Trước tình trạng khan hiếm chip trầm trọng trên thế giới, việc Mercedes thắt chặt yêu cầu về showroom đối với các đại lý ở Việt Nam để bắt kịp tiêu chuẩn trong khu vực và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các công ty cùng ngành cũng khiến HAX phải huy động tăng vốn đáng kể trong thời gian tới, dẫn đến rủi ro pha loãng...
SSI: Khuyến nghị kém khả quan đối với cổ phiếu HAX
Công ty Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, tại đại hội cổ đông thường niên 2022, ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (HoSE:
HAX) đã chia sẻ về tình trạng khan hiếm chip trầm trọng hơn đang ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng doanh thu. Theo đó, mặc dù nhiều hãng sản xuất chip thế giới đã nỗ lực tăng công suất và đầu tư mở rộng, tuy nhiên các nhà máy chip mới chưa thể đi vào hoạt động đúng lịch trình trong năm 2022 và 2023.
Hai nhà sản xuất chip lớn nhất là TSMC và Intel gần đây đã xác nhận dời ngày đi vào hoạt động của các nhà máy chip quy mô lớn tại Arizona và Mỹ từ năm 2023 sang 2024 do mức độ phức tạp cao và quy mô lớn của các dự án chip này, đồng nghĩa với tình trạng thiếu hụt chip có thể kéo dài thêm 8-12 tháng so với kỳ vọng ban đầu.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn (SIA), xung đột địa chính trị giữa Nga - Ukraine khiến nguồn cung chip toàn cầu trầm trọng hơn, vì đây là hai nước nắm giữ tới 40-50% hai nguyên liệu chính sản xuất chip bán dẫn: khí neon, dùng để cung cấp cho máy laser in vi mạch bán dẫn và palladium, dùng trong các chip cảm biến và bộ nhớ máy tính. Trong thông cáo báo chí gần đây, Mercedes công bố mục tiêu bàn giao xe toàn cầu trong năm 2022 giảm 5% đến 10% so với cùng kỳ trong năm do ảnh hưởng của tình trạng thiếu chip.
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo của
HAX cũng cho biết, Mercedes đang ngày càng thắt chặt yêu cầu về showroom đối với các đại lý Việt Nam để bắt kịp tiêu chuẩn Mercedes trong khu vực, trong đó đảm bảo 2 yếu tố là diện tích sàn tối thiểu của mỗi showroom và chất lượng thiết kế và dịch vụ trong showroom. Do đó, Mercedes gần đây đang hối thúc
HAX sớm nâng cấp 2 showroom: Võ Văn Kiệt tại TP.HCM và Kim Giang tại Hà Nội, vì thị phần của
HAX đã đạt 40%, đây là con số thị phần cao nhất đối với một đại lý Mercedes ở tại một thị trường trên toàn cầu.
Đó là nguyên nhân khiến
HAX phải huy động tăng vốn đáng kể trong thời gian tới, dẫn tới rủi ro pha loãng tăng trưởng lợi nhuận trong thời gian tới. Đại hội cổ đông đã thông qua nghị quyết phát hành quyền mua 1:1 cho cổ đông hiện hữu của
HAX tại mức giá 12.000 đồng/cổ phiếu. Nguồn vốn mới sẽ tài trợ cho kế hoạch đầy tham vọng của
HAX là xây dựng showroom Mercedes 18 tầng tại TP.HCM với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng và trở thành showroom ô tô lớn nhất tại Việt Nam, đi trước các đối thủ và bắt kịp tiêu chuẩn trong khu vực. Cùng với việc phát hành trái phiếu chuyển đổi gần đây, lợi nhuận của
HAX ước tính sẽ pha loãng đáng kể trong thời gian tới.
Trong lúc đó các công ty cùng ngành đang cạnh tranh gay gắt hơn. Trong khi
HAX đang lên kế hoạch mở rộng, thì các đại lý Mercedes khác bao gồm Vietnam Star, An Du và Vinamotor đã và đang nhanh chóng nâng cấp quy mô của các showroom, trong đó hầu hết là showroom lớn được khai trương: Vinamotor Nghệ An (11.583 m2 – khai trương năm 2020), Vietnam Star Bình Dương (7.600 m2 – năm 2020), An Du Quảng Ninh (4.400 m2 – năm 2020), Vietnam Star Hà Nội (3.000 m2 – dự kiến năm 2023).
Với cập nhật về triển vọng trong thời gian tới, SSI điều chỉnh giảm ước tính 2022 và 2023 của
HAX, trong đó giảm 9% và 4% ước tính tổng doanh thu và lợi nhuận ròng 2022 của
HAX ở mức 5.800 tỷ đồng (tăng 5% so với cùng kỳ) và 218 tỷ đồng (tăng 36% cùng kỳ). Năm 2023, SSI ước tính tổng doanh thu và lợi nhuận ròng của
HAX lần lượt là 6.300 tỷ đồng (tăng 8% cùng kỳ) và 206 tỷ đồng (giảm 6%).
Sau khi SSI đưa ra khuyến nghị tháng 11/2021, giá cổ phiếu
HAX đã tăng 25% và đạt mức giá mục tiêu trước đó, với tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 tốt hơn nhiều so với kỳ vọng. Với các thông tin thu thập từ đại hội cổ đông, SSI cho rằng lợi nhuận của
HAX có thể sẽ tạo đỉnh trong quý II và quý III/2022 và khó tiếp tục duy trì ở mức này trong các quý sau.
