Số dư tiền gửi khách hàng tại các CTCK vào cuối quý 1/2022 khoảng 100.000 tỷ đồng, tăng khoảng 6.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021 và đây là con số kỷ lục được ghi nhận đến thời điểm hiện tại.
Sau 3 tuần điều chỉnh, PE thị trường chứng khoán chỉ còn hơn 15 lần (Ảnh minh hoạ)
Số liệu thống kê đến cuối quý 1/2022 dư nợ cho vay toàn thị trường đạt kỷ lục 200.000 tỷ đồng (~8,7 tỷ USD), tăng nhẹ khoảng 5.000 tỷ so với quý trước và đây là con số kỷ lục trên TTCK Việt Nam từ khi thành lập tới nay. Đây là số dư nợ không bao gồm cho vay 3 bên. Nếu tính thêm dư nợ từ cho vay 3 bên, con số thực tế có thể lớn hơn nhiều con số 200.000 tỷ đồng.
Bên cạnh sự tăng trưởng về dư nợ margin, số dư tiền của nhà đầu tư tại các CTCK cũng liên tục tăng mạnh những quý gần đây. Theo ước tính, số dư tiền gửi khách hàng tại các CTCK vào cuối quý 1/2022 khoảng 100.000 tỷ đồng, tăng khoảng 6.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021 và đây là con số kỷ lục trong lịch sử. Trong đó chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý. Đây là lượng tiền đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm 31/3/2022.
Trong đó, VPS là CTCK có số dư tiền gửi khách hàng lớn nhất, lên tới hơn 22.000 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ so với đầu năm. VNDIRECT giữ vững vị trí số 2 về số dư tiền gửi khách hàng với gần 10.000 tỷ đồng. Xếp tiếp theo lần lượt là SSI (6.792 tỷ đồng), TCBS (5.229 tỷ đồng), Mirae Asset (4.895 tỷ đồng)…
Trước biến động mạnh của thị trường thời gian kể từ đầu tháng 4/2022, khi VN-Index giảm khoảng 10% kể từ mức đỉnh lịch sử kèm thanh khoản sụt giảm 20% toàn thị trường và hầu hết các nhóm cổ phiếu đều bị điều chỉnh, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Trần Hải Hà, CEO Công ty chứng khoán MB (MBS) cho biết, việc thị trường giảm liên tục đến từ phản ứng có phần thái quá do có sự quan ngại và áp lực bán của nhà đầu tư/đầu cơ khi thấy các thông tin về việc xử lý các hành vi thao túng thị trường, làm trong sạch môi trường và thực tiễn huy động vốn qua trái phiếu của các cơ quan chức năng… Hành động này của các cơ quan quản lý chắc chắn sẽ đem đến một "sân chơi" lành mạnh hơn cho toàn thể nhà đầu tư trong và ngoài nước trong trung dài hạn.
Theo ông Hà, nột quan sát nhỏ, dù thanh khoản kể từ đầu tháng 4 có giảm 12,5% so với tháng 3 nhưng vẫn cao hơn 25,8% so với mức bình quân ở tháng 4 năm ngoái. “Khi dòng tiền vẫn còn ở lại thị trường tìm kiếm cơ hội, tôi cho rằng khi những khó khăn qua đi và tâm lý sợ hãi không còn thắng thế thì với dự báo về lạm phát, lãi suất tăng, kênh chứng khoán vẫn là kênh đầu tư có khả năng mang lại hiệu quả tốt và theo đó vẫn là kênh dòng tiền hướng đến”, ông Hà nói.
Cũng theo ông Hà, khi thị trường giảm đến một mức độ nhất định sẽ lập tức xuất hiện dòng tiền thông minh tìm mua những viên kim cương của nền kinh tế với mức giá chiết khấu, vậy nên sẽ không có viễn cảnh thị trường giảm điểm liên tiếp, thanh khoản sụt giảm…
“Tôi đánh giá, mức định giá của TTCK Việt Nam hiện nay đang ở mức hấp dẫn khi mức PE trung bình hiện tại trên sàn HSX ở mức 16,3 lần thấp hơn mức trung bình của các thị trường Châu Á là mức 19,6 lần trong khi triển vọng tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp Việt Nam hiện tại rất khả quan”, ông Hà nói thêm.