Theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017, chủ tịch HĐQT ngân hàng không được đồng thời là chủ tịch, thành viên HĐQT, tổng giám đốc… tại doanh nghiệp khác. Vì vậy, nhiều chủ tịch ngân hàng đã phải đưa ra lựa chọn…
Ngày 26/4 tới, Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP HCM (HDBank) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 để thông qua các kế hoạch, chỉ tiêu kinh doanh chính trong năm nay.
Bên cạnh đó, một nội dung quan trọng khác được các cổ đông quan tâm chính là sự thay đổi trong bộ máy Hội đồng Quản trị của ngân hàng khi bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch đương nhiệm không có tên trong danh sách HĐQT dự kiến bầu nhiệm kỳ mới của ngân hàng. Điều này cho thấy khả năng "ghế nóng" tại HDBank sẽ đổi chủ.
Được biết, bà Băng Tâm vừa đảm nhiệm vị trí Chủ tịch của HDBank vừa là Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk); với HDBank, bà đã gắn bó suốt 12 năm qua.
Nhiều ông chủ ngân hàng phải đưa ra lựa chọn... (Hình minh họa)
Theo Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc (giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Do có độ trễ thực hiện quy định trên với tính nhiệm kỳ của hội đồng quản trị tại các doanh nghiệp thường trong 5 năm, nên những thay đổi và lựa chọn liên quan tại nhiều doanh nghiệp và ngân hàng vẫn còn mới cho đến nay.
Với HDBank, trong danh sách bầu cử vào HĐQT mới tới đây có 7 cái tên, trong đó có 5 gương mặt cũ bao gồm bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Nguyễn Hữu Đặng, ông Lưu Đức Khánh, ông Nguyễn Thành Đô, bà Nguyễn Thị Tâm.
Trong đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đang là Phó chủ tịch thường trực HĐQT ngân hàng. Đồng thời, bà Thảo hiện còn giữ chức vụ Tổng giám đốc của CTCP Hàng không Vietjet (VJC); Phó chủ tịch thường trực HĐTV HD SAISON; Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sovico; Chủ tịch HĐTV của Công ty TNHH Đầu tư Hướng dương Sunny và Công ty TNHH GalaxyOne.
Với việc đang đảm nhiệm vai trò quan trọng cùng lúc tại nhiều doanh nghiệp như hiện nay, nhiều khả năng bà Thảo sẽ không chọn “ghế nóng” tại HDBank, dù bà vẫn được coi là người phụ nữ quyền lực đứng sau ngân hàng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Đặng, Phó chủ tịch HDBank cũng đang là Thành viên HĐQT của HD Saison và Tổng giám đốc GalaxyOne.
Ông Lưu Đức Khánh là Thành viên HĐQT Vietjet, CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn và Chủ tịch Ban Đại diện Quỹ đầu tư Chứng khoán Năng động DC. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tâm cũng đã tham gia HĐQT HDBank từ năm 2013 tới nay.
Đáng chú ý, trong danh sách nhân sự HĐQT dự kiến lần này có hai gương mặt mới là ông Kim Byoungho là Cố vấn cấp cao IFC, Thành viên HĐQT độc lập của SK Inc (Hàn Quốc) và ông Lê Mạnh Dũng là Trưởng đại diện DEG Deutsche Investitions- und Entwicklungsgesellschaft mbH tại Việt Nam. Cả hai ông dự kiến sẽ là Thành viên HĐQT Độc lập tại HDBank.
Việc bầu Chủ tịch mới thay thế bà Băng Tâm dự kiến sẽ được thực hiện sau khi HĐQT nhiệm kỳ mới của nhà băng được hoàn thiện.
Tương tự như trường hợp tại HDBank, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB cũng sẽ phải đưa ra lựa chọn ngồi "ghế" chủ tịch tại SHB hay Tập đoàn T&T và các công ty khác sau kỳ đại hội tới đây.
Tuy nhiên, khác với bà Băng Tâm, trong danh sách nhân sự bầu vào HĐQT nhiệm kỳ mới của SHB vẫn có xuất hiện bầu Hiển. Dù vậy, việc ông lựa chọn tiếp tục vị trí hiện tại tại ngân hàng hay không lại là một câu chuyện khác.
Trong một diễn biến liên quan, ông Đỗ Quang Vinh, con trai cả của bầu Hiển đã được đề cử vào Hội đồng Quản trị SHB trong nhiệm kỳ tới.
Ông Đỗ Quang Vinh sinh năm 1989, đang giữ nhiều chức vụ quản lý cấp cao tại SHB như Phó tổng giám đốc, Giám đốc khối ngân hàng số, Phó giám đốc khối ngân hàng bán lẻ và Phó chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội. Ngoài ra, ông cũng là Giám đốc đầu tư tài chính quốc tế tại Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T.
Nếu đắc cử, ông Vinh sẽ là thành viên trẻ tuổi nhất trong Hội đồng Quản trị SHB, đồng thời là một trong những người trẻ tuổi nhất tham gia vào hội đồng quản trị của một ngân hàng tại Việt Nam.
Trước đó, ngay khi Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm 2018, một loạt các doanh nhân lớn đã đưa ra quyết định.
Trong đó, ông Vũ Văn Tiền đã chọn làm Chủ tịch Tập đoàn Geleximco và rời vị trí Chủ tịch ABBank, trong khi bà Nguyễn Thị Nga cũng chọn ghế Chủ tịch tại Tập đoàn BRG và chuyển giao quyền lực tại SeABank cho con gái là bà Lê Thu Thủy.
Tương tự, ông Võ Quốc Thắng rời ghế Chủ tịch Kienlongbank để đảm nhận chức vụ Chủ tịch Đồng Tâm Group.
Ở chiều ngược lại, ông Đỗ Minh Phú đã quyết định chọn TPBank thay vì ghế Chủ tịch tại Doji, trong khi bà Thái Hương cũng chọn làm Chủ tịch tại BacABank thay vì TH True Milk.