
OIL (mã
OIL) hay tăng/giảm biên lợi nhuận lọc hóa dầu, lãi/lỗ hàng tồn kho của Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã
BSR) đều có mức độ tương quan rất cao với giá dầu.
Mặt khác, với các công ty Dầu khí thượng nguồn (upstream) như PV Drillings (mã
PVD) và PTSC (mã PVS), giá dầu không ảnh hưởng ngay đến lợi nhuận ròng của công ty trong ngắn hạn do các công ty này dựa và các dự án, mang tính chất dài hạn hơn.
Tuy nhiên, SSI Research cho rằng mảng khoan của
PVD hồi phục từ quý 2/2021 và dự kiến sẽ ghi nhận lợi nhuận từ 2022 nhờ hiệu suất sử dụng và giá thuê tăng. Giá dầu duy trì tích cực sẽ giúp đẩy mạnh các hoạt động đầu tư thăm dò khai thác, đặc biệt là việc triển khai các dự án lớn, giúp đem lại khối lượng công việc tiềm năng cho
PVD, PVS trong dài hạn.
Ngoài ra, đối với các công ty sử dụng khí làm nguyên liệu đầu vào như Điện khí, Đạm, giá dầu tăng sẽ làm tăng giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, các công ty đạm vẫn có khả năng tăng giá bán do nguồn cung tại Trung Quốc vẫn còn hạn chế.
Trong khi đó, giá khí tăng có thể chuyển ngang 1 phần vào sản lượng hợp đồng PPA với tỷ lệ sản lượng hợp đồng năm 2022 là 80% theo kế hoạch của EVN/A0. Tuy nhiên giá khí cao sẽ làm các nhà máy điện khí kém cạnh tranh hơn và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phần sản lượng chào bán trên thị trường điện cạnh tranh.
Những nguyên nhân này có thể phần nào lý giải tại sao cổ phiếu PV Power (mã
POW) lại “lình xình” trong khi bộ đôi cổ phiếu Đạm Phú Mỹ (mã
DPM) và Đạm Cà Mau (mã
DCM) lại liên tục tăng nóng gần đây.