• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.244,75 -1,34/-0,11%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 11:35:01 SA

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.244,75   -1,34/-0,11%  |   HNX-INDEX   221,29   -0,39/-0,18%  |   UPCOM-INDEX   92,98   +0,14/+0,15%  |   VN30   1.311,87   -2,94/-0,22%  |   HNX30   460,68   -1,12/-0,24%
22 Tháng Giêng 2025 11:42:10 SA - Mở cửa
FTM: Quá khứ đầy ‘sóng gió’ trước khi bị hủy niêm yết của cổ phiếu FTM
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 20/04/2022 9:37:14 SA
Chỉ sau hơn 4 năm niêm yết trên HoSE, cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và phát triển Đức Quân (Fortex) buộc phải rời sàn do kết quả kinh doanh yếu kém. Không chỉ vậy, quá khứ không được “đẹp” của người đứng đầu đã khiến thị giá cổ phiếu lao dốc không phanh, làm mất dần niềm tin của các nhà đầu tư.
 
Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) vừa thông báo về việc hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu FTM của Fortex.
 
Rời sàn sau hơn 4 năm góp mặt
 
Theo đó, toàn bộ 50 triệu cổ phiếu FTM sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 16/5/2022. Cổ phiếu FTM sẽ giao dịch phiên cuối trên HoSE vào ngày 13/5/2022. Lý do là bởi công ty có kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tiếp và tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính (BCTC) năm trong 3 năm liên tiếp, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định của Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.
 
Đáng chú ý, cổ phiếu FTM mới giao dịch trên HoSE từ ngày 6/2/2017. Như vậy, chỉ sau hơn 4 năm lên sàn, cổ phiếu FTM đã bị hủy niêm yết bắt buộc.

 
Toàn bộ 50 triệu cổ phiếu FTM sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 16/5/2022.
 
Được biết, trong BCTC năm 2021 đã kiểm toán ghi nhận doanh thu gấp 2,8 lần cùng kỳ, lên đến gần 232 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chi phí cao hơn doanh thu nên công ty lỗ gộp 91 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh.
 
Thêm khoản chi phí khác 133 tỷ đồng, dẫn tới số lỗ trong năm 2021 tăng 24 tỷ đồng so với năm 2020, lên mức 224 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp, công ty kinh doanh thua lỗ.
 
Tính đến 31/12/2021, Fortex đã lỗ lũy kế 420,6 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu còn hơn 88 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu là 500 tỷ đồng.
 
Ngoài ra, nợ ngắn hạn là 1.113,97 tỷ đồng, cao hơn tài sản ngắn hạn 357,97 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã sử dụng 357,97 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn.
 
Căn cứ trên kết quả này, cộng thêm việc BCTC kiểm toán năm 2019 và 2020, Fortex đã báo lỗ sau thuế lần lượt là 93,75 tỷ đồng và hơn 200 tỷ đồng.
 
Trước đó, tại báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm 2021 của Fortex, kiểm toán đã từng đưa ra kết luận ngoại trừ đối với khoản lỗ hơn 94 tỷ đồng, các khoản vay ngân hàng quá hạn thanh toán số tiền gần 464 tỷ đồng và lãi vay ngân hàng quá hạn thanh toán chưa được gia hạn nợ số tiền gần 233 tỷ đồng.
 
Theo kiểm toán, khả năng hoạt động liên tục của công ty phụ thuộc vào việc gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp, đồng thời còn phụ thuộc vào việc cơ cấu lại các khoản đầu tư của công ty. Vì vậy, các điều kiện này cho thấy các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
 
Từng giảm sàn 30 phiên liên tục
 
Trong quá khứ, cổ phiếu FTM từng là cái tên gây xôn xao trên thị trường chứng khoán với chuỗi giảm sàn 30 phiên liên tục kể từ ngày 15/8 - 26/9/2019. Khi đó, thị giá cổ phiếu FTM đã “cắm đầu” thẳng đứng xuống còn hơn 3.000 đồng/cp, sau đó tiếp tục đi ngang và điều chỉnh về vùng giá không bằng cốc trà đá là 1.200 đồng/cp (phiên 1/12/2020).
 
