Sáng ngày 15/4, CTCP Thiết bị điện Gelex (mã chứng khoán GEE - UPCoM) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2022.
Năm 2022, Gelex Electric đặt kế hoạch doanh thu 19.110 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 2,1% và 144,5% so với thực hiện trong năm 2021.
Trong năm nay, Gelex Electric dự kiến sở hữu trực tiếp 51% vốn tại CTCP Sản xuất Thiết bị điện Đông Anh; thoái vốn tại Hạ tầng Gelex; phát triển hoạt động mua bán điện trong các khu công nghiệp trong hệ thống Gelex…
Đối với khối Thiết bị điện, Công ty dự kiến tiếp tục hoàn thành phát triển sản phẩm mới bao gồm: sản xuất tủ trung thế, công tơ điện từ AMI tại CTCP Thiết bị đo điện EMIC; máy biến áp 220 kV; hoàn thành việc nâng cấp dây chuyển CCV-line cáp ngầm trung thế tại Cadivi; thực hiện hoàn thiện các sản phẩm theo hướng nâng cao năng lực sản xuất máy biến áp Thibidi…
Tại khối phát điện, khai thác vận hành đảm bảo an toàn tin cậy và nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả phát điện của các dự án điện gió, điện mặt trời tại Công ty TNHH Phát điện Gelex, CTCP Năng lượng Gelex Quảng Trị…
Về cổ tức, năm 2021 Công ty thông qua kế hoạch cổ tức 20% bằng tiền mặt, đã tạm ứng 4% và còn lại 16% sẽ thực hiện trong năm 2022. Bước sang năm 2022, Công ty dự kiến nâng cổ tức lên 40% bằng tiền và cổ phiếu.
Công ty dự kiến thay đổi địa chỉ trụ sở chính từ tầng 23, Tòa nhà Gelex, số 52 phố Lê Đại Hành, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội sang số 52 phố Lê Đại Hành, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.
Sẽ niêm yết cổ phiếu trên HOSE và chào bán cổ phiếu ra công chúng
Một nội dung đáng chú ý đã thông qua tại Đại hội là Công ty dự kiến chào bán 34 triệu cổ phiếu ra công chúng, tương đương 10,18% tổng số cổ phiếu lưu hành. Nếu chào bán thành công,
GEE sẽ tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.340 tỷ đồng.
Được biết, Công ty sẽ chào bán thông qua đại lý phát hành với giá phát hành không được thấp hơn giá trị được ghi trong sổ sách của Công ty. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021, giá trị sổ sách của cổ phiếu
GEE khoảng 19.945 đồng/cổ phiếu.
Số tiền huy động được dự kiến sẽ dùng để nhận chuyển nhượng tối đa 49% vốn điều lệ tại Tổng công ty Thiết bị Điện Đông Anh - CTCP. Trong trường hợp không sử dụng hết sẽ bổ sung vào vốn lưu động, thời gian triển khai trong năm 2022.
Tính tới 31/12/2021,
GEE đang sở hữu 80,87% vốn điều lệ tại CTCP Thiết bị Điện (Thibidi); Thibidi lại sở hữu 24,95% vốn điều lệ tại Tổng công ty Thiết bị Điện Đông Anh - CTCP, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh Máy biến áp truyền tải, thiết bị điện, thiết kế công trình điện.
Ban lãnh đạo cũng trình cổ đông kế hoạch đăng ký niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), thời gian dự kiến thực hiện sau khi hoàn tất đợt chào bán cổ phiếu tăng vốn.
Phần thảo luận trong đại hội:
Thời gian sắp tới công ty có kế hoạch mở rộng đầu tư thông qua phương án M&A nào không?
Ông Nguyễn Trọng Tiếu, Thành viên HĐQT Công ty cho biết, theo kế hoạch của HĐQT, một trong những hoạt động của Công ty trong năm 2022 là tiếp tục M&A một số đơn vị hoạt động hiệu quả làm tăng giá trị cốt lõi cho Công ty.
