Đối diện với nhiều bất ổn bên ngoài gia tăng nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong năm nay, theo đánh giá của VnDirect...
Trong báo cáo cập nhật vĩ mô Việt Nam vừa công bố, Chứng khoán VnDirect đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 xuống mức 7,1% so với cùng kỳ trong kịch bản cơ sở.
Đà phục hồi kinh tế trong nước đang được hỗ trợ bởi sự dịch chuyển trạng thái sang coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, tuy nhiên lại phải đối mặt với những bất ổn bên ngoài gia tăng.
Thứ nhất, sự suy giảm tăng trưởng của kinh tế thế giới do khủng hoảng Nga- Ukraine có thể thu hẹp nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong nửa cuối năm 2022. Nhiều tổ chức nghiên cứu lớn trên thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 để phản ánh những tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra.
Cụ thể, Economist Intelligence (EIU) đã giảm dự báo tăng trưởng của khu vực Châu Âu trong năm 2022 xuống mức 2%, từ dự báo trước đó là 3,9%. Triển vọng tăng trưởng suy yếu tại Châu Âu cũng kéo theo tăng trưởng chậm lại trên quy mô toàn cầu, qua đó EIU cắt giảm tăng trưởng kinh tế thế giới 0,5 điểm % xuống mức 3,4% cho năm 2022 từ mức dự báo 3,9% trước đó.
Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 xuống mức 2,6% từ mức 3,6% trước đó do cuộc xung đột tại Ukraine cũng như những thay đổi trong chính sách vĩ mô của một số quốc gia thời gian qua.
Trong khi đó, Tổ chức Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết cuộc xung đột ở Ukraine có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu hơn một điểm phần trăm trong năm đầu tiên.
Việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU và Nhật Bản có thể làm giảm nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong nửa cuối năm 2022, đặc biệt là hàng lâu bền và hàng tiêu dùng.
Thứ hai, đà tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chậm lại do giá vật liệu xây dựng và chi phí logistic gia tăng. Giá bán của nhiều loại vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng dự kiến duy trì ở mức cao trong một vài tháng tới do xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Điều này có thể khiến cho các dự án xây dựng công nghiệp và dân dụng bị chậm tiến độ so với kế hoạch ban đầu do biên lợi nhuận của các doanh nghiệp xây dựng bị thu hẹp đáng kể. Hơn nữa, sự đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí logistic tăng làm gia tăng chi phí sản xuất công nghiệp tại Việt Nam.
Theo IHS Markit, tổ chức cung cấp chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Việt Nam hàng tháng, đã chỉ ra rằng trong tháng 3 vừa qua, giá đầu vào của lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 11 năm qua. Đây là nguyên nhân chính khiến chỉ số PMI của Việt Nam tháng vừa qua giảm xuống mức 51,7 điểm từ mức 54,3 điểm của tháng trước đó. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất có thể chậm lại trong Q2/22 do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Thứ ba, Fed thu hẹp bảng cân đối kế toán và tăng lãi suất điều hành nhanh hơn dự kiến, dẫn đến điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn, làm thu hẹp dư địa để Việt Nam duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Trong biên bản cuộc họp mới nhất của Ủy ban Thị trường mở Hoa Kỳ (FOMC), Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã cho biết ý định sẽ thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán sớm hơn dự kiến, có thể bắt đầu từ cuộc họp tiếp theo vào ngày 3-4/5 tới. Fed dự kiến sẽ giảm lượng nắm giữ trái phiếu khổng lồ của mình ở mức tối đa là 95 tỷ USD mỗi tháng, bao gồm 60 tỷ USD Trái phiếu Kho bạc Mỹ và 35 tỷ USD chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp. Số tiền cắt giảm gần gấp đôi so với mức đỉnh 50 tỷ USD mỗi tháng khi Fed cắt giảm bảng cân đối kế toán trong giai đoạn năm 2017 tới 2019.
Biên bản cũng cho thấy "nhiều" quan chức Fed muốn tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % thay vì cắt giảm một phần tư điểm phần trăm như họ đã thực hiện trong cuộc họp hồi tháng 3.
Thứ tư, Trung Quốc duy trì chính sách zero-Covid có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Nếu các ổ dịch Covid-19 không sớm được dập tắt sẽ tác động xấu đến sản xuất và tiêu dùng tại các địa phương có dịch.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng giá trị thương mại hai chiều đạt 165,9 tỷ USD vào năm 2021, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 56,0 tỷ USD (chiếm 14,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam) và nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 109,9 tỷ USD (chiếm 33,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam).
Do đó, diễn biến dịch bệnh và chính sách zero-Covid của Trung Quốc có thể sẽ tác động mạnh đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những quý tới.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, giá hàng hóa leo thang và FED thắt chặt chính sách tiền tệ, VnDirect quyết định hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 xuống mức 7,1% so với cùng kỳ, dự báo trước đó là 7,5%. Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong năm nay.