Chất lượng báo cáo tài chính và thông tin tài chính của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán đã có sự cải thiện tích cực. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn tồn tại không ít những “hạt sạn” ảnh hưởng chất lượng phát triển của thị trường. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng công bố thông tin báo cáo tài chính sẽ góp phần cải thiện niềm tin của nhà đầu tư trong, ngoài nước đối với tính minh bạch trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Xung quanh vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với chuyên gia độc lập về kiểm toán Phan Lê Thành Long.
PV: Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, cũng như xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp có nhiều sai sót, chậm trễ về công bố thông tin tài chính, cũng như các doanh nghiệp kiểm toán trên thị trường chứng khoán (TTCK). Ông đánh giá thế nào về động thái này từ cơ quan quản lý?
Ông Phan Lê Thành Long: Tôi cho rằng, chỉ đạo của Bộ Tài chính về tăng cường kiểm tra, giám sát, cũng như xử lý vi phạm đã phát đi thông điệp rất rõ ràng cho TTCK về cam kết nâng cao chất lượng công bố thông tin báo cáo tài chính (BCTC), đảm bảo cải thiện niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với tính minh bạch trên thị trường. Điều này rất cần thiết trong lộ trình nâng hạng TTCK Việt Nam lên hạng mới nổi.
Ông Phan Lê Thành Long
Bên cạnh đó, thông điệp và cam kết nâng cao chất lượng BCTC cũng sẽ góp phần giảm những hành vi thao túng BCTC có chủ đích, nâng cao vai trò và trách nhiệm của các công ty kiểm toán trong việc tuân thủ các chuẩn mực và quy định hiện hành khi kiểm toán BCTC doanh nghiệp niêm yết.
PV: Không thể phủ nhận là chất lượng BCTC, công bố thông tin tài chính của các doanh nghiệp trên sàn đã có sự cải thiện tương đối rõ nét. Tuy nhiên, thực tế vẫn có không ít “hạt sạn”, khiến nhà đầu tư, thậm chí cơ quan quản lý cũng ngỡ ngàng. Qua quan sát thực tiễn, ông có bình luận gì?
Ông Phan Lê Thành Long: Công bố thông tin trên BCTC là một phần quan trọng trong trách nhiệm giải trình của hội đồng quản trị và ban giám đốc doanh nghiệp niêm yết trước cổ đông và các bên có lợi ích liên quan trong cấu trúc quản trị công ty. Nhìn chung, tôi nhận thấy các doanh nghiệp niêm yết đã nhận thức được vai trò của minh bạch thông tin tài chính trong việc giúp cho họ tiếp cận thị trường tài chính và huy động vốn có thặng dư tốt hơn và chi phí vốn thấp hơn.
Cùng với sự phát triển của TTCK, chất lượng quản trị công ty ngày càng được cải thiện, theo đó chất lượng BCTC và công bố thông tin tài chính của các doanh nghiệp niêm yết đã tốt hơn rất nhiều so với những năm trước đây. Tuy nhiên, gần đây vẫn còn tồn tại những sai sót trọng yếu phải điều chỉnh hoặc hồi tố BCTC nhiều năm trước, mặc dù những BCTC đã được kiểm toán. Điều đó đã gây nhiều ý kiến trái chiều trên TTCK, ảnh hưởng đến niềm tin của không chỉ nhà đầu tư trong nước mà còn đối với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt các quỹ đầu tư lớn nước ngoài muốn phân bổ vốn vào thị trường Việt Nam.
PV: Thực tế cũng chỉ ra, có những BCTC đã được kiểm toán, nhưng vẫn có những “kẽ hở” để thông tin, con số thiếu trung thực lọt qua. Theo ông, vai trò của các đơn vị kiểm toán trong vấn đề chất lượng BCTC là gì?
Ông Phan Lê Thành Long: Trước hết, chúng ta phải hiểu rằng, theo chuẩn mực kế toán và kiểm toán hiện hành, trách nhiệm lập BCTC một cách trung thực và hợp lý thuộc về ban giám đốc doanh nghiệp niêm yết. Công ty kiểm toán có trách nhiệm đưa ra ý kiến về BCTC mà doanh nghiệp lập dựa trên kết quả cuộc kiểm toán. Theo đó, sai sót trên BCTC phải điều chỉnh hoặc hồi tố thì cần phải xem xét trách nhiệm của ban giám đốc doanh nghiệp niêm yết, sau đó xem xét ý kiến của kiểm toán đưa ra trên báo cáo kiểm toán bị điều chỉnh hoặc hồi tố có phù hợp hay không.
Tôi cho rằng, những “hạt sạn” trong BCTC trên TTCK nếu có là do những hạn chế vốn có của công việc kiểm toán là khả năng tiếp cận thông tin, cũng như sự chưa hoàn thiện của các hệ thống chuẩn mực kế toán và kiểm toán Việt Nam thay vì có sự “bắt tay”.
Để nâng cao chất lượng BCTC doanh nghiệp niêm yết, các công ty kiểm toán đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp sự đảm bảo thông qua việc nâng cao tính độc lập trong kiểm toán, cải thiện chất lượng đội ngũ nhân sự. Hiện nay các công ty kiểm toán cũng đang đóng góp vào việc chuyển đổi và áp dụng các chuẩn mực quốc tế, theo đề án được Bộ Tài chính phê duyệt.
PV: Là một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán, ông có đề xuất, khuyến nghị gì đối với cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, các đơn vị kiểm toán và cả nhà đầu tư, để nâng cao chất lượng BCTC trên TTCK, từ đó thúc đẩy thị trường phát triển bền vững?
Ông Phan Lê Thành Long: Với mục tiêu nâng cao tính minh bạch thông tin BCTC, thực hiện trách nhiệm giải trình của các doanh nghiệp niêm yết hỗ trợ TTCK phát triển bền vững, tôi cho rằng một số lĩnh vực sau có thể cải thiện.
Thứ nhất, chuyển đổi và áp dụng các chuẩn mực BCTC quốc tế đối với việc lập BCTC của các doanh nghiệp niêm yết.
Thứ hai, tạo cơ chế làm việc độc lập giữa công ty kiểm toán và doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt cơ chế lựa chọn công ty kiểm toán và giám sát hoạt động kiểm toán của cổ đông.
Thứ ba, tăng cường cơ chế giám sát của cổ đông, của bộ phận giám sát hội đồng quản trị trong doanh nghiệp niêm yết đối với quy trình lập và kiểm toán BCTC.
Thứ tư, giám sát chất lượng kiểm toán và công bố thông tin về kết quả kiểm toán doanh nghiệp niêm yết.
Thứ năm, nâng cao nhận thức của nhà đầu tư đối với chất lượng BCTC và kiểm toán, nếu toàn thị trường có những hành động một cách đồng thuận đối với những trường hợp BCTC chất lượng kém, thì đó là cách giám sát và nâng cao chất lượng BCTC tốt nhất.
PV: Xin cảm ơn ông!
Gần đây vẫn còn tồn tại những sai sót trọng yếu phải điều chỉnh hoặc hồi tố báo cáo tài chính (BCTC) nhiều năm trước, mặc dù những BCTC đã được kiểm toán. Điều đó đã gây nhiều ý kiến trái chiều trên thị trường chứng khoán, ảnh hưởng đến niềm tin của không chỉ nhà đầu tư trong nước mà còn đối với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt các quỹ đầu tư lớn nước ngoài muốn phân bổ vốn vào thị trường Việt Nam.