Gelex Electric sẽ tăng tỷ lệ sở hữu thông qua mua lại 51% cổ phần của một đơn vị sản xuất thiết bị điện cao áp MEE, tiếp tục nâng sở hữu Thibidi từ 80,87% lên 90,71% và dự kiến tiếp tục nâng sở hữu tại CTCP Thiết bị điện Đông Anh lên 49%.
Công ty sẽ tập trung triển khai kế hoạch đã đặt ra, nếu phát sinh các cơ hội khác mà có thể gia tăng giá trị cốt lõi của Công ty, HĐQT sẽ họp, cân nhắc và xem xét đưa ra quyết định phù hợp.
Vị thế hiện nay của GEE và tình hình cạnh tranh trong ngành thiết bị điện như thế nào?
Ông Nguyễn Trọng Trung, Tổng giám đốc Công ty cho biết, hiện nay các thành viên trong mảng thiết bị điện của
GEE là những đơn vị đứng đầu thị trường, nhưng các công ty thành viên cũng đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cạnh tranh trong ngành. Các đối thủ đều có kế hoạch mở rộng sản xuất. Tuy nhiên với năng lực hiện nay và thương hiệu của
GEE, với lợi thế về quy mô, tài chính,
GEE và các công ty thành viên tự tin sẽ tiếp tục giữ vững thị phần.
Giá nguyên liệu đầu vào tăng có ảnh hưởng không, công ty có tăng giá bán không?
Ông Nguyễn Trọng Trung cho biết, lĩnh vực sản xuất thiết bị điện có chi phí nguyên vật liệu trên giá thành lớn nên khi giá đồng, sắt, thép, dầu tăng mạnh sẽ ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của công ty. Tuy nhiên, việc tăng giá nguyên vật liệu sẽ nhanh hơn tăng giá bán vì giá bán tùy theo tình hình thị trường nên có thể bị chậm.
Công ty và các công ty thành viên sẽ bám sát tình hình thị trường, có các quyết định điều chỉnh giá bán phù hợp để không làm mất thị phần vào tay đối thủ và tránh ảnh hưởng tới việc biên lợi nhuận của công ty có thể suy giảm.
Việc chào bán cổ phiếu ra công chúng và niêm yết trên HOSE dự kiến vào thời điểm nào?
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, điều kiện để đăng ký niêm yết trên HOSE là cổ phiếu phải giao dịch tối thiểu 2 năm trên UPCoM trừ trường hợp công ty tổ chức đăng ký niêm yết đã chào bán ra công chúng. Do đó,
GEE sẽ tiến hành chào bán cổ phiếu ra công chúng để đảm bảo điều kiện niêm yết trên HOSE.
GEE đang tích cực làm việc với các tổ chức tư vấn phát hành và tìm kiếm đối tác phù hợp, thời gian dự kiến hoàn tất là quý IV/2022.
Tình hình kết quả kinh doanh quý I/2022 và khả năng hoàn thành kế hoạch năm?
Ông Nguyễn Trọng Tiếu cho biết, theo số liệu tính toán, tổng doanh thu hợp nhất của
GEE trong quý I/2022 đạt 4.494 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ và ước đạt 23,5% kế hoạch năm. Lợi nhuận quý I/2022 đạt 408 tỷ đồng, tăng 136% so với cùng kỳ và ước đạt 15,5% kế hoạch năm. Đây là mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhưng việc tăng trưởng không phân bổ đồng đều trên các lĩnh vực
GEE đang hoạt động. Lĩnh vực sản xuất thiết bị điện, dây cáp điện có tăng trưởng cao về lợi nhuận. Mảng sản xuất máy biến áp, động cơ điện chịu ảnh hưởng rất lớn về giá nguyên vật liệu nên lợi nhuận không tăng trưởng.
Về cơ hội hoàn thành kế hoạch, ông Tiếu tin rằng với sự nỗ lực của đội ngũ, năng lực của hệ thống và sự ủng hộ của cổ đông, Công ty có đủ nghị lực để hoàn thành kế hoạch đề ra.