Tâm lý thận trọng thấy rõ từ phần lớn nhà đầu tư khiến giao dịch khá ảm đạm với thanh khoản mất hút trên thị trường. Các nhóm ngành lớn như ngân hàng, chứng khoán, dầu khí đua nhau giảm khiến VN-Index lùi xuống mức thấp nhất trong một tháng qua. Dù vậy, không phải không có những điểm nóng trong tuần, với nhóm thủy sản, bán lẻ là những ví dụ điển hình.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 23,44 điểm (-1,58%), xuống 1.458,56 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 35,4% so với tuần trước đó với 83.503 tỷ đồng, khối lượng giao dịch giảm 36,3% xuống 2.538 triệu cổ phiếu.
HNX-Index giảm 15,31 điểm (-3,54%), xuống 416,71 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 41% so với tuần trước đó với 9.173 tỷ đồng, tổng khối lượng giao dịch đạt 314 triệu cổ phiếu.
Trong tuần, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng là gánh nặng lớn nhất đối với thị trường, với VCB (-3,4%), BID (-6,2%), CTG (-3,3%), TCB (-6,7%), MBB (-5,4%), SHB (-2,7%), STB (-2,9%), HDB (-6,9%), EIB (-5,13%), MSB (-4,5%), trong khi ACB, VPB, OCB, LPB may mắn chỉ giảm nhẹ và SSB tăng được 0,5%.
Nhóm cổ phiếu tài chính khác là công ty chứng khoán cũng giảm tương đối mạnh, với SSI (-7%), HCM (-11,6%), VCI (-10,7%), VND (-4%), SHS (-3,4%), FTS (-5,5%), CTS (-4,8%), VIX (-7,8%), APG (-6,3%), BSI (-6%), VDS (-5,2%), AGR (-9,1%), TVB (-10,4%), ...
Nhóm dầu khí cũng lùi bước, với PLX (-2,7%), BSR (-2,3%), PVD (-2,7%), PVS (-8,1%), PVB (-1,4%) ...
Nhóm dịch vụ tiêu dùng có tuần hồi phục mạnh sau khi tuần trước giảm khá sâu, với các mã ngành bán lẻ đầu ngành như MWG (+6,8%), FRT (+11,4%), DGW (+5,7%), PNJ (+2,3%)...
Trên sàn HOSE, nhóm cổ phiếu tăng điểm mạnh nhất dễ dàng nhận thấy sự vượt trội ở các cổ phiếu thủy sản như IDI, CMX, VHC, ACL.
Có lẽ nhóm này tăng tốt đến từ thông tin Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) mới đây nhận định rằng, giá cá tra sẽ tăng tiếp trong thời gian tới do việc thiếu hụt nguyên liệu có thể kéo dài đến hết quý II/2022.
Số liệu thống kê từ VASEP cho thấy, xuất khẩu thủy sản tháng 3/2022 ước đạt 920 triệu USD, duy trì mức tăng trưởng 25%, bất chấp chiến sự tại Ukraine làm gián đoạn xuất khẩu thủy sản sang Nga và Ukraine từ cuối tháng 2 và làm tăng các chi phí vận tải, nguyên vật liệu sản xuất chế biến.
Tính đến hết tháng 3/2022, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
VASEP dự phóng xuất khẩu cá tra trong quý II/2022 có thể tăng trên 50% so với cùng kỳ 2021.
Ở những nơi khác, cổ phiếu ngành hóa chất DGC tăng mạnh và thiết lập mức đỉnh mới tại 248.000 đồng/cổ phiếu và là cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn.
Mới đây, DGC đã thông qua phương án phát hành hơn 200 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức năm 2021 theo tỷ lệ 117%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 117 cổ phiếu mới. Thời gian thực hiện dự kiến trong tháng 4-5/2022.
Cổ phiếu HAH cũng lọt top tăng mạnh nhất sàn, có lẽ nhờ thông tin chia cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10% và bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 40%.
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu PXI, PTL, PXS, VIS giảm sâu nhất và có chung một câu chuyện hủy niêm yết, do kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp, hoặc có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán đối với báo cáo tài chính.
Riêng VIS hủy niêm yết tự nguyện do có 2 cổ đông lớn nắm 93,81% vốn và cổ đông không phải cổ đông lớn chiếm 6,19%. Do đó, không đáp ứng điều kiện có tối thiểu 10% vốn do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn nắm giữ theo Luật Chứng khoán.
Ngoài ra, những cái tên khác đáng đều thuộc nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng, trong đó, đáng chú ý là DIG, khi gần đây, cổ đông lớn là Địa ốc Him Lam liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu.
Cụ thể, từ ngày 06/4 đến 14/4, Him Lam đã bán tổng cộng 15,16 triệu cổ phiếu DIG và giảm sở hữu từ hơn 52,69 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 10,54% xuống còn 37,53 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 7,5%.
Trên sàn HNX, cổ phiếu POT có tuần thứ hai liên tiếp là cổ phiếu tăng mạnh nhất, dù dự án Công trình đa chức năng tại 61 Trần Phú, Hà Nội đã bị tạm dừng thực hiện.
Đáng chú ý khác là sau khi giá cổ phiếu đạt mức cao lịch sử, thì bà Nguyễn Thị Bích Hồng, Ủy viên HĐQT của POT đã có thông báo đăng ký bán toàn bộ gần 1,5 triệu cổ phiếu POT sở hữu, tỷ lệ 7,72%. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 19/4 đến 18/5 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Trên UpCoM, nhóm cổ phiếu tăng, giảm mạnh nhất tuần này gần như không có diễn biến nào đáng chú ý, khi gần như đều chỉ có thanh khoản rất thấp trong các phiên giao dịch.