Do đó, SSI điều chỉnh lại khuyến nghị đối với
HAX ở mức kém khả quan, với giá mục tiêu 1 năm là 32.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 3,2% so với thị giá, đã bao gồm ảnh hưởng của việc pha loãng cổ phiếu.
KBSV: Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu DGC
Công ty Chứng khoán KB (KBSV) cho hay, nguồn cung phốt pho được dự báo tiếp tục thiếu hụt trong ngắn hạn, trong bối cảnh không có thêm dự án nâng cấp lớn nào được triển khai trên thế giới trong giai đoạn 2022-2024; Trung Quốc hạn chế xuất khẩu các sản phẩm gốc phốt pho đến hết quý II/2022 và các lệnh trừng phạt của phương Tây cùng với việc hạn chế xuất khẩu nhiều mặt hàng của Nga.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ phốt pho duy trì ở mức cao trong năm 2022, trước điều kiện thời tiết thuận lợi cùng với diễn biến tích cực của giá nhiều loại nông sản thúc đẩy việc tiêu thụ phân bón. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng các sản phẩm hoá chất gốc phốt pho được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh thiếu hụt chip đến cuối năm 2022 cùng với xu hướng chuyển dịch sang pin xe điện LFP.
Đây là các yếu tố ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE:
DGC). Mặt khác, việc giá điện duy trì ở mức thấp, cùng với với việc tự chủ được nguồn cung sẽ giúp DGC duy trì lợi thế cạnh tranh.
Cụ thể, giá điện công nghiệp Việt Nam ở mức tương đối thấp so với các nước sản xuất phốt pho lớn, mặc dù giá các nguyên liệu sơ cấp như than và dầu khí tăng cao, việc EVN cam kết sẽ không tăng giá điện trong năm 2022 sẽ giúp cho phốt pho Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó là việc đưa khai trường 25 vào khai thác trong cả năm 2022 sẽ giúp DGC cải thiện biên lợi nhuận.
KBSV nhận định trong năm 2022, doanh thu dự kiến của DGC ước đạt 12.528 tỷ đồng (tăng 31% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 4.141 tỷ đồng (tăng 65%). Dựa vào triển vọng kinh doanh và kết quả định giá, KBSV đưa ra khuyến nghị nắm giữ với cổ phiếu DGC, mức giá mục tiêu 254.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 2,4% mức giá đóng cửa ngày 15/4.
Yuanta: Khuyến nghị mua ELC với giá mục tiêu 28.780 đồng/cổ phiếu
Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử Viễn thông (HoSE:
ELC) ghi nhận doanh thu quý IV/2021 đạt 153 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 18 tỷ đồng, lần lượt 58% và 46% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm 2021,
ELC ghi nhận doanh thu 600 tỷ đồng (giảm 25% cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế đạt 47 tỷ đồng, tăng 48%. Như vậy,
ELC đã hoàn thành 72% kế hoạch doanh thu và 129% kế hoạch lợi nhuận năm.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) cho biết, doanh thu quý IV/2021 của ELC giảm do chậm tiến độ ghi nhận các dự án giao thông thông minh hiện tại. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh nhờ biên lãi gộp cải thiện lên mức 29,8% (cùng kỳ 11,2%); khoản lợi nhuận bất thường từ các công ty liên kết 20 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 20 triệu đồng).
ELC cho biết do doanh nghiệp đang chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng mở rộng các mảng kinh doanh, dự án mới tại các công ty con tách biệt cho giai đoạn 2022 - 2025, do đó, lợi nhuận hoạt động kinh doanh thông thường trong tương lại của ELC sẽ được đóng góp lớn bởi các công ty con - liên kết này.
Động lực tăng trưởng 2022 của ELC nằm ở mảng Giao thông thông minh và hưởng lợi trong xu hướng đầu tư công của Chính phủ. Với lợi thế bề dày kinh nghiệm và nắm giữ thị phần thứ 2 trong thị trường ngách này,
ELC có nhiều khả năng sẽ trúng thầu dự án Giao thông thông minh trong nội đô tại Hà Nội và TP.HCM (tổng quy mô 2.150 tỷ đồng) và các hạng mục Giao thông thông minh thuộc dự án Cao tốc Bắc - Nam (tổng quy mô 4.000 tỷ).
Hiện tại ELC đã ký kết một số hợp đồng lớn cho các tuyến đường như Cầu Giẽ - Ninh Bình, Diễn Châu – Bãi Vọt...
Vừa qua, tại đại hội cổ đông bất thường tháng 12/2021,
ELC đã thông qua phương án sẽ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 100:15 với giá chào bán 11.500 đồng/cổ phiếu, mục tiêu bổ sung vốn cho các dự án hiện tại và hoạt động của công ty. Việc phát hành thành công sẽ giúp ELC có thêm nguồn vốn để tăng tính cạnh tranh cho các dự án đầu tư công đấu thầu trong giai đoạn 2022 - 2025.
Theo Yuanta, ở mức giá đóng cửa hiện tại,
ELC đang được giao dịch tại mức P/E trong 12 tháng là 24,9 lần (tương ứng EPS là 950 đồng). Mức stock rating của ELC ở mức 87 điểm cho thấy mức xếp hạng tăng trưởng là tích cực.
Đồ thị giá của ELC đóng cửa tăng 3.8% và vượt hoàn toán đường trung bình 20 phiên với khối lượng giao dịch tăng đột biến so với mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá của ELC xuất hiện mô hình đảo chiều Bullish Bat và có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực.
Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn cũng được nâng lên mức tăng. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng cổ phiếu lên mức 21,79% nếu sức mạnh giá trên mức 80 điểm.