Vị chuyên gia cho rằng những phiên giao dịch kế tiếp nếu thị trường tiếp tục giảm, nhà đầu tư cũng không nên bán tháo. Thay vào đó, những nhịp giảm sâu tiếp theo là cơ hội để nhà đầu tư gom cổ phiếu "tránh bão" với giá tốt.
Phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ kết thúc trong tâm lý giao dịch nặng nề của nhà đầu tư. Lực bán dâng cao vào cuối phiên đã đẩy chỉ số giảm gần 27 điểm về mốc 1.455. Sắc đỏ phủ kín thị trường, áp lực bán tháo dồn dập cho thấy tâm lý hoang mang của nhà đầu tư. Như vậy, sau chuỗi bán mạnh trong 3 phiên liên tiếp, chỉ số giảm tới gần 70 điểm và là chuỗi phiên giảm sốc nhất kể từ đầu tháng 12 năm ngoái.
Theo giới chuyên gia, thị trường giảm sâu bởi áp lực tâm lý là chính, bởi trạng thái giảm hàng loạt với biên độ lớn như vậy chỉ có thể là do hành động của đám đông. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tâm lý tiêu cực đó là đến từ những tin đồn trên thị trường chứng khoán. Vậy nhà đầu tư cần hành động thế nào trong một thị trường tràn ngập tin đồn?
Đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, với diễn biến phiên 12/4, chỉ số VN-Index vẫn có thể tiếp tục xu hướng giảm và test lại vùng đáy tháng 3 với mốc 1.420 và 1.430 điểm. Tuy nhiên, ngưỡng hỗ trợ mạnh mẽ này có thể sẽ là bệ đỡ vững vàng cho chỉ số tiếp tục đi lên.
Do đó, vị chuyên gia cho rằng những phiên giao dịch kế tiếp nếu thị trường tiếp tục giảm, nhà đầu tư cũng không nên bán tháo. Thay vào đó, những nhịp giảm sâu tiếp theo là cơ hội để nhà đầu tư gom cổ phiếu cơ bản với giá tốt.
Phân tích sâu hơn, ông Nguyễn Thế Minh đánh giá thị trường năm nay có nhiều điểm tương đồng với năm 2019. Bởi khi đó chỉ số cũng biến động trong một xu hướng sideway lớn với biên độ -1%. Các điểm tương đồng được vị chuyên gia đưa ra (1)Thời điểm đó FED bắt đầu tung ra hàng loạt biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ (2) Bị ảnh hưởng bởi nhiều thông tin tiêu cực ngắn hạn (3) Sự tham gia dòng tiền yếu hơn tạo ra sự phân hoá mạnh giữa các nhóm cổ phiếu.
"Từ những điểm tương đồng đó, tôi cho rằng thị trường sẽ có sự phân hoá mạnh mẽ, song vẫn nhiều nhóm ngành có cơ hội bứt phá. Theo đó, những nhịp giảm sâu sẽ là cơ hội tốt để gom cổ phiếu ba nhóm ngành hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế là bán lẻ, thuỷ sản và dệt may. Những cổ phiếu này có triển vọng tốt, có khả năng giúp nhà đầu tư "tránh bão" trong bối cảnh thị trường biến động lớn. Bên cạnh đó, hai nhóm ngành chứng khoán và hoá chất theo tôi dự báo vẫn tiếp tục chu kỳ tăng trưởng tốt trong năm 2022", ông Nguyễn Thế Minh đánh giá.
Cũng bàn về những nhóm cổ phiếu có cơ hội tốt trong năm 2022, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đánh giá cao nhóm cổ phiếu Bán lẻ, Cảng biển, Dệt may và nhóm cổ phiếu phòng thủ sẽ được hưởng lợi từ quá trình phục hồi kinh tế… Bên cạnh đó, cơ hội cũng sẽ vẫn hoàn toàn để mở với nhóm Bất động sản, Đầu tư công…
Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh trong bối cảnh thị trường như hiện tại, việc mua ở giá nào cũng sẽ rất quan trọng, việc mua vào khi định sai thời điểm thị trường đều mang đến rủi ro lớn. Luôn sẵn sàng tâm lý quản trị rủi ro khi quyết định sai.
Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)
Đối với nhóm ngành ngân hàng, vị chuyên gia cho rằng sẽ là cực kỳ phân hóa, không thể quá tích cực và sẽ yếu dần đi sau mùa KQKD. Nếu tham gia, chiến lược chung chỉ nên mua khi điều chỉnh ở các vùng hỗ trợ, việc mua đuổi trong các thời điểm công bố thông tin rất nguy hiểm và xác suất thành công không cao.
Dưới một góc nhìn khác, ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco lại cho rằng nhóm ngân hàng có thể vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn của dòng tiền khi nhóm này thường có nhiều câu chuyện tăng trưởng thời điểm đầu năm nhờ các thông tin liên quan tới kế hoạch kinh doanh, chính sách vĩ mô (ví dụ chính sách hỗ trợ lãi suất có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng), đồng thời đây vẫn là nhóm ngành trọng điểm để các quỹ giải ngân năm nay. Ngoài ra, nhóm vật liệu xây dựng và dầu khí cũng cần được chú ý khi xuất hiện tín hiệu tham gia từ dòng tiền.