Năm 2021, hưởng lợi từ “cơn sóng” của cổ phiếu đầu cơ, cổ phiếu FTM nhích tăng dần, nhất là thời điểm cuối năm. Tiếp tục gây bất ngờ, thị giá FTM “tự dưng” lại tăng mạnh, gấp hơn 6 lần lên mức đỉnh 9.100 đồng/cp (phiên 10/1/2022), kèm theo đó là thanh khoản lên cả triệu đơn vị được khớp lệnh mỗi phiên, trước khi lại quay đầu giảm theo xu hướng chung của nhóm đầu cơ trong thời gian gần đây.
 
Hiện tại, chốt phiên 19/4, thị giá cổ phiếu FTM giảm sàn 6,9% về mức 4.290 đồng/cp.
 
Trở lại với thời điểm cổ phiếu FTM giảm sàn 30 phiên liên tiếp. Khi đó, cổ phiếu cũng rơi vào tình cảnh “múa bên trăng” và lệnh bán chất như núi. Thậm chí, có những phiên, khối lượng dư bán sàn lên tới gần 33 triệu đơn vị, tương ứng 65% cổ phần công ty. Với chuỗi giảm sàn này, cổ phiếu FTM mất gần 90% giá trị.
 
Cú lao dốc đã khiến 12 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng thiệt hại tổng cộng 200 tỷ đồng. Không chỉ các công ty chứng khoán, không ít nhà đầu tư cũng chịu thiệt hại nặng vì nắm giữ cổ phiếu FTM và trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của các nhà đầu tư lúc bấy giờ.
 
Trước đó, cổ phiếu FTM không được giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế 6 tháng năm 2019 là con số âm. Bên cạnh đó, thị trường liên tiếp xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt liên quan đến Fortex và cổ phiếu FTM. Những điều này đã khiến cho Fortex rơi vào cuộc khủng hoảng toàn diện từ kinh doanh thua lỗ và tài chính yếu kém, đến nghi vấn cổ phiếu bị một nhóm cổ đông thao túng làm giá. Sự việc đổ vỡ khi hàng loạt các công ty chứng khoán tung lệnh bán giải chấp khiến giá và thanh khoản mã FTM rơi không phanh.
 
Cụ thể, từ giữa tháng 8/2019, HoSE thông báo cổ phiếu FTM không được giao dịch ký quỹ vì bị thua lỗ. Ngay sau đó, một số công ty chứng khoán có dư nợ cho vay margin và có nguy cơ thiệt hại lớn với cổ phiếu FTM đã có cuộc họp tại Hà Nội.
 
Thống kê cho thấy, có 10 cá nhân mở tài khoản và có dư nợ margin lớn tại 13 công ty chứng khoán với tổng giá trị khoảng 200 tỷ đồng. Đồng thời, các tài khoản này có hiện tượng giao dịch chéo để tạo thanh khoản giả với cổ phiếu FTM trong giai đoạn trước đó.
 
Căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra và xác minh của cơ quan công an, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Mạnh Thường (Chủ tịch HĐQT Fortex) và bà Phạm Thị Phương do sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu FTM. Số tiền phạt 600 triệu đồng đối với mỗi người, tương đương tổng số tiền 1,2 tỷ đồng. Đây cũng là một trong 10 sự kiện chứng khoán tiêu biểu trong năm 2019.
 
Được biết, sau đó, ông Lê Mạnh Thường được đề cử trở lại vào HĐQT và giữ chức chủ tịch công ty cho đến nay. Tuy nhiên, những gì có thể thấy là kinh doanh công ty từ đó đến nay vẫn không được cải thiện. Cùng với đó, quá khứ không mấy sáng sủa của “người cầm trịch” khiến cho nhà đầu tư mất dần niềm tin vào cổ phiếu. Vì vậy, việc hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu FTM có lẽ không khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy bất ngờ.
 

Cổ phiếu liên quan