Trong khi đặt kế hoạch doanh thu tăng từ 1,5-12,8%, Masan đặt chỉ tiêu lợi nhuận sụt giảm mạnh từ 15,9-31,7% cho năm 2022.
CTCP Tập đoàn Masan (mã
MSN) mới công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 dự kiến diễn ra vào ngày 28/4 tại TP.HCM.
HĐQT Masan dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu thuần từ 90.000-100.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.900 - 8.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty là 4.800-6.200 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2021, doanh thu thuần Masan đạt được là hơn 88.628 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm 2020 nhờ doanh thu hầu hết các mảng kinh doanh tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 10.101 tỷ đồng. Như vậy, mặc dù đặt mục tiêu doanh thu tăng từ 1,5%-12,8% nhưng lợi nhuận lại thụt lùi, giảm từ 15,9% - 31,7%.
HĐQT Masan dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu thuần từ 90.000-100.000 tỷ đồng (Ảnh minh hoạ)
HĐQT trình ĐHĐCĐ phương án chia cổ tức năm 2021 với mức chia 12% bằng tiền.
Tại báo cáo thường niên năm mới phát hành, Masan cho biết kế hoạch tăng trưởng doanh thu của Wincommerce lần lượt đạt 38.000-40.000 tỷ đồng, tăng trưởng từ 23-29% so với năm 2021. Dự kiến tăng số lượng siêu thị mini, cải tiến mô hình siêu thị và mở cửa hàng mới, làm việc với các nhà cung cấp và tăng đóng góp doanh thu sản phẩm tươi sống…
Năm 2022, The CrownX kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông trên cơ sở hợp nhất nhờ hiệu quả hoạt động tốt hơn tại WCM và MCH.
Masan Consumer Holdings (MCH) sẽ tiếp tục xây dựng nhiều thương hiệu cao cấp để đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bền vững. Ngành hàng thực phẩm (gia vị, cà phê, thực phẩm tiện lợi và thịt chế biến) sẽ tiếp tục tăng trưởng thông qua việc tập trung vào chiến lược cao cấp hoá, đổi mới và mở rộng danh mục sản phẩm. Ngành hàng đồ uống dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ từ năm 2022 trong giai đoạn sau COVID-19. MCH đặt mục tiêu doanh thu thuần khoảng 34.000 - 40.000 tỷ đồng vào năm 2022, tăng trưởng từ 18-39% so với năm 2021.
Masan MEATLife được kỳ vọng đạt doanh thu thuần hợp nhất trong khoảng 5.000-6.500 tỷ đồng, tăng từ 11- 45% (không bao gồm mảng thức ăn chăn nuôi).
Masan High-Tech Materials (MHT), năm 2022 dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng 14.500 - 15.000 tỷ đồng, tăng 7-11%. Bên cạnh đó, Ban Điều hành tiếp tục cam kết tối đa hóa số tiền thu được từ lượng đồng tồn kho được tích trữ trong suốt bốn năm qua.
Phát hành hơn 142 triệu cổ phiếu riêng lẻ và 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi
Masan có kế hoạch phát hành cổ phiếu mới theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với số lượng cổ phần dự kiến phát hành tối đa 0,5% tổng số cổ phần đang lưu hành của công ty, giá phát hành tương đương mệnh giá – 10.000 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số cố phiếu phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Masan Group có kế hoạch phát hành 142,37 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho không quá 99 nhà đầu tư chiến lược hoặc chứng khoán chuyên nghiệp. Mệnh giá là 10.000 đồng/cp, thời gian thực hiện là trong năm 2022 hoặc cho đến trước ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Giá chào bán sẽ không thấp hơn trị giá sổ sách theo BCTC hợp nhất đã được kiểm toán của công ty. Số cổ phiếu trên sẽ hạn chế chuyển nhượng 3 năm với nhà đầu tư chứng khoán đầu tư chiến lược và 1 năm với bên chứng khoán chuyên nghiệp. Tổng giá trị theo mệnh giá 1.423 tỷ đồng.
Masan Group cũng dự kiến phát hành 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi, không có bảo đảm và không kèm chứng quyền ra thị trường quốc tế. Giá dự kiến 100.000 USD/trái phiếu hoặc bội số của 1.000 USD, thời hạn 5 năm. Thời gian dự kiến phát hành là năm 2022 hoặc 2023 và được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Singapore.
Mục đích phát hành trái phiếu để thực hiện đầu tư dự án của công ty, góp vốn vào công ty con, bổ sung vốn cho các hoạt động và cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài. Masan dự kiến phát hành 5% số cổ phiếu đang lưu hành để chuyển đổi trái phiếu.